(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) giảng: “Bé chẳng vin cả gãy cành: Lúc còn bé mà chẳng cho vin (vào những thứ cứng cáp) thì ít nữa lớn lên ắt có thể bị gãy cả cành. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Lúc còn bé mà chẳng lo dạy dỗ thì khi lớn lên rất khó nên người”.

“Vin” trong câu “Bé không vin cả gãy cành” có nghĩa là gì?

Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) giảng: “Bé chẳng vin cả gãy cành: Lúc còn bé mà chẳng cho vin (vào những thứ cứng cáp) thì ít nữa lớn lên ắt có thể bị gãy cả cành. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Lúc còn bé mà chẳng lo dạy dỗ thì khi lớn lên rất khó nên người”.

Vin trong câu

Từ điển này chú thích chữ “vin” có nghĩa là: “Nương tựa vào (cái cứng cáp) để có thể đứng vững được”. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai. Vì hiểu sai nghĩa của chữ “vin”, nên soạn giả giảng sai luôn nghĩa đen, khiến nghĩa đen mâu thuẫn hoàn toàn với nghĩa bóng.

Thực tế, “vin” cũng có một nghĩa là vịn, dựa vào (như vin cớ, vin vào = dựa cớ, dựa vào...), nhưng “vin” trong câu tục ngữ đang xét lại có nghĩa là níu, uốn:

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Trung tâm Từ điển học Vietlex): “vin • đg. 1 với tay mà níu [cành cây] xuống: vin cành hái hoa ~ “Dù ai bẻ lá vin cành, Thì nàng phải nhớ lời anh dặn dò” (Cdao)”.

- Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “vin • Dùng tay kéo cành ở trên cao xuống <>vin cành”.

Về nghĩa đen: Với bất cứ loại cây trồng nào cũng vậy, khi cây/cành đang còn non, chưa định hình, thì thường có đặc tính mềm dẻo, dễ uốn nắn theo ý của người chăm sóc mà không bị gãy. Bởi thế, từ xa xưa, lợi dụng đặc tính này, dân gian thường uốn cành cây, thân cây từ khi chúng còn non, để tạo thành một số loại nông cụ như: hái cắt lúa (phần vòi hái là cành tre được uốn cong khum khum lại, trông như cái vòi voi); hoặc là uốn thân cây, cành cây cong gập lại để làm cái ách trâu bò... Tuy nhiên, khi cây/cành đã đến thời kì già, phát triển định hình, thì rất khó uốn nắn, điều khiển theo ý muốn. Dù có uốn rồi cố định bằng dây buộc, thì khi bỏ dây ra, cây/cành sẽ bật trở lại tư thế, hình dáng cũ. Nếu làm mạnh tay hơn, sẽ dẫn đến gãy cành.

Về nghĩa bóng: Bé không vin, cả gãy cành (dị bản Non chẳng uốn, già nổ đốt) được dùng để chỉ biện pháp giáo dục con người: khi con trẻ còn nhỏ mà không thường xuyên uốn nắn, dạy dỗ (vin), thì khi lớn lên (cả) sự dạy dỗ, uốn nắn sẽ không có tác dụng, không hiệu quả, thận chí là phản tác dụng (xảy ra xung đột, phản ứng tiêu cực, tức “gãy cành”).

Trở lại cách giảng của soạn giả: “Lúc còn bé mà chẳng cho vin (vào những thứ cứng cáp) thì ít nữa lớn lên ắt có thể bị gãy cả cành”. Đây cách hiểu mâu thuẫn hoàn toàn với phương pháp dạy dỗ trẻ nhỏ. Bởi thông thường, người ta tập cho trẻ có tính tự lập từ bé mới tốt. Còn lúc nhỏ mà dựa dẫm nhiều, lớn lên sẽ sinh ra tính ỷ lại, lười biếng, ăn bám bố mẹ.

Như vậy, Bé chẳng vin cả gãy cành, chính là dị bản đồng nghĩa với câu “Măng chẳng uốn uốn tre sao được”, mà chính Nguyễn Đức Dương đã giảng là: “Còn là măng mà chẳng lo uốn thì tới lúc thành tre làm sao còn uốn được nữa. Hay dùng để khuyên mọi người hãy uốn nắn con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, vì lúc đã khôn lớn rồi thì khó mà uốn nắn được”. Đây là cách giảng đúng. Tiếc rằng, vẫn nội dung ấy, nhưng khi dân gian thay đổi cách diễn đạt và hình ảnh ẩn dụ, từ “Măng chẳng uốn uốn tre sao được”, thành “Bé chẳng vin cả gãy cành”, thì soạn giả lại giảng sai.

Mẫn Nông



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]