Về thăm Kẻ Ngói
Kẻ Ngói là tên gọi thuở xưa của làng Đỉnh Tân, xã Thiệu Phú (nay là khu phố Đỉnh Tân, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa). Vùng đất cổ nằm trong không gian của văn hóa Đông Sơn có con người đến cư ngụ từ khá sớm. Và những thế hệ người dân Kẻ Ngói đã chung sức, đồng lòng cùng nhau xây dựng nên làng quê trù phú.
Kẻ Ngói xưa, nay là làng Đỉnh Tân (khu phố Đỉnh Tân).
Kẻ Ngói còn được biết đến với tên gọi như làng Cách, làng Đỉnh Tân. Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, làng (thôn) Cách là một làng của xã Vân Đà, tổng Mật Vật, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên. Đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, làng Cách là một làng của xã Mật Vật, tổng Mật Vật, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa (sách Đồng Khánh dư địa chí). Và đến trước Cách mạng Tháng 8/1945, “làng Cách tồn tại như một xã của tổng Mật Vật, phủ Thiệu Hóa. Trong làng có Hội đồng hương lý, đứng đầu là lý trưởng giữ đồng triện, có đình làng là trụ sở làm việc của Hội đồng hương lý và là nơi hội họp dân làng bàn việc làng, việc nước” (sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Phú).
Nằm trong không gian của văn hóa Đông Sơn, người Kẻ Ngói tin rằng, hàng nghìn năm về trước nơi đây đã có người Việt cổ đến sinh sống. Về vùng đất Kẻ Ngói, sách Địa chí huyện Thiệu Hóa cũng viết: “Kẻ Ngói (tên Nôm là làng Cách, tên chữ là Đỉnh Tân)... Ở buổi đầu trên con đường xuống chiếm lĩnh đồng bằng, cư dân Kẻ Ngói đã chọn những cồn đất cao ở khu vực “Ngõa trang”, “Chật vật khu” để định cư sinh sống. Trải qua hàng nghìn năm cư dân Việt cổ ở Kẻ Ngói đã tạo lập cuộc sống bằng cách canh tác trên các cánh đồng Cáo Trại, đồng Vạn, đồng Xi và đánh bắt tôm cá trên đồng để sinh sống”.
Trải qua biến thiên lịch sử và thời gian, chiến tranh, việc những cư dân Việt cổ tụ cư rồi phiêu tán trên đất Kẻ Ngói là điều không tránh khỏi. Căn cứ theo ghi chép của các dòng họ và lưu truyền dân gian, thì vào khoảng giữa thế kỷ XV, trên khu đất của Kẻ Ngói có tên là Thổ Ngõa Cương tiếp tục có con người đến khai phá, sinh cơ lập nghiệp.
Khu vực miếu thờ tướng quân Lê Huy Cự - người có công lập làng Kẻ Ngói.
Sau đó, tướng quân Lê Huy Cự - một dũng tướng nhà Lê, sau khi lập công nơi chiến trận, ông đã xin với triều đình tập hợp dân binh về Kẻ Ngói, cùng với cư dân bản địa xây dựng cuộc sống mới, lập nên làng Ngói. Bấy giờ, quan sát thấy khu vực Ngõa trang, Chật Vật khu, rồi cả Thổ Ngõa Cương không thực sự thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống, thường xuyên xảy ra mất mùa, trộm cắp khiến đời sống người dân vất vả, tướng quân Lê Huy Cự đã bàn với người dân Kẻ Ngói dời vào khu đất bên trong để sinh sống. Để phòng chống trộm cắp, lũ lụt, vị tướng nhà Lê đã cùng với dân làng đắp lũy đất sau làng, trồng tre bao quanh, làm đường đi. Trước làng là ao hồ cùng cánh đồng chiêm trũng; giữa làng có đường độc đạo, ở hai đầu đường có điếm canh, người dân trong làng luân phiên nhau canh giữ. Nhờ đó, cuộc sống của dân làng dần an ổn. Và sau đó, Kẻ Ngói được biết đến với tên gọi làng Cách. Các dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Hoàng, Khương, Bùi được biết đến là những dòng họ đầu tiên đến Kẻ Ngói.
Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, người dân Đỉnh Tân đã cùng với Nhân dân cả nước dốc sức người, sức của cho tiền tuyến. Đã có hơn 200 người dân Đỉnh Tân tham gia tòng quân đánh giặc cứu nước, hàng trăm lượt người tham gia dân công hỏa tuyến. Và đã có 26 người con của làng anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ; một bà mẹ của làng được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; không chỉ vậy, người Đỉnh Tân còn góp sức chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm học sinh từ phía Nam ra sơ tán (theo sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Phú).
Trải qua nhiều thế kỷ cùng với nỗ lực mưu sinh, xây dựng cuộc sống, người dân Kẻ Ngói cũng không ngừng vun đắp, tạo nên nhiều giá trị văn hóa tinh thần giàu giá trị. Là hệ thống những công trình kiến trúc như đình làng, nghè thờ, miếu, võ chỉ... Ông Nguyễn Đăng Khoa, trưởng khu phố Đỉnh Tân, cho biết: Tôi nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây ở Đỉnh Tân có nhiều công trình kiến trúc tâm linh bề thế, đặc biệt là đình làng thì nổi tiếng to đẹp... Đáng tiếc, vì nhiều nguyên do đến nay phần nhiều đã không còn.
Nhờ nỗ lực vươn lên, những thế hệ người dân Kẻ Ngói đã và đang từng bước xây dựng quê hương giàu mạnh.
Nói rồi, ông Nguyễn Đăng Khoa dẫn chúng tôi ra khu vực cánh đồng lớn giữa làng. Thấp thoáng ở đó có một miếu thờ nhỏ. Ra đến nơi, ông Khoa giới thiệu: “Tôi nghe các cụ cao niên kể lại, đây là miếu thờ tướng quân Lê Huy Cự - người đã có công lập làng và đặt nền móng tạo nên sự no đủ, trù phú cho đất và người Đỉnh Tân. Sau khi cụ mất, dân làng đã lập đền thờ uy nghi. Đáng tiếc, đến nay đền thờ lớn không còn, chỉ còn lại ngôi miếu nhỏ này”. Tại khu vực được cho là miếu thờ người đã có công lập làng, ngoài ban thờ lộ thiên thì còn có một rùa đá cỡ lớn.
Đứng ở ngôi miếu nhỏ giữa cánh đồng, chỉ về làng, người đứng đầu khu phố Đỉnh Tân cũng không giấu được niềm tự hào: “Các cô có thấy làng Đỉnh Tân chúng tôi đẹp không? Từ xa xưa đến ngày nay, người Đỉnh Tân đã có tiếng chịu thương, chịu khó, không chấp nhận đói nghèo, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Người Đỉnh Tân nổi tiếng khôn khéo kinh doanh, buôn bán, dù là ở quê nhà hay đi làm ăn ở xa... Từ những đồng tiền kiếm được, con em Đỉnh Tân đã quay trở về xây dựng nhà cửa, xóm làng, quê hương giàu mạnh. Đỉnh Tân hiện có hơn 500 hộ và hầu hết các hộ dân trong làng đều có kinh tế khấm khá”.
Người dân Đỉnh Tân suốt nhiều năm qua nhiệt tình đồng thuận trong việc hiến đất mở đường. Nhờ đó mà đường làng trở nên rộng rãi, phong quang, sạch đẹp hơn. Diện mạo ấy, khiến cho Kẻ Ngói xưa và Đỉnh Tân ngày nay, đang dần thực sự trở thành một làng quê đáng sống.
Bài viết có tham khảo, sử dụng tư liệu trong các sách Địa chí huyện Thiệu Hóa; Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Phú.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
- 2024-09-28 09:49:00
Để du lịch Thạch Thành trở thành điểm đến hấp dẫn
- 2024-09-27 08:01:00
Trên đất cổ Ðồng Pho
- 2024-07-31 07:53:00
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 51% trong 7 tháng năm 2024
Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở thác Cánh
Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 7 tháng năm 2024
Làng Vĩnh Gia: Giữ gìn hồn cốt văn hóa
[WOW THANH HÓA] Làng cổ Đông Sơn – Một trong những làng cổ đẹp nhất Việt Nam
Bản Năng Cát, thác Ma Hao: Bao giờ như kỳ vọng?
Forbes Advisor gọi tên thành phố du lịch an toàn nhất trên thế giới
Phát huy giá trị di sản - thêm sản phẩm “du lịch xanh”
Đánh thức tiềm năng du lịch ở thôn Thung
Lên thăm làng Én