(vhds.baothanhhoa.vn) - Âm thanh phát ra từ cây khèn là sợi dây tâm linh nối giữa người sống và người đã khuất; là lời tâm sự, nhắn nhủ lòng yêu thương của chàng trai với cô gái mình thầm thương, trộm nhớ... Có lẽ vì thế mà mỗi dịp tết đến, xuân về, trên khắp các bản người Mông lại vang lên âm thanh của tiếng khèn trong sự hân hoan đón chào một mùa xuân mới.

Vang tiếng khèn Mông

Âm thanh phát ra từ cây khèn là sợi dây tâm linh nối giữa người sống và người đã khuất; là lời tâm sự, nhắn nhủ lòng yêu thương của chàng trai với cô gái mình thầm thương, trộm nhớ... Có lẽ vì thế mà mỗi dịp tết đến, xuân về, trên khắp các bản người Mông lại vang lên âm thanh của tiếng khèn trong sự hân hoan đón chào một mùa xuân mới.

Vang tiếng khèn MôngÔng Lầu Minh Pó và bà Thao Thị Máy đã nên duyên nhờ tiếng khèn ngày hội.

Lòng vấn vương thương nhớ tiếng khèn trong tôi bắt đầu từ mấy năm trước, khi cùng cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Mường Lát lên bản Sài Khao, xã Mường Lý thực hiện tiết mục cho Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”. Trên đỉnh núi mênh mang gió, chàng trai người Mông “phiêu” cùng tiếng khèn. Dưới bầu trời xám bạc, bàn chân rắn chắc đứng trên gò đá, gió thổi mái tóc bạt ngược về phía sau. Xung quanh là những cô gái diện trang phục truyền thống cùng nhau múa, hát theo lời bài hát: ...“Lên vùng cao mùa xuân sang đẹp lắm/ Ngắm hoa đào hoa ban nở, đi hội xuân/ Xem chàng trai Mông múa điệu khèn/ Ngả nghiêng trời đất/ Lên vùng cao phiên chợ đông vui quá/ Em gái Mông đôi má ửng hồng gùi mùa xuân xuống chợ/ Lúng liếng lúng liếng đôi mắt em trao tình/ Cho anh say, cho anh say/ Say sắc hương mùa xuân vùng cao”... Thả tâm hồn lang thang dạt trôi theo tiếng khèn, tôi bâng khuâng mơ màng hư hư thực thực trong thanh âm của núi. Có lẽ vẻ đẹp yên bình, bao la bát ngát của thiên nhiên đất trời mới giúp cho tiếng khèn có được một mãnh lực vang vọng và nồng nàn đến vậy.

Vang tiếng khèn MôngTiếng Khèn là tiếng lòng của người đàn ông dân tộc Mông.

“Chạm mặt” một lần để rồi vương vấn cả một đời. Và khi gió trên đèo hiu hiu lạnh, lòng dậy lên những cảm xúc xưa cũ giục tôi đi tìm cây khèn Mông - “báu vật” mang linh hồn và bản sắc của một tộc người. Mường Lát đón chào tôi sau chặng đường với những rung động nhẹ nhàng mà tha thiết như lời một bài hát: “Bồng bềnh, bồng bềnh mây trắng, thấp thoáng lô nhô rừng cây/ Long lanh trong xanh dòng suối, dập dìu sắc màu chợ phiên..../ Vang tiếng khèn chàng xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế/ Tiếng đàn môi em nói điều gì cho ta ngồi bên nhau đêm nay”... Dưới gốc đào bạc màu đá, tôi được nhìn ngắm cây khèn Mông trong hình hài của bầu gỗ, lóng trúc... và bóng màu khói bếp và mồ hôi năm tháng của ông Lầu Minh Pó ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi.

Ông Pó đưa khèn lên môi, từng làn hơi thưa - dày theo những ngón tay to bẹt mở ra, đậy vào lỗ khuyết gió, trườn qua từng thanh lóng trúc thả vào không gian thứ âm thanh có cảm giác vù vù như tiếng gió thổi, lại ào ào như tiếng mưa rơi, thác đổ... Lời của khèn đưa người nghe ngược thời gian trở về với thuở hồng hoang kỳ vĩ, nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống.

Vang tiếng khèn MôngNhững ngón tay to bẹt của ông Pó mở ra, đậy vào lỗ khuyết gió điều chỉnh âm thanh phát ra.

Càng thổi, ông Pó càng say đắm trong tiếng khèn, như thấy mình trở lại thời trai trẻ. Ngày ấy, vợ chồng ông Pó được xem là đôi “trai tài, gái sắc”, ông Pó biết thổi khèn Mông, bà Thao Thị Máy vợ ông biết thổi kèn lá. Một lần dập dìu cùng bạn bè đi trẩy hội, họ cảm mến nhau qua tiếng khèn, điệu hát. Gọi là “kéo vợ” hay vợ chạy theo thì cũng chẳng ai rõ, chỉ biết giai điệu dìu dặt, trầm bổng, khiến đôi trẻ muốn cất tiếng hát, muốn yêu, muốn say đắm, muốn gần bên nhau. Rồi đôi bàn tay “dính” vào nhau “qua năm đồi, bảy suối” về chung một nhà trên đỉnh Pha Đén mù sương.

Vang tiếng khèn MôngDưới gốc đào bạc màu đá, ông Pó thổi lại bài khèn từng tặng vợ năm xưa.

Bà Máy bảo, con gái người Mông khi đi lấy chồng phải giỏi tay thêu thùa, may vá, ít nhất cũng biết dệt vải, se lanh, may cho bố mẹ chồng, anh em nhà chồng những bộ quần áo trong ngày cưới của mình. Còn người con trai Mông, thì khi biết cầm con dao, cái cuốc lao động trên nương trên rẫy, cũng là lúc họ biết cầm khèn. Với họ, thổi khèn không đơn giản là một phương tiện giải trí, mà chính là tài nghệ của mình. Và thông qua tiếng khèn họ chuyển tải, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Người Mông quan niệm, không biết thổi khèn là không biết cái “lý” của người Mông, và dòng họ nào khi tang ma phải mượn người về thổi khèn thì sẽ bị coi thường. Ấy vậy mà ngày nay, lớp trẻ ít người mặn mà với cây khèn Mông. Những người biết làm khèn, biết thổi những bản nhạc, biết những điệu nhảy cổ truyền đều đã có tuổi. Họ không thể cứ đi hết hội xuân này đến hội xuân khác, đôi chân họ rồi cũng sẽ mỏi và đến một lúc nào đó phải dừng lại. Nhưng ông vẫn tin, những giá trị văn hóa của cây khèn, những câu hát, những điệu nhảy vẫn da diết, âm ỉ, và một lúc nào đó được “đánh thức”, bùng cháy trong trái tim của những chàng trai Mông.

Những người như ông Pó, bà Máy đã và đang âm thầm gìn giữ, bảo tồn “báu vật” cùng song hành với sự phát triển của dân tộc Mông, để tiếng khèn mãi vang xa....

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]