(vhds.baothanhhoa.vn) - Vì các khúc ca, điệu hát được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sáng tác khi ông ở vùng đất Văn Trinh, nên tên đất cũng được đặt tên cho di sản hát nhà trò. Trở về xã Quảng Hợp (Quảng Xương), nơi có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, hậu thế thêm hiểu và trân trọng giá trị lịch sử - văn hóa được tạo dựng, bồi đắp bởi tiền nhân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về núi Văn Trinh, nghe hát nhà trò

Vì các khúc ca, điệu hát được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sáng tác khi ông ở vùng đất Văn Trinh, nên tên đất cũng được đặt tên cho di sản hát nhà trò. Trở về xã Quảng Hợp (Quảng Xương), nơi có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, hậu thế thêm hiểu và trân trọng giá trị lịch sử - văn hóa được tạo dựng, bồi đắp bởi tiền nhân.

Về núi Văn Trinh, nghe hát nhà trò

Đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dưới chân núi Văn Trinh đã được trùng tu, tôn tạo.

Chuyện kể núi Văn Trinh và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật

Nửa cuối thế kỷ XIII, ngựa chiến Mông Cổ tung hoành khắp các quốc gia từ Á sang Âu, ngay cả nhà Tống ở phương Bắc hùng mạnh một thời cũng không tránh khỏi diệt vong. Vậy nhưng, khi đoàn quân phi nghĩa ấy tiến xuống phía Nam, đã bị quốc gia Đại Việt chặn đứng. Không cam tâm thất bại, năm 1285 giặc Nguyên - Mông tiến hành xâm lược Đại Việt lần thứ 2. Với âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, kẻ xâm lược bố trí hai đạo quân: Thoát Hoan ở phía Bắc tiến xuống, Toa Đô từ Chiêm Thành kéo ra, cùng hợp lực tạo thành gọng kìm hòng tiêu diệt nhà nước Đại Việt.

Sau những trận đánh kìm chân giặc ở phía Bắc, mục đích không cho kẻ xâm lược thực hiện kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh, vua Trần đã phái em trai là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đem quân trấn giữ phía Nam. Vùng đất Thanh Hóa nói chung, Quảng Xương nói riêng lúc bấy giờ là căn cứ chiến lược khi vua Trần quyết định rút lui để củng cố lực lượng, tìm cơ hội phản công kẻ thù.

Với nhãn quan quân sự, Chiêu Văn Vương đã quyết định chọn núi Văn Trinh làm phòng tuyến quân sự chống trả quân xâm lược. Đứng từ đỉnh núi Văn Trinh, có thể quan sát cả một vùng rộng lớn đến cửa Ghép; đường thiên lý Bắc - Nam và lưu thông đường thủy của sông Lý. Vùng Văn Trinh lúc bấy giờ là một khu vực rậm rạp, thuận lợi cho việc cất giấu binh lực. Tại đây, dưới sự chỉ huy củaTrần Nhật Duật, quân dân nhà Trần đã tổ chức nhiều trận đánh ác liệt, làm chậm đường tiến binh của quân xâm lược, tạo thế và lực vững chắc để từ đó tiến quân ra Bắc bằng hai đường thủy, bộ, tổng phản công đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Và vua tôi nhà Trần lần thứ hai chiến thắng giặc Nguyên Mông.

Đánh giá về công lao của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, sử gia Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” (Nxb Khoa học Xã hội, 1985) không tiếc lời ngợi khen: “Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.

Sau chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai, vua Trần đã ban thưởng cho quý tộc, tướng lĩnh. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được bổ nhiệm làm Tri phủ Thanh Hóa, vùng đất Văn Trinh (ngày nay là hai xã Quảng Hợp, Quảng Hòa) trở thành thái ấp của riêng ông. Người đời nhận định, việc vua Trần ban vùng đất Văn Trinh cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm thái ấp không đơn thuần chỉ để ông mở mang kinh tế mà sâu xa hơn cả là giao cho ông trông coi vị trí quân sự trọng yếu ở phía Nam.

Ghi nhớ công lao của bậc công thần, sau khi ông qua đời, Nhân dân địa phương đã lập đền thờ ở ngay sườn núi Văn Trinh. Sách “Đồng Khánh dư địa chí lược” chép: “Đền thờ Chiêu Văn Vương ở xã Văn Trinh huyện Ngọc Sơn. Vương nắm binh quyền, dẹp giặc giã, đã từng đến đây, có chính sách cai trị tốt, được Nhân dân cảm ơn lập đền thờ”. Về sau, các triều đại phong kiến đều ghi nhận công lao và nhiều lần ban tặng sắc phong, tổ chức tu bổ đền thờ.

Đặc sắc di sản hát nhà trò Văn Trinh

Không chỉ giỏi đánh trận, theo một số tài liệu, từ nhỏ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật vốn đã nổi tiếng bởi sự hiểu biết hơn người. Thông hiểu tiếng nói của nhiều dân tộc nên ông còn được biết đến với tư cách là nhà ngoại giao kiệt xuất thời Trần. Đặc biệt, ông có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc, tinh thông nhạc lý, sành âm luật, giỏi đặt lời ca, điệu múa… để các phường hát chầu phục vụ triều đình.

Tương truyền, mỗi lần thắng trận trở về hay dịp vui, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lại tổ chức hát mừng cùng tướng sĩ. Các bản hát được ông sáng tác ngay tại vùng đất Văn Trinh. Ông được xem như “tổ sư” âm nhạc thời Trần - người “khai sinh” ra điệu hát nhà trò Văn Trinh còn lưu truyền đến ngày hôm nay.

Về núi Văn Trinh, nghe hát nhà trò

Biểu diễn hát nhà trò Văn Trinh (ngâm câu đối) tại Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

Theo các nhà nghiên cứu, hát nhà trò (vừa hát vừa làm trò) là “ban sơ” của nghệ thuật ca trù. Tuy nhiên, hát nhà trò Văn Trinh lại mang nét đẹp văn hóa riêng. Chị Lê Thị Thu, Chủ nhiệm CLB hát nhà trò Văn Trinh tự hào: “Như đã ngấm vào máu, là người dân sinh ra ở đất Văn Trinh, có ai không biết một vài điệu hát nhà trò. Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, vì các ca khúc, điệu hát được Chiêu Văn Vương sáng tác ở đất Văn Trinh nên tên vùng đất đã trở thành tên di sản. Còn hát nhà trò Văn Trinh, hiểu một cách đơn giản thì đó chính là một trong những hình thức đầu tiên của ca trù Việt Nam. Hát nhà trò Văn Trinh có hát đối, hát dâng hương, hát cách, hát nói, dâng câu đối, thơ phú, hát ru, là sự kết hợp của thanh âm đàn đáy, trống chầu cùng lời ca tiếng hát của các nghệ nhân”.

Hát nhà trò Văn Trinh thường gắn liền với lễ hội núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, với lời hát ca ngợi vùng đất, con người, anh hùng dân tộc, quê hương, cảnh đẹp núi sông… là niềm tự hào của người dân nơi đây. Lời hát cất lên, nghe như có tiếng vọng về từ lịch sử. Dẫu đi qua thăng trầm, nhưng những địa danh được nhắc đến, như: “Bái Đồng Cơ”, “Mã Đống Dinh”, “Quần Lực”… trong lời ca đưa kẻ hậu sinh trở về thời “thái ấp điền trang”, nơi vùng đất Văn Trinh phồn vinh một thuở. Là điển lễ đã được dân gian hóa, vậy nên ngoài khuôn mẫu riêng thì nghe hát nhà trò Văn Trinh, cũng dễ cảm nhận được “hơi thở” cuộc sống ở trong lời hát, điệu múa.

Sau thời gian mai một, nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy nét đẹp của di sản văn hóa hát nhà trò Văn Trinh, năm 2006, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chuyên môn mời nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân về truyền dạy hát ca trù cho người dân Quảng Hợp. Đến nay, CLB hát nhà trò Văn Trinh với gần 20 hội viên đang hoạt động hiệu quả trong các sự kiện văn hóa - lễ hội của địa phương. Đặc biệt, vào dịp lễ hội núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (ngày mùng 8 tháng 8 âm lịch hàng năm), bên cạnh các nghi lễ truyền thống thì không thể thiếu hát nhà trò Văn Trinh. Đây cũng là sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật hấp dẫn người dân, du khách khi về với lễ hội.

Ông Lại Duy Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, cho biết: Chính quyền địa phương đang phối hợp với các cấp, ngành chuyên môn làm hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền công nhận di tích núi Văn Trinh và đền thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; đồng thời, đưa hát nhà trò Văn Trinh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài và ảnh: Thu Trang


Bài và ảnh: Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]