(vhds.baothanhhoa.vn) - Với lợi thế căn bản "người đông, đất rộng, của nhiều", Thanh Hóa có vị trí, vai trò là một trong những hậu phương lớn nhất, quan trọng nhất, đóng góp có hiệu quả nhất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với văn nghệ sĩ cả nước, các văn nghệ sĩ xứ Thanh đã góp phần tạo cho thơ kháng chiến chống Pháp nhiều gam màu tươi mới, tinh thần yêu nước, cách mạng, tiếp nối truyền thống cao cả của thơ yêu nước trước đó.

Thơ Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp

Với lợi thế căn bản “người đông, đất rộng, của nhiều”, Thanh Hóa có vị trí, vai trò là một trong những hậu phương lớn nhất, quan trọng nhất, đóng góp có hiệu quả nhất cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cùng với văn nghệ sĩ cả nước, các văn nghệ sĩ xứ Thanh đã góp phần tạo cho thơ kháng chiến chống Pháp nhiều gam màu tươi mới, tinh thần yêu nước, cách mạng, tiếp nối truyền thống cao cả của thơ yêu nước trước đó.

Không phải ngẫu nhiên ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Thanh Hóa trước khi lên Việt Bắc. Với tầm nhìn chiến lược, Người muốn chọn lựa một căn cứ đứng chân thứ hai cho các cơ quan của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến phòng khi căn cứ địa Việt Bắc bị kẻ thù chiếm đóng. Thanh Hóa chính là nơi được Người nghĩ tới.

Và trong kháng chiến chống Pháp, xứ Thanh đã trở thành nơi tập hợp hầu hết những nhà văn, nhà thơ lớn của cả nước, lại vừa có cơ duyên xuất hiện những tác giả Thanh Hóa mở đầu cho văn học cách mạng và kháng chiến.

Ngay những ngày đầu tiên, sự xuất hiện bài thơ “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh (1946), “Đèo Cả” của Hữu Loan (1946). Rồi liên tiếp là “Tình sông núi” (1947, Trần Mai Ninh), “Lên Cấm Sơn”, “Lời cô lái đò” (1948, Thôi Hữu), “Nhớ” (1948, Hồng Nguyên), “Có một mùa chiêm”, “Nghìn ngày kháng chiến gặp mùa lúa chiêm” (1949, Hà Khang), “Màu tím hoa sim” (1949, Hữu Loan), Mưa núi (1949, Minh Hiệu)… Thanh Hóa đã có một đội ngũ nhà thơ khá hùng hậu.

Sau hơn 70 năm đọc lại những vần thơ ấy chúng ta như được sống lại những ngày Kháng chiến chống Pháp ác liệt. Ở đó nổi rõ lên là hình ảnh: “Dân tộc mồ hôi thấm đất/ Bắp căng như đồng/ Tay ghì cán cuốc/ Tay ghì tay xe/ Nhìn quanh là cả bốn bề cần lao...”. Sự hòa quyện giữa vẻ đẹp quê hương, đất nước với sức lao động, chiến đấu của mỗi người đã được Trần Mai Ninh thể hiện đó là một mối tình - tình núi sông, tình yêu Tổ quốc. “Có mối tình nào hơn thế nữa?/ Trộn hòa lao động với giang sơn/ Có mối tình nào hơn/ Tổ quốc?”.

Trung tâm của những ngày tháng đấu tranh chống thực dân Pháp là những người chiến sĩ. Dẫu “Họ vẫn gầy vẫn ốm/ Mắt vẫn lõm, da vàng/ Áo chăn chưa đủ ấm/ Ăn uống vẫn tồi tàn…” nhưng mang tinh thần lạc quan: “Ở đây những mặt buồn như đất/ Bộ đội cười lên tươi như hoa”. Anh bộ đội trong những bài thơ của các nhà thơ Thanh Hóa những năm đầu kháng chiến chống Pháp là mẫu người mộc mạc, giản dị. Họ hiện lên trong sáng, trẻ trung từ nét mặt, tiếng cười:

“Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ thuở “một, hai…”

Súng bắn chưa quen

Quân sự mươi bài

Lòng vẫn cười vui kháng chiến…”.

Rồi:

“Cả lũ cười vang bên ruộng bắp

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu”.

(Nhớ, Hồng Nguyên)

Họ có thể “Chưa biết chữ”; “Súng bắn chưa quen/ Quân sự mươi bài…”; và chỉ có “áo vải chân không”, “Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm”… nhưng lại ăm ắp sự chân thành của tình đồng đội: “Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thắm lệ nhòa/ Tặng các anh tôi đang đổ máu/ Đem thân xơ xác giữ sơn hà” (Lên Cấm Sơn, Thôi Hữu), đậm đà nghĩa tình quân dân: “Chúng tôi đi nhớ nhứt câu ni/ Dân chúng cầm tay lắc lắc/ Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc” (Nhớ, Hồng Nguyên) và sâu sắc tình vợ chồng: “Nhỡ khi mình không về/ Thì thương người vợ chờ bé bỏng/ Chiều quê…” (Màu tím hoa sim, Hữu Loan)... Họ đẹp còn bởi ẩn trong mọi nghĩ suy, những khó khăn gian khổ, và cả những lạc quan yêu đời là hình ảnh người chiến sĩ mang sức sống mới khi làm chủ cuộc đời mình.

Hình tượng người lính còn lung linh và đẹp hơn dưới những câu thơ có sự cách tân mạnh mẽ trên bình diện hình thức. “Nhớ máu” của Trần Mai Ninh là “khúc tráng ca cuồn cuộn hơi thở quyết liệt của một khí thế cách mạng, là tiếng nói hào phóng ngang tàng của một khí phách chiến sĩ được phá củi sổ lồng được gào thét với sát khí quyết tử của người chiến sĩ cách mạng quyết chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc” (Mạnh Lê). Nhưng hơn hết là giọng điệu thơ rắn chắc, dồn nén, mạnh mẽ tạo nên sự phóng túng, nhưng cũng đầy sức chiến đấu:

“Ơi cái gió Tuy Hòa

Cái gió chuyên cần

Và phóng túng

Gió đi ngang, đi dọc

Gió trẻ lại - lưng chừng

Gió nghỉ

Gió cười

Gió reo lên lồng lộng

Tôi đã thấy lòng tôi dậy”.

(Nhớ Máu)

Trong 12 năm (1946 - 1957), với chưa đầy 20 bài thơ, trong đó có 10 bài in trong tập “Màu tím hoa sim” (NXB Hội Nhà văn, H, 1990), nhưng chỉ cần “Đèo Cả”, “Màu tím hoa sim” thì “những nhát thơ Hữu Loan đã đục vào thời gian, đục vào tâm khảm, để lại dấu tích không phai”. Bài thơ “Đèo Cả” với những câu thơ leo thang đã cho người đọc hình dung về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, non nước điệp trùng, đồng thời mang biểu tượng của ý chí sắt đá, giọng điệu lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.

“Đèo Cả! Đèo Cả

Núi cao ngút

Mây trời Ai lao

Sầu đại dương

Dặm về hun hút

Bia đá mù sương”.

Hay “Màu tím hoa sim” (1949), “bài thơ khóc vợ bất hủ” của người lính cách mạng là sự cách tân trong giọng điệu thơ. Nhà Phê bình nghiên cứu văn học Lưu Đức Hạnh khẳng định: “Một tâm tình bày tỏ một tấm tình, một nghịch cảnh chiến tranh, sự vô thường của đời người được kể bằng chất giọng trầm buồn, lối tự sự ơ hờ, nghe xa vời vợi mà rõ mồn một”.

Có thể khẳng định, các nhà thơ Thanh Hóa đã có những thành công đáng kể khi đưa được không khí, chất liệu hiện thực và nghệ thuật biểu hiện mới cho thơ kháng chiến. Khí thế hào hùng, niềm vui hồn nhiên, tình người chân thực… có thể bắt gặp ở bất cứ bài thơ nào trong giai đoạn này. Đặc biệt là thể thơ tự do, giọng điệu thơ tự do không vần cho người đọc ít nhiều hiểu về tính cách phóng khoáng, đội trời đạp đất của người xứ Thanh.

Lý giải điều này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, được “hít thở” bầu không khí và sinh hoạt văn chương tụ họp về Khu văn hóa kháng chiến, nhiều cây bút xứ Thanh có dịp nảy nở năng khiếu văn chương và trở thành những tên tuổi không thể thiếu trong nền văn học Việt Nam. Không chỉ có thơ, văn xuôi, kịch... Thanh Hóa giai đoạn này cũng rất “thịnh”.

“Vịn câu thơ mà đứng dậy”, bản sắc xứ Thanh đã tạo nên một nguồn mạch thơ giàu sắc điệu. Thơ xứ Thanh những năm kháng chiến chống Pháp đã hòa vào dòng sông thi ca dân tộc, góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của thơ ca Việt Nam, đồng thời tạo nên sức mạnh, góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]