(vhds.baothanhhoa.vn) - Thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, Mường. Bao đời nay, người dân nơi đây vẫn giữ gìn lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy và trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, người dân thôn Rộc Răm đã và đang chung tay xây dựng quê hương ngày một đổi mới.

Về thăm Rộc Răm

Thôn Rộc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, Mường. Bao đời nay, người dân nơi đây vẫn giữ gìn lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy và trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, người dân thôn Rộc Răm đã và đang chung tay xây dựng quê hương ngày một đổi mới.

Về thăm Rộc RămNgười dân thôn Rộc Răm vui hội Kin Chiêng Boọc Mạy năm 2023.

Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Trong mỗi thế hệ người dân thôn Rộc Răm thì lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (hát múa ăn mừng dưới cây bông) là “báu vật”, “linh hồn” mà bao đời nay bà con luôn gìn giữ. Theo những người dân nơi đây, “kin chiêng” là lễ tháng giêng, “boọc mạy” là cây bông tượng trưng cho đất, trời thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, vạn vật đều sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái. Lễ hội đã tái hiện lại một số hoạt động trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập làng đến nay, thông qua việc hát múa dưới cây bông, những làn điệu, nhạc cụ dân tộc, tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bom bù, tiếng sáo ôi hòa quyện với nhau tạo thành giàn âm sắc vô cùng đa dạng.

Xưa kia, việc tổ chức “Lăm chá Kin Chiêng Boọc Mạy” ở thôn Rộc Răm do dòng họ Hà (dòng dõi nhà Mo từ Mường Khoòng - Bá Thước di cư tới) chủ trì. Ngoài ra thầy mo còn chọn người dòng họ Lò (Lô) để giúp thầy tổ chức lễ tục gọi là bào chớ (nam), sao chớ (nữ). Sau này dòng họ Hà không còn người đủ khả năng để truyền mo nên họ Hà quyết định truyền nghề mo cho dòng họ Lò (Lô). Với các năm lẻ thì lễ Kin Chiêng Boọc Mạy chỉ diễn ra ở các gia đình trưởng họ, còn năm chẵn được tổ chức ở đền Cấm, nơi làng thờ Thần hoàng - ông Trần Công Bát với quy mô lớn, mục đích tạ ơn thần linh mở hội ăn mừng sau một năm lao động để cầu cho dân làng nhà nhà bình an, mạnh khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa bội thu.

Hiện nay, ông Lô Đình Ước (78 tuổi) là đời thứ 9 của nhà mo đứng ra chủ trì giúp dân làng tổ chức lễ. Thầy mo Lô Đình Ước được xem là “người giữ lửa” cho lễ hội. Mặc dù đã ở tuổi gần bát thập, nhưng mo Ước còn minh mẫn, dẻo dai, tiếng khặp Thái của ông khi trầm khi bổng, lúc hào hùng, lúc da diết khiến người nghe nao lòng. Vào những ngày diễn ra lễ hội, ông Ước đứng ra chủ trì giúp dân làng mời Mường Trời, thần linh về dự và cầu mong giúp dân làng có cuộc sống bình an. Ông Lô Đình Ước được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú năm 2019.

Ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc, cho biết: Xuân Phúc là xã miền núi với 12 thôn, trong đó bà con dân tộc Mường, Thái chiếm hơn 60% dân số toàn xã. Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” thôn Rộc Răm được tổ chức vào dịp tháng Giêng hàng năm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, vun đắp tình yêu thương giữa người với người, chia sẻ khó khăn, đùm bọc nhau trong cuộc sống, tạo nên sức mạnh đoàn kết, để cộng đồng người Thái và Nhân dân thôn Rộc Răm thi đua phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Qua đó tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Người Mường, người Thái trước đây thường quan niệm: “Ăn theo con nước một vũng nhỏ cũng là ao, hai nhà cũng là bản”. Làng Rộc Răm xưa kia ở trong khe rộc, chỉ có 5 hộ đến sinh sống, lập nghiệp. Trải qua thời gian, Rộc Răm ngày một đông vui, đổi mới. Năm 2019, thôn Rộc Răm xây dựng thành công thôn nông thôn mới. Về Rộc Răm hôm nay, đường vào thôn, ngõ đã cơ bản được cứng hóa, có điện, có nhà văn hóa, trẻ em đến tuổi được đến trường, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng lên.

Về thăm Rộc RămPhụ nữ dân tộc Mường, Thái thôn Rộc Răm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống như múa sạp, khua luống...

Ông Hà Văn Tỉnh, trưởng thôn Rộc Răm cho biết: Hiện nay thôn Rộc Răm có 152 hộ, gần 600 khẩu, dân tộc Thái, Mường chiếm 99,6% dân số của thôn. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và lâm nghiệp, một số ít buôn bán dịch vụ, đi làm ăn xa. Diện tích sản xuất các loại cây trồng chủ yếu như lúa, ngô, rau màu hơn 17 ha. Đặc biệt hiện nay bà con đã bắt đầu trồng rau an toàn cây chủ lực là rau xanh, ớt, bí xanh, bí đỏ. Những năm qua, bà con chú trọng thâm canh rừng trồng, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Hiện nay, thôn có hơn 200 ha keo, năng suất bình quân đạt 90 tấn/ha. Ở thôn có nhiều hộ phát triển kinh tế, cho thu nhập khá như hộ ông Quách Văn Thông, dân tộc Mường, với mô hình nuôi nhím, nuôi chim thương phẩm…; hơn 40% số hộ chăn nuôi trâu, bò. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,72 triệu đồng/năm. Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây luôn được bà con gìn giữ, phát huy.

Trong Nghị quyết Đại hội chi bộ thôn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2022-2025, Rộc Răm phấn đấu đến năm 2024 về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 70,5 triệu đồng/người trở lên; sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 170 tấn, đến năm 2025 đạt 180 tấn. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn được cứng hóa, đến năm 2025 đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 3%... Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, thôn Rộc Răm tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thu hút đầu tư vào các ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong các tầng lớp Nhân dân, từ đó xây dựng Rộc Răm ngày một đổi mới, phát triển.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]