(vhds.baothanhhoa.vn) - Sách Thành ngữ bằng tranh (NXB Kim Đồng - 2020) giải thích thành ngữ “Chỉ đâu đánh đấy”  như sau:

Về câu tục ngữ “Trời đánh còn tránh miếng ăn”

Sách Thành ngữ bằng tranh (NXB Kim Đồng - 2020) giải thích thành ngữ “Chỉ đâu đánh đấy” như sau:

Về câu tục ngữ “Trời đánh còn tránh miếng ăn”

“Ngày xưa trên mặt trận, vị tướng chỉ huy quân bằng cách cưỡi ngựa, dùng thanh gươm hay ngọn cờ chỉ về mục tiêu, rồi hô quân “Đánh!”. Còn quân thì phải tuân lệnh: tướng chỉ đâu, quân đánh đúng chỗ đấy, không cần suy xét, không được phép cãi lệnh. Ý nói: Chỉ biết thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, thụ động, thiếu sáng tạo”.

Cách giải thích này thoạt nghe cũng có lý. Tuy nhiên, Quân lệnh như sơn! Trên chiến trường mà quân không theo lệnh tướng, tự tiện “sáng tạo”, thì chỉ có họa “quân hồi vô phèng”. Bởi vậy, lính tráng y lệnh chỉ huy không thể hiểu thành “chỉ biết thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, thụ động, thiếu sáng tạo”.

Thực ra, Chỉ đâu đánh đấy là dị bản rút gọn của Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy.

Theo truyền thuyết dân gian, Thiên Lôi là vị thần nhà Trời, làm ra sấm sét và vâng lệnh trừng trị kẻ gian ác, bất hiếu. Ông Trời sai Thiên Lôi trừng trị kẻ nào, Thiên Lôi cứ thế y lệnh vung lưỡi tầm sét trừng trị kẻ ấy. Bởi thế, Thiên Lôi còn được ví với kẻ tay sai trung tín, nhất nhất làm theo lệnh chủ.

Tuy nhiên, máy móc như Thiên Lôi, mà cũng có trường hợp ngoại lệ. Tục ngữ Việt có câu Trời đánh tránh miếng ăn (dị bản Trời đánh còn tránh miếng ăn). Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân - NXB Văn học, 2018) giải thích, đây là “Câu nói đùa khi có người quấy rầy trong lúc đương ăn”. Tuy nhiên, không hề có chuyện đùa cợt gì ở đây, mà là lời dạy nghiêm túc của dân gian.

Thông thường, người ta ngồi vào bữa cơm sau một buổi, một ngày làm việc, lao động vất vả. Dù già hay trẻ, bữa ăn cũng chính là lúc bù đắp, tái tạo năng lượng, duy trì sự sống; cũng là thời gian tận hưởng thành quả lao động. Thế nên ý tục ngữ, dù bất cứ lý do gì cũng không nên chỉ trích, mắng mỏ, làm phiền người khác vào đúng bữa ăn, khiến người ta sinh ức chế, ăn mất ngon, hoặc bỏ dở bữa ăn...

Tại sao lại đem “trời đánh” ra để ví dụ? Bởi Trời đây chính là ông Thiên Lôi.

Nếu tục ngữ Việt có câu Trời đánh còn tránh miếng ăn, thì tục ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa Lôi Công bất đả ngật phạn nhân nghĩa là Thiên Lôi không đánh kẻ đang ăn cơm, hàm ý, đến kẻ thừa hành mệnh lệnh một cách máy móc, “chỉ đâu đánh đấy” như Thiên Lôi, còn biết “tránh miếng ăn”, hoãn lệnh thi hành nếu thấy kẻ tội đồ đang dùng bữa!

Tục ngữ Hán còn một dị bản đồng nghĩa khác, là Diêm Vương thôi mệnh, bất thôi thực Diêm Vương đi lấy mạng, cũng không giục người ta ăn nhanh lên, nghĩa là ngay cả Diêm Vương đến lấy mạng, mà gặp lúc người ta đang ăn, thì cũng không bao giờ Ngài giục phải ăn nhanh lên.

Thiên Lôi luôn làm theo lệnh Trời một cách máy móc, cứng nhắc, “chỉ đâu đánh đấy”, còn Diêm Vương thì là kẻ nổi tiếng lạnh lùng, vậy mà cũng biết “tùy cơ ứng biến”, tạm hoãn “thi hành án”, khi thấy con người đang dùng bữa, mới biết bữa ăn quan trọng nhường nào!

Hoàng Tuấn Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]