(vhds.baothanhhoa.vn) - Bao nhiêu thanh niên tình nguyện đã tham gia mở đường. Bao nhiêu người đã hy sinh khi mở đường. Làm được một tấm bia như thế, tôi nghĩ, đó cũng là cách ghi nhận công lao của những người mở đường, đó cũng là cách giáo dục thế hệ mai sau uống nước nhớ nguồn, không quên quá khứ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ước gì có một tấm bia

Bao nhiêu thanh niên tình nguyện đã tham gia mở đường. Bao nhiêu người đã hy sinh khi mở đường. Làm được một tấm bia như thế, tôi nghĩ, đó cũng là cách ghi nhận công lao của những người mở đường, đó cũng là cách giáo dục thế hệ mai sau uống nước nhớ nguồn, không quên quá khứ.

Minh họa của Hà Hiếu.

Tôi có may mắn và vinh dự được làm lính ngành Giao thông Thanh Hóa bốn năm (1977 - 1981). May mắn và vinh dự hơn là được góp mặt trong đoàn quân Đội Thanh niên Tình nguyện 42 - 12 mở hai con đường lịch sử, huyền thoại Biên giới Việt - Lào, miền Tây Thanh Hóa: Đó là, con đường HồiXuân - Tén Tằn và con đường Lốc Toong - Nam Động. Ngày đó, cả hai con đường này còn đang thuộc huyện Quan Hóa (sau này Quan Hóa chia thành ba huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát).

Đường Hồi Xuân - Tén Tằn bắt đầu từ Km0, chỗ gốc cây ngơn hàng trăm năm tuổi, ngay trên bến phà Hồi Xuân, kết thúc ở Km 112 phía bờ nam, thượng nguồn sông Mã, biên giới Việt Lào, ở xã Tam Chung. Điều thú vị là, điểm khởi đầu và kết thúc của con đường Hồi Xuân - Tén Tằn là cùng xuất phát và kết thúc bên bờ sông Mã. Km56, điểm giữa của con đường ở giữa Cổng Trời (đèo Pù-noọc-coọc), nơi bình độ con đường có độ cao nhất so với mực nước biển, cao 1.150m. Đường Hồi Xuân - Tén Tằn dài 112 Km, theo thiết kế thi công, có 516 cầu cống, ngầm, tràn, một cầu treo, xuyên qua 9 xã của huyện Quan Hóa (bây giờ là Quan Hóa - Mường Lát), bao gồm: Nam Xuân, Nam Tiến, Nam Động, Thiên Phủ, Hiền Trung, Hiền Kiệt, Trung Lý, Pù Nhi, Tam Chung.

Con đường Lốc Toong - Nam Động là một cái gạch nối liền giữa đường 217 và đường Hồi Xuân - Tén Tằn. Chiều dài con đường theo thiết kế là 16 750 thước, nói tròn là 17 Km.

Để hoàn thành nhiệm vụ mở hai con đường biên giới, 3.900 cán bộ, thanh niên tình nguyện đã được huy động từ rất nhiều huyện trong tỉnh như: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), Triệu Sơn, Nông Cống, Yên Định, Thọ Xuân, Hà Trung, Thiệu Hóa.

Quá trình làm đường là quá trình vô cùng khắc nghiệt. Đói. Rét. Vắt. Muỗi. Ruồi vàng. Bọ chó. Bét nai. Sốt rét. Lạc rừng. Gấu đuổi. Hổ vồ. Lòi nhay. Rắn độc. Nước độc. Lá độc. Nấm độc. Lũ ống. Lũ quét. Đất sụt. Cầu trôi... Không thể tính hết gian nan, vất vả, khổ ải, hiểm nguy, bệnh tật, thử thách, khốc liệt đối với Đội Thanh niên tình nguyện 42 - 12 khi mở hai con đường chiến lược này. Nhiều người lính đã hy sinh trên công trường khi đang làm nhiệm vụ, nhưng đến nay họ vẫn chưa được công nhận liệt sỹ, gia đình họ không được hưởng quyền lợi gì.

Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên thăm con đường khi đang thi công, phát biểu, con đường Hồi Xuân - Tén Tằn là biểu tượng đẹp nhất về sức mạnh lao động sáng tạo của tuổi trẻ Thanh Hóa trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Phải xây một tượng đài thanh niên tình nguyện tại Cổng Trời này để tôn vinh công lao, tinh thần anh dũng sáng tạo của tuổi trẻ mở đường Thanh Hóa.

Bốn mươi năm đã qua, con đường đã là huyết mạch giao thông, huyết mạch kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng cho khu vực phía Tây Thanh Hóa.

Ngày 15 tháng 3 năm 2018, tôi có may mắn được ông Lê Trung Sơn - Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa mời đi dự Lễ khởi công công trình biểu tượng thanh niên xung phong đường 12B Hòa Bình. Đường 12B Hòa Bình có chiều dài gần 50 cây số, thời gian thi công trong một năm, năm 1959. Cụm tượng đài được Bộ GT-VT, Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình, Tỉnh Đoàn Hòa Bình đầu tư xây dựng tại ngã ba dốc Cun, diện tích 2.000m2, nơi xuất phát con đường 12B với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

So với đường 12B, con đường Hồi Xuân - Tén Tằn quá xứng đáng được các cấp chính quyền quan tâm, làm một việc gì đó có ý nghĩa tôn vinh công lao đóng góp của tuổi trẻ Thanh Hóa anh hùng trong công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh - quốc phòng tỉnh nhà.

Ước gì có được một tấm bia. Bia đặt ở cột số đầu tiên cũng được, đặt ở cột số cuối cùng cũng được, đặt ở Pù-noọc-coọc cũng được, đặt ở Lát-xê cũng được. Trên tấm bia ấy chỉ cần ghi những thông số cơ bản về con đường như: Con đường bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu, bao nhiêu ki-lô-mét, bao nhiêu cầu cống, mấy triệu mét khối đất đá đã được đào xúc trong quá trình thi công, vận chuyển, sử dụng hết mấy trăm tấn mìn, khởi công ngày nào, bàn giao ngày nào. Bao nhiêu thanh niên tình nguyện đã tham gia mở đường. Bao nhiêu người đã hy sinh khi mở đường. Làm được một tấm bia như thế, tôi nghĩ, đó cũng là cách ghi nhận công lao của những người mở đường, đó cũng là cách giáo dục thế hệ mai sau uống nước nhớ nguồn, không quên quá khứ. Và những người như chúng tôi, những người trực tiếp mở đường thuở ấy cũng đỡ mủi lòng.

Nguyễn Minh Khiêm


Nguyễn Minh Khiêm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]