(vhds.baothanhhoa.vn) - Mường Xia có tên gọi cũ là Mường Chu Sàn, bao gồm các xã Sơn Thủy, Na Mèo (Quan Sơn). Nơi đây có khoảng 8.000 người sinh sống với các dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh... Vùng đất Mường Xia còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống với các làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa, nếp nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực... Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ban tặng cho vùng đất nơi đây cảnh quan hùng vĩ, đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình với những địa danh nổi tiếng như: động Bo Cúng, đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào, núi Lá Hoa, núi Pha Dùa, dòng suối Xia...

Về với Mường Xia

Mường Xia có tên gọi cũ là Mường Chu Sàn, bao gồm các xã Sơn Thủy, Na Mèo (Quan Sơn). Nơi đây có khoảng 8.000 người sinh sống với các dân tộc Thái, Mường, Mông, Kinh... Vùng đất Mường Xia còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống với các làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa, nếp nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực... Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ban tặng cho vùng đất nơi đây cảnh quan hùng vĩ, đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình với những địa danh nổi tiếng như: động Bo Cúng, đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào, núi Lá Hoa, núi Pha Dùa, dòng suối Xia...

Về với Mường XiaLễ hội Mường Xia được người dân địa phương gìn giữ và phát huy.

Đến vùng đất Mường Xia, du khách không thể bỏ qua động Bo Cúng ở bản Chanh, xã Sơn Thủy để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ, đủ màu sắc của hệ thống nhũ đá trong hang và hòa mình với thiên nhiên, cảnh quan hoang sơ của núi rừng. Động Bo Cúng dài hơn 1km, có rất nhiều nhũ đá đủ màu sắc, kích thước. Năm 2009 động được xếp hạng là di tích danh thắng cấp tỉnh. Thời gian qua, UBND huyện Quan Sơn đã phối hợp với Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam khảo sát động Bo Cúng. Qua khảo sát, kết luận động Bo Cúng được hình thành khoảng 4 triệu năm, có nhiều thạch nhũ, măng đá. Hiện trên thế giới chỉ có 5 hang động có thạch nhũ như động Bo Cúng.

Cùng với động Bo Cúng, vùng đất Mường Xia còn có ngọn núi Pha Dùa, tọa lạc tại bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy gắn liền câu chuyện tình của đôi trai tài, gái sắc. Theo truyền thuyết kể lại rằng: Xa xưa ở đất Mường Mìn (Mường ngoài) có người con gái nhà giàu có, xinh đẹp, nết na đem lòng thương yêu chàng trai ở Mường Xia (Mường trong) nhà rất nghèo. Biết chuyện, cha mẹ nàng ra sức ngăn cấm không cho nàng gặp gỡ chàng trai. Không được gặp nhau, nàng và chàng chỉ còn cách ngồi từ xa hát cho nhau nghe. Vào một ngày đẹp trời, ngọn núi bỗng dưng tách làm đôi, tạo thành con đường để cho chàng gặp nàng. Khi gặp nhau biết không thể cùng nhau chung sống, hai người đã cắt ngón tay lấy máu ăn thề, nguyện ước sẽ cùng chết để được ở bên nhau tại núi Pha Dùa. Khi hai người chết, mặt đất nổi dông gió, núi Pha Dùa tách ra thành hai dãy núi Pha Dùa và Pha Hen, ngày đêm soi bóng bên dòng sông Luồng. Thời gian cứ thế trôi đi, câu chuyện tình giữa đôi trai gái vẫn không mờ phai trong tâm trí của những người dân nơi các bản mường. Người dân Mường Xia vẫn thường xuyên kể cho nhau nghe bên bếp lửa trong mỗi nếp nhà sàn, nhằm nhắc nhở nhau luôn biết yêu thương, sống hết mình với người thân yêu.

Đến vùng đất Mường Xia vào các ngày mùng 9, 10 tháng 2 âm lịch, du khách sẽ được trải nghiệm lễ hội Mường Xia. Đây là một trong những lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn. Ngày nay, lễ hội này không chỉ là sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở các xã Sơn Thủy, Na Mèo (Quan Sơn) mà còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường, Mông (Quan Sơn); Mường Đào (Bá Thước) và Mường Bén, Mường Xôi của nước bạn Lào. Trải qua biến thiên của thời gian, những thăng trầm của lịch sử, lễ hội Mường Xia vẫn được người dân địa phương trao truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, lễ hội có sự thay đổi để phù hợp với thực tế nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” vốn có của nó. Với những giá trị lịch sử, nhân văn và khoa học sâu sắc, lễ hội Mường Xia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, hiếu khách, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy... đây là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhận thức được điều này, nhiều năm qua, huyện Quan Sơn khuyến khích các hộ dân phát triển du lịch cộng đồng, gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Hiện nay, tại các xã Sơn Thủy, Na Mèo có 2 điểm du lịch cộng đồng, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, huyện Quan Sơn đã xây dựng tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay (Lào), huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch tại động Bo Cúng, đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào và các vùng lân cận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Quan Sơn đã và đang huy động nguồn lực gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch tại vùng đất Mường Xia. Đồng thời chú trọng tới việc quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người nơi đây, nhằm phát triển du lịch. Thời gian tới, huyện Quan Sơn tiếp tục quan tâm phát triển khu du lịch tại động Bo Cúng; khu cửa khẩu quốc tế Na Mèo, du lịch chợ phiên tại xã Na Mèo... Nỗ lực thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch trên địa bàn huyện Quan Sơn nói chung và vùng đất Mường Xia nói riêng. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng đất Mường Xia.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]