(vhds.baothanhhoa.vn) - Tác phẩm sáng tạo văn học nghệ thuật thứ 26 của Trần Đàm là tập truyện do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022. Như vậy, sau 15 cuốn sách ảnh, 4 tập thơ, 1 tập tiểu luận phê bình được xuất bản cùng 5 cuộc triển lãm ảnh, cây bút, “tay máy” 83 tuổi Trần Đàm, lại bước vào địa hạt mới, truyện ngắn.

Những trang viết trải nghiệm và lay thức

Tác phẩm sáng tạo văn học nghệ thuật thứ 26 của Trần Đàm là tập truyện do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022. Như vậy, sau 15 cuốn sách ảnh, 4 tập thơ, 1 tập tiểu luận phê bình được xuất bản cùng 5 cuộc triển lãm ảnh, cây bút, “tay máy” 83 tuổi Trần Đàm, lại bước vào địa hạt mới, truyện ngắn.

Những trang viết trải nghiệm và lay thức

Mặc dù bìa và trang đầu chỉ ghi là “Trần Đàm tập truyện”, song theo thiển nghĩ của chúng tôi, các truyện trong sách của tác giả đều thuộc thể loại truyện ngắn. Vì lẽ, từ bố cục dựng truyện, thao tác xử lý tình tiết, nhân vật, lời thoại ông đều tuân theo các quy ước đặc trưng thể loại của văn xuôi tự sự, có bước ngoặt mỗi khi kết đoạn, kết truyện.

Đọc “Trần Đàm tập truyện”, cá nhân tôi gặp một điều dễ nhận. Đó là thời gian, không gian và địa điểm diễn ra trong từng thiên truyện phần lớn có mối gắn kết với quê hương xứ Thanh, và đâu đó thấy hình bóng trải nghiệm, liên số phận, liên thân phận như người trong cuộc của tác giả.

Vì thế, có thể chia 10 truyện ngắn của Trần Đàm theo các mốc thời kỳ: sau năm 1954, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời kinh tế thị trường và có cả thời dịch COVID-19 mới trải qua như một cơn lốc sinh tử và hiện tại vẫn còn nhiều hiểm họa.

Với quãng thời gian trong gần 70 năm ấy, không biết bao nhiêu sự kiện đã dồn dập đến với quê hương bản quán, đến người thân, đến số phận của các nhân vật trong tập truyện. Hết cải cách ruộng đất lại đến cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước khốc liệt; hết thời gian khắc phục hậu quả chiến tranh và trì trệ sau năm 1975 đến thời đổi mới với biết bao nhiêu kỳ tích cũng như các mảnh vỡ mặt trái của kinh tế thị trường...

Đa phần các nhân vật trong “Trần Đàm tập truyện”, dù là ở hoàn cảnh nào, dù thiện lương hay ác độc, ám muội đều quyết liệt với mục đích dấn tới của mình. 43 người phụ nữ trong “Đòi quyền làm mẹ”, một thời là các cô gái công nhân lâm trường rừng rực sức xuân, góp phần xây dựng nên một địa chỉ khai thác gỗ Mường Hum nổi tiếng ở vùng biên giới nhưng rồi rừng kiệt, hết việc, họ thuộc số người bị dư thừa, bị giảm biên chế, bị quay về quê không nơi nương tựa, khi tuổi tác đã bước sang phía dốc bên kia cuộc đời. Không, những người phụ nữ nhỡ nhàng đó đã tìm được lối thoát cho mình, tìm được hạnh phúc lứa đôi. Ở khía cạnh khác, chính thành công trong chặng đường mới của họ không thể không tác động đến những người làm cơ chế chính sách những tham khảo thực tiễn hợp lòng dân, nhân văn và tác dụng lâu dài.

Loại nhân vật lòng dạ bất lương, hành động ám muội như tay bảo vệ lâm trường (Đòi quyền làm mẹ), dẫn công an vào bắt các phụ nữ trong ngôi nhà hạnh phúc của họ, chỉ vì họ có người đến tìm hiểu, sẻ chia hạnh phúc; hai tay cán bộ xã Chùy Giang (Nước mắt của Huệ) lần ra tận nhà máy dệt Nam Định để tố giác lý lịch của một cô gái 17 tuổi mới xin được làm công nhân; một đảng viên tên là Kháng, chỉ vì quyền lợi dòng họ mà nhân vụ nước hạn về làng đã manh động, kích động đám đông vây bắt cả bí thư huyện ủy (Bão làng)…

Bởi thế, khi mỗi nhân vật xuất hiện thì ý chí và hành động sẽ dồn tốc lực đến đích cuối cùng. Cái thiện và cái ác gặp nhau ở tiếp điểm này sẽ tạo ra một sự bùng nổ tình huống, tạo nên yếu tố bất ngờ hấp dẫn và cảm thụ ấn tượng cho người đọc.

Không phải là tất cả nhưng đa phần truyện trong tập sách, nhà văn Trần Đàm đã đẩy các nhân vật của mình vào điểm mút tắc nghẽn của đời sống, khiến cho kiếp người chỉ còn một lựa chọn giữa sống và chết, hay nói như Hamlet: “Tồn tại hay không tồn tại?”. Vì thế, những kiếp người như Huệ, như Hân trong “Nước mắt của Huệ”, như Xoan trong “Người thợ mài”, như 43 phụ nữ lâm trường “Đòi quyền làm mẹ”… là những thân phận thua thiệt, đắng cay, nhỡ nhàng nhưng quyết không đầu hàng hoàn cảnh.

Cùng với đó, các nhân vật làm điều thiện lương cũng là những nhân vật thân phận. Một người có vị trí lãnh đạo cấp trưởng ty tên là Lê Văn Cam chỉ vì trọng tài và thấu cảm với hoàn cảnh ngặt nghèo của một người công nhân trẻ tuổi mà đem cả sinh mệnh chính trị ra bảo lãnh để anh thoát hiểm “chủ nghĩa lý lịch”, được ra nước ngoài học tập, về sau trở thành nhân tài cho đất nước. Ai từng đã sống trong thời kỳ các thập niên 1950, 1960, đầu thập niên 1970 thì hẳn thấy sinh mệnh chính trị quan trọng đến nhường nào, nhất là những người có vị trí lãnh đạo, quản lý. Bởi thế các nhân vật thuộc tuyến phản diện khi có chức tước trong tay ở cấp làng xã cũng quyết liệt, hẹp hòi thiển cận, ngáng cản đến cùng những người mà họ gọi là thành phần cần theo dõi, giám sát và chặn mọi nẻo tiến thân.

Với các truyện viết về thời kỳ sau những khốc liệt đó, Trần Đàm đã tìm thấy nhiều điểm sáng hơn, nhân vật hướng thiện, hướng thượng nhiều hơn; các nhân vật được coi là phản diện tuy cơ mưu có tinh vi hơn nhưng rồi cũng có lúc biết sám hối như Khánh, như Bài trước một thế hệ trẻ biết bước qua lời nguyền của một quá khứ không dễ quên (Bão làng).

Yếu tố hướng thượng, hướng thiện này là bản chất của cuộc sống, dù gì cũng phải sống, vì cuộc sống không bao giờ chán nản với màu xanh sinh sôi, thiện tâm và gắn kết, sám hối và khoan dung.

Các nhân vật nữ của ông đều chân thành cùng với bao đắm say hết mình, khi là duyên thầm, khi là bộc lộ, khi là bùng phát đầy nữ tính. Càng đọc các nhân vật này, càng nghĩ về họ, càng tưởng tượng ra họ, càng thấy yêu thương, cảm thông và thú vị.

Trong cách thể hiện truyện, Trần Đàm không quá câu nệ về kỹ thuật dựng bố cục, cài đặt chi tiết, dụng công trau chuốt cho lời thoại mà ông chỉ làm người khách quan trần thuật lại nội dung câu chuyện với các cảnh huống đã diễn ra, không hề xen một lời bình phẩm nào. Ông kể câu chuyện “Nước mắt của Huệ” tuần tự theo thời gian, theo cảnh huống rồi nhân vật cũng vì cảnh huống mà biến mất để lại cho người bạn nhỏ thuở học trò của cô mất gần cả cuộc đời đi tìm lại. Và họ đã tìm ra nhau.

Cũng trong truyện “Nước mắt của Huệ” và một số truyện khác, Trần Đàm biết tiết chế độ dài mà thể loại truyện ngắn bị coi là sở đoản bằng cách dồn nén quãng thời gian mất tích của nhân vật bằng những trang nhật ký khóc ra cả nước mắt ướt lẫn nước mắt khô. Đây là một phong cách mới trong bố cục và dựng truyện. Vì thế tạo được cảm tưởng tiếp nhận sự thật, một sự thật sống động mang tính thân phận của nhân vật.

Trần Đàm vào nghề bằng nghệ thuật nhiếp ảnh nên mọi trang viết của ông có ngôn ngữ hình khối và ánh sáng. “Đã mấy ngày nay, trời mưa bão ầm ào, rả rích. Những hàng cây bên đường đổ ngả nghiêng lá trút xuống đường ngập ngụa… Nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ” (Sóng đời vần vũ); “Gió mạnh, cánh diều bay vút lên cao. Bốn cánh diều của bốn đứa trẻ chao liệng trên bầu trời xanh… như những con đại bằng thách thức người săn bắn… Bỗng cánh diều khựng lại, dây của nó bị đứt, diều thoát ra khỏi sự ràng buộc, nó vút lên theo chiều gió, nó cứ mờ dần mờ dần…” (Cánh diều đứt dây). Không chỉ có ngôn ngữ hình khối và ánh sáng của nghệ thuật nhiếp ảnh, những câu văn này còn là một tứ thơ với câu chữ dự báo một sự mất mát đang tới với đứa trẻ tuổi chơi diều, trong buổi chơi diều. Cũng đúng thôi, bởi Trần Đàm là thi sĩ của bốn tập thơ đã xuất bản.

Một tố chất cần thiết của người sáng tạo là đam mê. Trần Đàm là một nghệ sĩ dư dôi điều đó. Tập truyện ngắn ở tuổi ngoài 80 của ông là thêm một lần nữa khẳng định về sự đam mê. Chúng tôi và độc giả mừng cho nhà văn Trần Đàm.

Lê Ngọc Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]