Vị nhà
1.Càng áp tết, những người đi xa càng nhớ nhà, thèm hương vị quê hương. Chị gái tôi, từ khi 18 tuổi đi xuất khẩu lao động, tưởng như đã quá quen với việc xa nhà, ấy thế mà năm nào cũng vậy, sụt sùi qua lại, quay quắt nỗi nhớ nhà. "5 năm rồi chưa được đón tết cùng đại gia đình. Năm nay cả gia đình anh chị và các cháu về nhà nhé!". Nghe giọng thôi tôi đã có thể hình dung ra nét mặt chị, vui đến mức thêm vài nếp nhăn nơi khóe mắt.
Từ khi tôi lớn lên, năm nào tôi cũng về quê một vài ngày tết. “Mày không hiểu được sự cô đơn của người ở xa cách nửa vòng trái đất đâu. Buồn tê tái”. Mặc dù để chuẩn bị đón tết cổ truyền, gia đình anh chị và những người Việt ở Matxcova vẫn tổ chức gói bánh chưng, vẫn nâng li chúc nhau một năm mới an lành, vẫn ngắm nhìn pháo hoa và gọi video về quê nhà. Nỗi buồn cất giữ trong lòng, không ai nỡ bày tỏ vì sợ người bên cạnh buồn lây, sợ chính mình phải rơi nước mắt. Bởi, dù vui thế nào, dù tạo dựng khung cảnh ra sao thì vẫn thiếu: Vị nhà.
2. Bài hát “Vị nhà” của ca sĩ Đen Vâu có thời lượng 5 phút 15 giây sau 4 ngày ra mắt đã nhanh chóng vươn lên vị trí Top 1 với gần 6 triệu lượt xem trong danh mục âm nhạc thịnh hành. Ở vai trò người kể chuyện – Đen Vâu nhìn thấy những người trẻ tha phương cầu thực mưu sinh giữa cuộc sống đầy rẫy những bộn bề; anh lái xe ngóng chờ từng phút để trở về nhà; chị lính cứu hỏa tạm gác lại niềm vui đoàn tụ để thực hiện nhiệm vụ trong đêm giao thừa; hình ảnh bố mẹ già bên bếp lửa chờ đón những người con về...
Những câu hát vang lên: Ngày xưa ngây ngô như là chú nai con/ Chỉ mong sao mau được lớn nhanh hơn/ Để đi rong chơi tìm đến muôn phương/ Rời nhà đi khắp nơi.../ Rồi sau bao nhiêu thành phố con qua/ Và sau bao nhiêu hàng quán con ăn/ Điều con luôn mong được mãi mang theo/ Là điều giản đơn có tên: Vị nhà...
Giai điệu cùng ca từ như lời động viên mỗi người, dù đang ở bất cứ nơi nào, mối dây yêu thương giữa bản thân với gia đình là sức mạnh và niềm tin giúp ta đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Vị nhà ấy không chỉ cảm nhận bằng giác quan, quan trọng hơn, đó là mùi hương, sự ấm áp và những màu sắc khác nhau trong trái tim và tâm trí mỗi người. Nhà là nơi mang lại sự an yên; là nơi mỗi người mong mỏi được chở che, vỗ về; là cội nguồn ban cho năng lượng mãnh liệt để cổ vũ họ trong từng bước chân cuộc đời.
3. Cố gắng sắp xếp, trung bình khoảng 4 - 5 năm cả gia đình anh chị lại về quê ăn tết. Lần này, chị tôi về, xúng xính đi chọn vải may áo dài, sắm tết. Chị nói: "Ở nơi đất khách quê người mới thấu hiểu sự cô đơn, cảm giác trống trải. Xem pháo hoa mà lòng cứ nao nao, nhớ quê, thương mẹ già sức khỏe ngày càng yếu vẫn ngóng chờ con. Chỉ cần đặt chân xuống sân bay là cảm nhận được quê hương là chùm khế ngọt, quê nhà là chốn thân thương mà dẫu đi xa bao lâu khi về cũng gần gũi, êm ái".
Để có gần 1 tháng về quê dịp tết, vợ chồng anh chị tôi đã phải lên kế hoạch thời gian dài, gác lại mọi công việc, các cháu phải nghỉ học bởi "không về thì không chịu được, vất vả mấy thì tết đến cũng chỉ mong về nhà”.
Chẳng thế mà càng sát tết, người Việt ở Tây, ở Mỹ mua vé giá cao vượt nửa vòng trái đất về thăm quê. Người tha phương kiếm sống nơi đô thị cũng nôn nao chờ lên xe, lên tàu về nhà. Nhiều “Chuyến xe Công đoàn - Xuân 2025” đưa hàng nghìn công nhân từ miền Nam về các tỉnh ở phía Bắc và miền Trung ăn tết và đoàn tụ với gia đình.
Dù có thay đổi nhiều, bớt “ăn” tết để chuyển sang “chơi” tết, thì tựu chung lại vẫn là khát vọng được sum họp, đoàn viên.
Tết rồi, về thôi, về quê thôi. Quê hương mỗi người chỉ một!
BẢO ANH
{name} - {time}
-
2025-01-17 08:37:00
Đưa người phố về làng
-
2025-01-10 09:23:00
Quà tặng!
-
2025-01-03 07:54:00
Cần thêm đất diễn