(vhds.baothanhhoa.vn) - Thấy Đan nhanh nhẹn, tháo vát, ông Thân bàn với tập thể lãnh đạo để đưa Đan đi đào tạo. Thấy thế, ông Tạo, phó giám đốc, nói:

Vị đắng

Thấy Đan nhanh nhẹn, tháo vát, ông Thân bàn với tập thể lãnh đạo để đưa Đan đi đào tạo. Thấy thế, ông Tạo, phó giám đốc, nói:

Vị đắngMinh họa: Minh Chi

-Theo tôi, cứ rèn luyện thêm một thời gian nữa anh ạ, cậu này còn trẻ, lại mới ra trường, chưa đi cơ sở.

Ông Tần, phó giám đốc tỏ vẻ đồng tình:

- Tôi cũng thấy thế, đào tạo lớp trẻ là cần thiết, nhưng phải kiểm nghiệm qua thực tế.

Dù hai vị cấp phó chưa đồng thuận, nhưng ông Thân ra sức thuyết phục:

- Ý kiến của các anh đều đúng, nhưng ta không đào tạo, không chủ động bồi dưỡng mà chờ sự phát triển tự nhiên của cán bộ thì đâu cần quy hoạch. Do đó, cứ mạnh dạn cho đi học, sau đó giao việc để rèn luyện và thử thách, qua công tác, anh em sẽ tích lũy được kinh nghiệm để phấn đấu vươn lên.

Xuất thân từ một gia đình ở nông thôn, ông bố đi dạy học trên khu vực trung du nên đưa cả gia đình Đan lên đấy ngụ cư. Từ nhỏ, được bố mẹ quan tâm dạy dỗ, Đan là đứa trẻ ngoan ngoãn, lanh lợi và học giỏi. Sau khi tốt nghiệp, Đan thi đỗ vào đại học; kết thúc khóa học với tấm bằng loại giỏi, Đan được nhận về cơ quan của ông Thân làm việc.

Về cơ quan công tác một thời gian ngắn, Đan đã chiếm được cảm tình của nhiều người với thái độ giao tiếp mềm mỏng, khéo léo và tinh thần làm việc năng nổ, tích cực. Từ một nhân viên tập sự, Đan được bầu vào ban chấp hành chi đoàn rồi đảm nhiệm trách nhiệm phó bí thư chi đoàn cơ quan. Chỉ sau một nhiệm kỳ, Đan đã được bầu là bí thư chi đoàn rồi ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan. Hoạt động của đoàn viên thanh niên cơ quan ngày càng có nhiều hình thức sôi nổi đi liền với nâng cao chất lượng đã đóng góp tích cực vào thành tích chung của cơ quan. Đan ngày càng được tín nhiệm và được đề bạt lên phó phòng.

- Anh ạ, quan tâm đến cán bộ trẻ là rất đúng, nhưng tôi thấy cậu Đan cứ thế nào ấy. Ông Tạo tâm sự với ông Thân.

- Thế à? Sao tôi không nghe ai nói gì nhỉ? - ông Thân hỏi lại.

Ông Tạo đáp:

- Phải tinh mới phát hiện ra anh ạ, cậu này khéo lắm, tôi chỉ sợ mình nhìn nhận chưa chính xác.

- Lo gì anh, quần chúng thính lắm, có như thế nào người ta biết hết mà.

Thấy Đan xông xáo, nhanh nhẹn, ông Thân đưa Đan về văn phòng làm thư ký cho giám đốc. Được dịp, Đan trổ hết khả năng giao tiếp, soạn thảo văn bản và ngày đêm tận tụy với công việc. Trước tinh thần làm việc của Đan, ông Thân ngày càng tin tưởng và giao nhiều việc quan trọng.

Một hôm, họp ban lãnh đạo xong, ông Tần nán lại phòng giám đốc:

- Tôi nghe nói, anh định đưa cậu Đan lên làm trưởng phòng à? Việc bổ nhiệm là quyền của anh, tôi đâu dám phản đối. Tuy nhiên, vì trách nhiệm nên tôi đề nghị anh cân nhắc đừng vội đưa cậu Đan lên trưởng phòng.

- Sao vậy anh? Tôi thấy Đan có thể làm được mà, so với đội ngũ cốt cán hiện nay của cơ quan ta, tôi thấy Đan có năng lực và trách nhiệm cao đấy chứ.

Ông Tần do dự một lúc rồi nói:

- Đúng như anh nói, cậu ấy chuyên môn tốt, nhanh nhẹn, nhưng tôi lo là lo ở cái khác kia…

Ông Thân vỗ vai ông Tần:

- Ôi, anh yên tâm, cậu Đan không biếu xén gì tôi đâu mà tôi cũng không vì cá nhân để cất nhắc cậu ấy. Tôi xét thấy công việc yêu cầu và mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ để chúng ta có lớp người kế nghiệp lâu dài.

- Không, tôi có đánh giá về động cơ của anh đâu, chỉ là tôi ngại…

Ông Thân tỏ ra thông cảm:

- Rất cảm ơn suy nghĩ lo xa của anh, nhưng cả tôi và anh đâu có thể ngồi mãi ở đây để quán xuyến công việc được, phải mạnh dạn giao việc và tin vào lớp trẻ chứ.

Từ ngày được bổ nhiệm làm trưởng phòng, Đan càng có uy tín vì mọi chỉ đạo của giám đốc được Đan thực hiện tắp lự, không chệch một li. Mọi người trong cơ quan ngày càng nể phục Đan vì thông minh, được cấp trên tin dùng, ý kiến của Đan được mọi người coi như ý đồ chỉ đạo hoặc hướng dẫn của lãnh đạo.

*

* *

Chuyến công tác đến một tỉnh xa, trời trở rét đột ngột, ông Thân bị suy hô hấp phải đưa vào viện cấp cứu. Hằng ngày Đan lo liệu cơm cháo, thuốc men cho ông Thân. Vợ ông Thân nể quá, phải nói với Đan:

- Có bác ở đây trông nom bác trai rồi, cháu về cơ quan công tác đi Đan ạ.

- Vâng, công việc ở nhà đã có anh em lo rồi ạ, cháu phải ở đây với hai bác. Bác trai khỏe là cả cơ quan được nhờ. Với lại lúc này cháu bỏ về sao đành ạ, cháu như con cái của hai bác, bác trai cũng như bố cháu mà.

Một hôm, Đan đưa một người nam giới trạc tứ tuần, giới thiệu là ông bác đang làm việc tại một cơ quan ở Hà Nội đến thăm:

- Tôi nghe cháu Đan nói, anh đang điều trị tại đây nên đến thăm, thấy anh đỡ là phấn khởi rồi. Người khách đặt gói quà lên bàn:

- Tôi có chút quà đến thăm anh, mong anh chóng bình phục. Ông Thân chưa kịp cảm ơn thì Đan nói:

- Dạ, sâm Cao Ly đấy bác ạ, loại này tốt lắm. Bác dùng ít ngày là lại khỏe như trước ạ.

Thời gian sau ông Thân khỏe lại và Đan được bổ nhiệm phó giám đốc thay ông Tạo đã nghỉ hưu. Từ khi làm phó giám đốc, tiếng tăm của Đan nổi lên như cồn. Đan ngày càng xông xáo, xốc vác và quyết đoán.

Một chiều tháng bảy, đã hết giờ làm việc, ông Thân chuẩn bị ra về thì ông Tần vào gặp:

- Anh có nghe chuyện gì không?

- Có chuyện gì anh? - ông Thân hỏi.

- Tôi nghe mấy đứa cứ thì thào, tôi gặng mãi chúng nó mới dám nói, nhưng lại xin tôi đừng cho giám đốc biết.

Ông Thân chột dạ:

- Chuyện gì vậy anh? Chuyện gì mà anh em lại muốn giấu tôi?

- Nghe anh em kháo nhau, cậu Đan gạ cô Liên nhân viên phòng kế toán đi nhà nghỉ buổi trưa bị chồng bắt được anh ạ.

Không tin vào dư luận, ông Thân gọi cô Liên để hỏi. Chưa kịp để ông Thân hỏi, Liên đã òa khóc nức nở:

- Cháu khổ quá bác ơi. Nào cháu có tình ý gì đâu, nhưng thỉnh thoảng anh ta lại gạ gẫm cháu. Cháu đã tìm mọi cách để chối khéo nhưng anh ấy dứt khoát không buông tha…

- Nhưng nếu cháu dứt khoát không đi với Đan vào nhà nghỉ thì làm sao có chuyện được?, ông Thân căn vặn.

Cô Liên ủ rũ như tàu lá héo:

- Thưa bác, đã nhiều năm nay cháu biết anh ta để ý nên cháu đã tránh xa, nhưng anh ta tỏ thái độ rất gay gắt. Thậm chí dọa dẫm và đe nẹt cháu về chuyện bác giao cho anh ta ký hợp đồng mua tài sản, anh ấy chỉ đạo cháu nâng giá khống để thanh toán.

- Trời đất, việc như thế mà cô cũng dám làm à? Tại sao không báo cáo tôi?

Cô Liên co rúm lại:

- Dạ thưa... Cháu có nói là không làm được đâu, nhưng anh Đan nói là lệnh của bác.

- Chết thật, làm sao tôi lại ra lệnh để làm những việc sai trái ấy. Đan nói thế mà cô cũng tin à? Nhưng tại sao Đan làm mà lại dọa dẫm cô?

- Bác ơi, cháu dại quá, anh ta chỉ nói với cháu, không để lại bút tích gì mà chỉ có cháu lập chứng từ thôi nên thỉnh thoảng cần cháu anh ấy lại nhắc khéo đến việc ấy.

Ông chưa kịp điện thì Đan đến. Đan tỏ ra ăn năn, hối hận và nhận hết tội lỗi:

- Bác ơi, chỉ có bác là cứu được cháu thôi. Bác tha cho cháu lần này, cháu chủ quan quá.

- Sao lại là chủ quan? Đấy là cháu chủ ý đấy chứ. Làm lãnh đạo là phải tận tâm, không tơ hào của công, không tư lợi cá nhân và càng không được hủ hóa..., ông Thân gay gắt.

Thấy ông Thân nổi nóng, Đan co rúm lại:

- Thưa bác, bác cho phép cháu hoàn trả lại số tiền chênh lệch hợp đồng năm ngoái. Còn chuyện với cô Liên mong bác giơ cao đánh khẽ cho cháu có cơ hội sửa chữa, phấn đấu...; Bác ơi, cháu nguyện suốt đời tận tụy phục vụ và trung thành với bác..., Đan nài nỉ, khóc lóc.

Sau ít hôm cho tổ chức xác minh, làm rõ, ông Thân thông báo chuẩn bị triệu tập hội nghị cán bộ cốt cán để bàn cách giải quyết sự cố của Đan. Trước hôm họp, vào buổi tối, Đan lại dẫn ông bác đến nhà riêng để nài nỉ ông Thân. Khi tiễn khách ra ngõ, quay vào nhà, ông Thân thấy một chiếc cặp số đang để dưới ghế, ông vội cầm chạy theo để đưa trả khách thì không kịp. Vừa lúc mấy ông bạn cựu chiến binh đến rủ đi thăm người ốm, ông để chiếc cặp vào góc nhà rồi đi với anh em. Mấy hôm sau mới sực nhớ, ông bảo Đan:

- Hôm nọ bác cậu đến đang để quên chiếc cặp, cậu nhớ mang trả cho ông ấy nhé.

Đan rối rít:

- Ôi, cháu quên, bác cháu mới đi công tác nước ngoài về, có chiếc cặp đẹp, đựng tài liệu tiện lắm nên biếu bác đấy ạ.

- Thế à, tôi tưởng bác cậu để quên. Mà tôi có dùng cặp số bao giờ đâu, lần sau cậu đừng bày vẽ làm gì.

- Có chiếc cặp để đi làm việc thôi mà bác, có đáng gì đâu ạ…; Đan tỏ vẻ thành ý.

Ông Thân tổ chức hội nghị xem xét việc Đan tự ý chỉ đạo thanh toán khống trong hợp đồng năm trước. Ai cũng tưởng nhân dịp này ông Thân cho Đan “đi tàu suốt”; không ngờ ông kết luận:

- Cám ơn các ý kiến phân tích và phê bình rất xác đáng của các đồng chí. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Đan đã rõ, nếu cách chức cũng không oan. Tuy nhiên, đồng chí Đan còn trẻ, phạm khuyết điểm lần đầu do thiếu kinh nghiệm cộng với tư lợi cá nhân. Đồng chí đã nhận thấy sai phạm và hứa sửa chữa, khắc phục. Vì vậy ta lấy giáo dục, răn đe là chính, tạo cơ hội cho đồng chí Đan khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu.

Nhiều ý kiến không đồng tình với cách giải quyết của ông Thân, song nể ông, hội nghị thống nhất chỉ cảnh cáo Đan thay vì áp dụng mức kỷ luật cao hơn.

Sau buổi họp, có người xì xào: “Ông Thân sắp về hưu nên lại dĩ hòa vi quý rồi”; “Chắc tay Đan lại chạy chọt nên ông Thân xuôi lòng”..; riêng ông Tần đã gặp ông Thân trao đổi:

- Anh ạ, việc đào tạo cán bộ trẻ, có năng lực là rất đúng. Nhưng phải coi trọng nhân cách, đạo đức chứ không thể chỉ đánh giá một mặt là chuyên môn. Nếu nghiệp vụ giỏi mà đạo đức hỏng thì còn nguy hại hơn gấp nghìn lần chuyên môn yếu.

- Tôi nhất trí với anh, nhưng cậu Đan mới vi phạm lần đầu, vẫn còn cơ hội để uốn nắn, rèn luyện mà.

- Mặc dù là lần đầu nhưng tính chất lại vô cùng nghiêm trọng khi lấy danh nghĩa giám đốc để tư túi cá nhân rồi còn ép buộc cô Liên một cách đê hèn nữa. Chỉ chừng đó đã bộc lộ rõ tư chất, phẩm hạnh của anh ta rồi. Nếu không kỷ luật xứng đáng, tôi e để lại hậu họa khôn lường anh ạ.

- Ôi, sao đao to búa lớn vậy anh. Cứ tha cho anh ta một lần, tôi tin là Đan sẽ hối hận để rèn luyện tốt hơn.

Ông Tần băn khoăn:

- Chẳng biết có ổn không chứ tôi nghe dư luận đang ồn ào vì Đan chạy đến anh nên thoát tội đấy, anh nên cẩn thận.

- Rất cảm ơn anh đã cho tôi biết thông tin, nhưng là lãnh đạo với nhau, tôi nói thật, tôi không nhận hối lộ hay của nả gì của Đan cả nên tôi không sợ.

- Tôi cũng tin như thế, song tôi dặn anh tỉnh táo chắc không thừa.

Ông Tần vừa ra, ông Đơ, thanh tra đến:

- Có chuyện rồi, họ tố cáo anh nhận hối lộ đấy.

- Chết, ở đâu mà tố tôi nhận hối lộ?, ông Thân thấy bất ngờ vì thông tin do ông Đơ đưa ra.

- Thế này anh ạ, họ tố anh nhận hối lộ một cặp tiền tại nhà riêng đấy. Các anh ấy yêu cầu anh tự tường trình trước rồi chúng tôi sẽ xác minh làm rõ theo quy trình.

Mồ hôi rịn ra trên trán ông Thân. Ông không thể tưởng tượng được, có ngày người ta lại hãm hại ông theo cách này.

Sau hàng tuần mất ngủ, cuối cùng ông Thân cũng nhớ ra. Ông hỏi vợ:

- Cái tối cậu Đan và ông bác cậu Đan đến chơi, có chiếc cặp số để ở góc ghế bà có thấy đâu không?

- Có phải chiếc cặp số màu đen không?

- Đúng rồi, bà để ở đâu?

- Tôi thấy chả ai dùng, cứ vứt lăn lóc, hôm con nhà dì Lan đậu đại học tôi cho cháu rồi.

- Thế bà có mở cặp ra không?

- Ôi dào, cả đời tôi có dùng cặp bao giờ đâu mà biết mở hay đóng.

Ông Thân vội vàng tìm đến nơi cháu Lực, con dì Lan đang học tại trường đại học để hỏi. Lực kể một mạch:

- Mẹ cháu nói cho cháu chiếc cặp đi học. Ở ngoài trường, cháu phải nhờ anh em mở hộ mới được bác ạ. Cháu thích chiếc cặp ấy lắm. Chiếc cặp cháu đang để kia, có việc gì không bác?

- Khi cháu mở ra thì bên trong cặp có gì không?

- Có chứ, mẹ cháu để sẵn 10 triệu đồng cho cháu mà. Từ dạo ra trường đến nay, cháu chưa phải về xin thêm đồng nào bác ạ.

Ông Thân buồn bã giải thích cho cháu rõ ngọn nguồn để lấy lại chiếc cặp mang về rồi cầm theo 10 triệu đồng nộp cho cơ quan thanh tra. Mặc dù ông không cố ý, nhưng dù sao cũng có khuyết điểm nên bị thi hành kỷ luật khiển trách trước khi nghỉ hưu, thế là ông “hạ cánh không an toàn”.

Người ta không biết ai tố cáo và cũng không rõ ông Thân tư túi tham lam gì, nhưng “thần tượng” về vị giám đốc thanh liêm, hết lòng vì anh em sụp đổ trong ánh mắt của nhiều người.

Buổi chia tay ông về hưu diễn ra ảm đạm trong không khí trầm lắng, nhiều người đồng cảm chia sẻ với ông, nhưng cũng không ít ánh mắt nhìn ông nghi ngại. Khi ông ra đến cổng cơ quan, rất nhiều người theo tiễn, nhưng trong số ấy không có Đan.

Khi nghỉ hưu, vợ chồng ông Thân theo con cả vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

- Nội, nội có khách, đứa cháu gọi gấp.

Ông nhìn ra, thấy ông Tần bước vào:

- Anh Tần, anh khỏe không? Đi đâu mà vào đây?

Vừa lấy mấy gói quà biếu ông Thân, ông Tần vừa đáp:

- Tôi đi họp anh ạ. Không mấy khi vào trong này nên mang ít chè Thái Nguyên biếu anh chị.

- Cám ơn anh, ở trong này không có chè Thái ngon, tôi vẫn nhờ các cháu ngoài ấy gửi vào. Ngày trước đi làm, uống trà quen rồi nay không bỏ được anh ạ. Bù lại, Sài Gòn lại nhiều cà phê, đặc biệt là cà phê cao nguyên.

Lâu ngày gặp lại, hai ông được dịp dốc bầu tâm sự, hết chuyện gia đình, cuộc sống đến chuyện cơ quan. Ông Tần hỏi:

- Anh có biết ngày trước ai kiện anh không?

Ông Thân buồn buồn nhớ lại:

- Thì còn ai vào đấy! Chỉ có tôi, Đan và ông bác của Đan, không nhẽ ai biết mà tố.

Ông Tần chia sẻ:

- Nhưng sự đời không ai tưởng tượng nổi tay Đan lại kiện anh. Anh cưu mang, đào tạo, bồi dưỡng rồi cất nhắc, thế mà nó dám làm những việc táng tận lương tâm. Anh biết không, sự thật ông bác của tay Đan là mạo danh, đó chỉ là một gã lái buôn thôi. Chính tay lái buôn đó đã đưa Đan vào tù đấy.

Ông Thân thốt lên:

- Sao, anh nói sao? Đan vào tù à? Có thật không?

- Anh có biết không? Khi còn ít thời gian nữa là anh nghỉ chế độ, sợ anh đề bạt tôi nên chúng nó bàn nhau dùng chiếc cặp số để tố cáo anh. Chúng dự đoán, nếu anh bị kỷ luật thì anh có đề xuất tôi thay thế cũng không ai nghe, nghiễm nhiên tay Đan ngồi vào ghế giám đốc. Không ngờ, ác giả, ác báo, khi tay lái buôn lừa một bé gái chưa đến tuổi thành niên đưa đến khách sạn cho Đan. Một thời gian sau, gia đình cháu bé phát hiện cháu có thai nên truy ra tay Đan, họ gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an và tay Đan ngồi tù cùng gã lái buôn. Tôi tiếp nhận trách nhiệm làm giám đốc từ ngày đó đến nay. Cơ quan xây dựng lại từ đầu anh ạ. Những lúc gian nan, anh em cơ quan lại nhớ đến anh...

- Trời ơi, tôi đâu thể ngờ…; ông Thân bàng hoàng khi nghe ông Tần kể lại.

Ông Tần còn nói nhiều chuyện, nhưng hai tai ông Thân đã vọng lên những âm thanh ù ù như tiếng ong vỡ tổ. Ông cúi xuống cầm ly cà phê để giấu giọt nước mắt đang từ từ lăn trên gò má nhăn nheo và cảm thấy vị đắng chạy dọc từ cổ họng thấu đến tận ruột gan. Ông ngước nhìn ông Tần lắp bắp:

- Tôi xin lỗi, xin lỗi…

Truyện ngắn của Hà Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]