Về một số từ láy: lơi lả, lời lẽ, lợt lạt, lù mù, lờ mờ
Trong chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa số trước, chúng tôi đã nêu ra bốn từ ghép bị Từ điển từ láy tiếng Việt nhận lầm là từ láy: đầm ấm, đầm đìa, đần đù, đầy đọa. Trong bài này chúng tôi tiếp tục phân tích nghĩa đẳng lập của 5 từ: lơi lả, lời lẽ, lợt lạt, lù mù, lờ mờ (phần để trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn của Từ điển từ láy tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):
-“LƠI LẢ 1 tt. (id).x. lả lơi. “Trước xe lơi lả han chào” (Nguyễn Du) “...hai đầu lơi lả cúi chúi vào nhau” (Tô Hoài)”; 2 tt. (id). Chểnh mảng, ít quan tâm chú ý đến công việc đáng ra cần được chú ý, chuyên tâm. Đừng lơi lả với công việc. “Họ ngắm kỹ, không có một phút dám nghĩ đến lơi lả.” (Nguyễn Tuân)”.
Lơi lả là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó lơi (nghĩa 1) là thả lỏng cho buông xuống (như buông lơi); lả nghĩa là vẻ yếu ớt, buông thả xuống (như lả lướt; cây lả ngọn). Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex), giảng và lấy ví dụ rất rõ ràng như sau: “lơi: không giữ, mà để rủ xuống, buông xuống một cách tự nhiên: “Mỹ nhân lững thững thăm hoa rụng, Trâm ngọc quên cài tóc bỏ lơi.” (Thái Can)”; “lả • I đg. [cây cối] bị ngả rủ xuống, không đủ sức đứng thẳng: lúa lả xuống mặt ruộng ~ Cành liễu lả xuống mặt hồ”.
Lơi lả với nghĩa chểnh mảng, ít quan tâm cũng là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: lơi nghĩa là sự ngừng nghỉ (như lơi tay; lơi lỏng; Đừng có lơi ra mà hỏng hết đấy nhé); lả có nghĩa là yếu ớt, không tề chỉnh, nghiêm túc (như đói lả; ẻo lả; Mệt lả cả người ra).
Như vậy, lơi lả là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
-“LỜI LẼ dt. Lời nói xét về mặt nội dung và cách diễn đạt (nói khái quát). Lời lẽ hùng hồn. “Dùng những lời lẽ thiếu nhã nhặn, thô bỉ” (Nguyên Hồng)”.
Lời lẽ là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: lời nghĩa là câu nói, điều nói ra có nội dung, mục đích nào đó (như lời khuyên; lời dặn; Nói không ăn lời; Nói lời thì giữ lấy lời, Đừng như con bướm đậu rồi lại bay - Ca dao); lẽ là thành tố gốc Hán, vốn bắt nguồn từ chữ lí 理 nghĩa là phép tắc, lẽ phải, (như Khôn không qua lẽ, khỏe không qua phép; điều đó trái với lẽ thường; sống sao cho phải lẽ; làm thế thuận với lẽ trời). Có lời có lẽ nghĩa là có lời trình bày, thưa gửi; có lẽ phân trần đúng sai, hơn thiệt cho người ta biết.
Một số cuốn từ điển giảng rất rõ ràng nghĩa của lời và lẽ khi hợp nghĩa thành lời lẽ:
- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “lời lẽ • dt. Câu nói và lý-lẽ trong ấy: Lời-lẽ rõ-ràng. • Cách nói và những tiếng dùng trong câu nói: Lời-lẽ thật-thà”.
- Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “lời lẽ • Câu nói và lý lẽ <>lời lẽ phân-minh. • ngr. Cách nói, cách diễn-đạt tư-tưởng <>bài văn lời lẽ không ra làm sao cả”.
Như vậy, lời lẽ là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
- “LỢT LẠT tt. (ph.). Nhợt nhạt. Da xanh bủng lợt lạt. Chân tay lợt lạt vì ngâm nước lâu”.
Lợt lạt/nhợt nhạt, là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại]: lợt có nghĩa là nhợt, tái xám, không hồng hào (như đỏ lợt); lạt có nghĩa là nhạt, không thắm, không đậm (như xanh lạt/nhạt; phai lạt; lạt màu; Chuyện lạt như nước lã):
Như vậy, lợt lạt/nhợt nhạt đều là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
- “LÙ MÙ tt. Có ánh sáng yếu ớt, đến mức khó nhìn thấy rõ mọi thứ. Ánh lửa lù mù. Ngọn đèn dầu hỏa lù mù. “Ngọn đèn lù mù trên vách, anh đang ngồi hí hoáy ghi chép” (Ngô Ngọc Ngũ Long). //lù mà lù mù (ý nhấn mạnh)”.
Lù mù là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: lù có nghĩa là sáng yếu ớt (như ngọn đèn lù dần; ngọn nến lù); mù nghĩa là không sáng, không nhìn thấy rõ (như mây giăng mù trời).
Như vậy, lù mù là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.
- “LỜ MỜ tt. 1. (Ánh sáng) mờ, yếu làm cho không nhìn thấy rõ nét. Ngọn đèn dầu lờ mờ. Trời mới lờ mờ sáng. Trời nhiều mây ánh sao lờ mờ. “Những thân cây trơ trọi như đá ấy ban ngày đứng sừng sững im lìm trong ánh sáng lờ mờ.” (Văn lớp 6, t.1). “...bóng cao lớn của họ in dài trong những góc tối lờ mờ” (Văn lớp 5, t. 2). 2. Không rõ ràng, không chắc chắn. Nhận thức lờ mờ bài học. Chỉ hiểu lờ mờ cách giải bàn toán. “Ông (...) nghe lờ mờ thấy tiếng nổ lục lục của chuông điện thoại trong tạp âm của mưa gió.” (Ma Văn Kháng)”.
Lờ mờ là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại], trong đó: lờ nghĩa là sáng yếu, bị mờ đi, không đậm màu (như trăng lờ, nước lờ; đục lờ; Có gì mà oán mà ngờ, Mực đen giấy trắng, trăng lờ vì mây - Ca dao); mờ là không rõ, không sáng (như Xóm làng đã mờ dần trong bóng tối; Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu - Tục ngữ).
Như vậy, tất cả 5 từ: lơi lả, lời lẽ, lợt lạt, lù mù, lờ mờ, mà Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ thu thập và giải nghĩa thực chất đều là những từ ghép đẳng lập, hoàn toàn không phải từ láy.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-22 15:16:00
Chi tiết các điểm bắn pháo hoa tại các địa phương trong đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ
-
2025-01-22 09:14:00
Tìm hiểu câu chuyện bí mật phía sau tấm danh thiếp ’thợ ảnh Nguyễn Ái Quốc'
-
2025-01-20 09:31:00
Ba chiếc ôtô phục vụ Bác Hồ được công nhận là Bảo vật Quốc gia
Xuân Quê hương 2025: Kiều bào đoàn tụ, hướng về quê hương
Hòa nhạc Ánh sáng: Những màn trình diễn ấn tượng đặc sắc “tỏa chất riêng”
Tết “ấm” làng nghề... (Bài 3): Gìn giữ cho muôn đời sau
Xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt
Vị tết...
Cuộc cách mạng một cọng rơm
Tết “ấm” làng nghề... (Bài 2): Xuân về - cơ hội lan tỏa nghề truyền thống
Nghĩa đen câu tục ngữ “Được lòng rắn, mất lòng ngóe”
Lào phát hiện nhiều hiện vật cổ có niên đại hàng trăm năm