(vhds.baothanhhoa.vn) - Độc giả Vương Toàn hỏi: “Tôi thấy người ta hay chúc nhau là “Mã đáo thành công” với nghĩa là gặp nhiều may mắn, đạt được thành công, thắng lợi nhanh chóng, nhưng không biết vì sao lại nói như vậy. Gần đây tôi có xem cuốn sách đứa cháu đang đọc Thành ngữ bằng tranh (biên soạn: Nguyễn Thị Hường Lý; Tranh: Nguyễn Quang Toàn - NXB Kim Đồng, 2020), thì thấy giải thích như sau:

Về câu chúc “Mã đáo thành công”

Độc giả Vương Toàn hỏi: “Tôi thấy người ta hay chúc nhau là “Mã đáo thành công” với nghĩa là gặp nhiều may mắn, đạt được thành công, thắng lợi nhanh chóng, nhưng không biết vì sao lại nói như vậy. Gần đây tôi có xem cuốn sách đứa cháu đang đọc Thành ngữ bằng tranh (biên soạn: Nguyễn Thị Hường Lý; Tranh: Nguyễn Quang Toàn - NXB Kim Đồng, 2020), thì thấy giải thích như sau:

Về câu chúc “Mã đáo thành công”

“Mã đáo thành công: Mã: con ngựa; đáo: trở về. Ngày xưa, người Trung Hoa phương Bắc sinh sống trên các bình nguyên rộng nơi có rất nhiều ngựa hoang. Mùa xuân hàng năm, người ta thường thả ngựa nuôi ra bình nguyên để dụ ngựa hoang theo về trang trại. Như vậy có khả năng ngựa sẽ không bao giờ trở về, nhưng cũng có khả năng ngựa quay về và dẫn theo đàn ngựa hoang. Vì vậy, nếu ngựa quay trở về thì có nghĩa chủ trại đã thành công. Câu này thường được dùng như một lời chúc trước khi lên đường với ý: “Thành công tốt đẹp”.

Lời giải thích như vậy là khá rõ ràng, nhưng tôi vẫn băn khoăn tại sao “ngựa quay về và dẫn theo đàn ngựa hoang”, mà trong các bức tranh “Mã đáo thành công” luôn luôn chỉ có 8 con ngựa, không hơn không kém. Vậy, rất mong nhận được ý kiến giải thích của chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa.

Trân trọng cảm ơn”.

Trả lời:

Đúng như độc giả Vương Toàn nhận xét, lời giải thích của tác giả Thành ngữ bằng tranh “là khá rõ ràng”, nhưng đáng tiếc đó chỉ là sự suy diễn. “Mã đáo thành công”, mà được hiểu như vậy thì khác nào chúc thành công kiểu may rủi, “được ăn cả ngã về không”, “năm mươi năm mươi”?.

Thực ra, nguồn gốc câu thành ngữ không liên quan gì đến chuyện thả ngựa nhà để dụ ngựa hoang và “đáo” ở đây có nghĩa là “đến”; “mã đáo” 到 là “ngựa đến”, chứ không phải “ngựa quay trở về”.

Về thành ngữ đang xét, Hán ngữ đại từ điển giảng như sau: “Mã đáo thành công: hình dung công việc thuận lợi, vừa tiến hành đã thu được thành công ngay" [Nguyên văn: Mã đáo thành công: Hình dung sự tình thuận lợi, nhất khai thủy tựu thủ đắc thắng lợi - 馬到成功: 形容事情順利,一開始就取得勝利]. Với Hán điển thì giảng rõ hơn nữa: “Mã đáo thành công: khi xuất chinh, chiến mã vừa đến nơi đã thu được thắng lợi ngay, tỉ dụ sự thành công mau chóng mà thuận lợi”. [Chinh chiến thời mã nhất đáo cánh hoạch đắc thắng lợi, tỉ dụ thành công tấn tốc nhi thuận lợi - 征戰時戰馬一到便獲得勝利, 比喻成功迅速而順利].

Về lý do tại sao trên các bức tranh “Mã đáo thành công” luôn luôn chỉ có 8 con ngựa, không hơn không kém”, thì lại liên quan đến “Bát tuấn” (tám con ngựa quý; tranh “Mã đáo thành công” còn có tên là “Bát tuấn toàn đồ”).

Lý giải về “Bát tuấn” có nhiều thuyết.

“Bát tuấn” là tám con ngựa quý của Chu Mục Vương, gồm: 1- Xích Kí; 2- Đạo Li; 3- Bạch Nghĩa; 4- Du Luân; 5- Sơn Tử; 6- Cừ Hoàng; 7- Hoa Lưu; 8- Lục Nhĩ. Quách Phác chú rằng, tên những con ngựa quý này đều căn cứ vào màu sắc của lông mà đặt thành.

Vương Gia đời Tấn trong sách “Thập di kí - Chu Mục Vương” lại chép rằng, vua ngự 8 con long mã có các tên: 1- Tuyệt Địa, khi chạy chân không chạm đất; 2- Phiên Vũ, có thể bay như chim; 3- Bôn Tiêu, một đêm đi vạn dặm; 4- Việt Ảnh, có thể chạy đêm ngày không nghỉ; 5- Du Huy, lông ngựa tỏa ánh hào quang; 6- Siêu Quang, một hình mười bóng; 7- Đằng Vụ, đi lướt như mây như gió; 8- Hiệp Dực, thân mình mọc cánh.

Lại có thuyết cho rằng, “Bát tuấn” là 8 con ngựa của Minh Thành Tổ, gồm: 1- Long Câu; 2- Xích Thố; 3- Ô Thố; 4- Phi Thố; 5- Phi Hoàng; 6- Ngân Cát; 7- Tảo Lưu; 8- Hoàng Mã.

Như vậy, sở dĩ tranh “Mã đáo thành công” luôn có 8 con ngựa, không hơn không kém là bởi người ta dùng hình ảnh của 8 con ngựa quý được truyền tụng trong lịch sử để làm minh họa cho bức tranh. Và “mã” ở đây là “chiến mã”, chứ không phải ngựa nhà thả ra để dụ ngựa hoang; “mã đáo” là ngựa chiến đến nơi trận tiền; “Mã đáo thành công” là thành công một cách nhanh chóng, thuận lợi, chứ không phải thành công theo kiểu may rủi “có khả năng ngựa sẽ không bao giờ trở về, nhưng cũng có khả năng ngựa quay về và dẫn theo đàn ngựa hoang”, như cách giải thích của sách Thành ngữ bằng tranh.

Hoàng Tuấn Công (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]