(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ở nông thôn Việt Nam, từ xa xưa đến nay, nghệ thuật tuồng và nghệ thuật chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Trải qua bao năm tháng, thăng trầm, hai loại nghệ thuật này vẫn gắn bó trong đời sống của nhân dân, nhất là trong ngày xuân về, tết đến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếng trống tuồng rộn rã mùa xuân

(VH&ĐS) Ở nông thôn Việt Nam, từ xa xưa đến nay, nghệ thuật tuồng và nghệ thuật chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Trải qua bao năm tháng, thăng trầm, hai loại nghệ thuật này vẫn gắn bó trong đời sống của nhân dân, nhất là trong ngày xuân về, tết đến.

Và những ngày lễ, tết, hội hè mà thiếu tiếng trống tuồng, trống chèo thì thôn quê trở nên buồn tẻ vô cùng. Chính vì vậy mà ca dao đã phản ánh được sức hấp dẫn của tiếng trống tuồng, trống chèo đi vào tâm hồn con người Việt Nam qua bao thế hệ:

“Ăn no rồi lại nằm khoèo/Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem”.

Và:

“Tháng Giêng ăn tết nằm suông/Nghe giục trống tuồng, lập tức đi coi...”.

Hoặc:

“Nghe giao trống chiến/Không khiến cũng đi”.

Trống chiến là loại trống nhỏ hơn trống chầu nhưng âm thanh rộn rã, thôi thúc, cho nên khi nghe trống vang lên thì người nghe khó lòng ngồi yên được, mà phải lần tới sân khấu, sân đình. Nhất là khi nghe tiếng trống chầu giục thì không phải đi nữa, mà phải chạy mới kịp: “Nghe giục trống chầu/Đâm đầu mà chạy...”.

Mùa xuân hoa nở, lòng người thấy thanh xuân, gợi cảm nhất là các chàng trai, cô gái trẻ thường thấy rạo rực trong lòng, mong được gặp nhau để mừng xuân mới, hoặc đi xem biểu diễn nghệ thuật, tâm hồn với nao nức”.

“Nghe tiếng trống chầu/Cái đầu bóng nước...”.

Đứng trước gương trang điểm sắc đẹp mà cảm thấy rạo rực như lửa đốt, kim châm.

“Nghe tiếng trống chiến/Nó điếng trong ruột...”.

Mùa xuân đến, các chàng trai cô gái còn mượn tiếng trống chèo, tuồng để bày tỏ tình cảm yêu thương với nhau:

“Trống cơm đưa giọng nam ai/Tiếng thương tiếng nhớ như ai mủi lòng”.

Vai trò và tác dụng của tiếng trống trong nghệ thuật sân khấu dân tộc thật là kỳ diệu. Nhà nghiên cứu tuồng Mịch Quang đã phân tích rất lý thú rằng nếu tiếng trống, tiếng thanh la chèo ngày xưa vừa náo nức vừa dịu dàng như đào hồng miền Bắc thì tiếng kèn, tiếng trống tuồng ngày tết cũng vừa rộn ràng, vừa rạo rực như Mai vàng miền Nam. Đúng là màu sắc của hai loại hoa xuân này ở hai miền đều có sức hấp dẫn và rung động lòng người như hai loại nhạc cụ trống trong sân khấu tuồng và sân khấu chèo. Đặc biệt là tiếng trống tuồng có khả năng diễn tả rất nhiều tình huống và tâm trạng có khả năng cổ vũ thôi thúc lòng người.

Tranh minh họa của: Ngọc Hiếu.

Nhớ lại trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, tiếng trống tuồng, trống chèo đã cổ vũ hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc như các xã Hoằng Phú, Hoằng Quỳ, Hoằng Phượng... ở huyện Hoằng Hóa và các huyện khác trong tỉnh. Ngày nay đội tuồng ở xã Hoằng Phú là đội văn nghệ quần chúng mạnh nhất trong tỉnh, đã được các cơ quan các cấp từ Trung ương đến địa phương mời đi trình diễn, phục vụ cán bộ và nhân dân. Đội tuồng xã Hoằng Phú hiện nay còn 17 người, tuổi đã cao nhưng vẫn còn sức khỏe để biểu diễn. Cấp ủy và chính quyền địa phương đã có kế hoạch thành lập đội ngũ trẻ để thừa kế nghệ thuật tuồng, nơi mà trời phú cho mảnh đất nhiều nghệ nhân tài hoa.

Đoàn Tuồng Thanh Hóa - Quảng Nam được thành lập năm 1962. Tiếng trống đã vun đắp tình nghĩa keo sơn gắn bó trong những năm chống Mỹ cứu nước giữa nhân dân hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam đã thúc giục thanh niên Thanh Hóa lên đường vào Quảng Nam chống Mỹ cứu nước. Vì sự nghiệp thiêng liêng của cách mạng Việt Nam là đấu tranh thống nhất nước nhà.

Thế hệ trẻ hôm nay hãy tiếp cận với nghệ thuật tuồng, chèo để thưởng thức cái hay, cái đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam mãi mãi là cốt cách Việt Nam.

Nguyễn Trọng Hữu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]