(vhds.baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dọc theo địa phận của 16 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh và Thường Xuân, trong đó có 3 huyện miền núi cao, biên giới là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và cả nước. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân, diện mạo khu vực miền núi cao, biên giới khởi sắc từng ngày, đời sống đồng bào được nâng lên.

Vùng cao đổi mới

Tỉnh Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dọc theo địa phận của 16 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh và Thường Xuân, trong đó có 3 huyện miền núi cao, biên giới là Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và cả nước. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân, diện mạo khu vực miền núi cao, biên giới khởi sắc từng ngày, đời sống đồng bào được nâng lên.

Vùng cao đổi mớiCánh đồng ở Mường Mìn - nơi tạo ra các sản phẩm lúa gạo, trong đó có lúa nếp Cay Nọi là đặc sản vùng biên Quan Sơn.

Xây dựng các sản phẩm đặc trưng từ tiềm năng, thế mạnh

Tam Lư (Quan Sơn) là xã vùng biên đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa về đích NTM năm 2018 và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao. Phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn nội lực của địa phương, xã Tam Lư đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt Suối Tình do chị Vi Thị Thuyến, chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Hát làm tổ trưởng đã và đang phát huy hiệu quả trong chăn nuôi vịt đặc sản. Thương hiệu “Vịt Suối Tình” gắn với đời sống, sinh hoạt, phong tục của bà con nơi đây. THT ban đầu chỉ có 20 thành viên đến nay đã tăng lên 35 thành viên. Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả trong phát triển kinh tế, đầu ra cho sản phẩm ổn định, được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao là động lực để chị em hội viên phụ nữ bản Hát tiếp tục duy trì, phát triển đàn vịt. Hiện tại, THT có tổng đàn vịt khoảng 500 con. Một năm THT chăn nuôi khoảng 3 - 4 lứa vịt. Vịt được chăn thả đa phần ngoài tự nhiên, nên thịt thơm, ngọt, ít mỡ. Hiện nay, THT đang nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển đàn vịt, tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ của bản, từng bước xây dựng địa chỉ tin cậy để hội viên chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện. Sản phẩm “Vịt Suối Tình” được công nhận sản phẩm OCOP năm 2023 vừa khẳng định thương hiệu, sản phẩm đặc trưng địa phương, đồng thời nâng cao giá trị, giúp sản phẩm vươn xa.

Ông Lê Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Tam Lư, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 định hướng phát triển kinh tế bền vững, trọng tâm phát triển nông, lâm nghiệp làm mũi nhọn; mở rộng mô hình chăn nuôi; chú trọng liên kết, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập; góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã đạt 21.883 con, vượt 8,3% so với cùng kỳ, trong đó đàn gia cầm 21.381 con. Trong 9 tháng năm 2024, toàn xã đã khai thác và tiêu thụ 3.100 tấn vầu, tăng 30,3% so với cùng kỳ, 56.000 cây luồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Xã đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân hiến đất mở rộng đường, mở rộng khuôn viên nhà văn hóa bản Hậu. Từ đó lan tỏa, nhân rộng phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông, XDNTM nâng cao trên địa bàn toàn xã, được đông đảo Nhân dân đồng tình, tự nguyện hưởng ứng. Xã đã trồng được 5.124m hàng rào xanh; trồng mới 100 cây bằng lăng tại 4 bản (Hậu, Muống, Sại, Piềng Khóe); duy trì ra quân tổng vệ sinh môi trường, thực hiện thu gom rác thải độc hại (vỏ hộp, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật...) trên các cánh đồng; phát động phong trào “nhà sạch, ngõ đẹp”, “nhà sạch, vườn đẹp”. Tiếp tục duy trì và phát triển, quảng bá thương hiệu 2 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao trên sàn giao dịch điện tử (Vịt Suối Tình và Rượu Nàng Hương). Phấn đấu cuối năm 2024 được công nhận thêm 2 sản phẩm OCOP (đu đủ sấy và thịt khô).

Xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, không riêng xã Tam Lư mà cấp ủy, chính quyền, người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quan Sơn đã và đang lựa chọn nhiều sản phẩm đặc trưng, lợi thế để xây dựng thành sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, hộ gia đình. Giai đoạn 2022-2025, huyện Quan Sơn xác định các loại cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế của huyện là trồng lúa nếp Cay Nọi; nuôi cá nước lạnh (cá tầm); nuôi vịt bản địa (vịt bầu); nuôi lợn, gà bản địa; chế biến măng sạch... Hiện nay, sản phẩm lúa nếp Cay Nọi Mường Xia của HTX nông nghiệp xanh Duy Linh; măng khô Nang Non của HTX nông lâm nghiệp và dịch vụ thị trấn Sơn Lư; vịt suối Tình, bản Hậu (xã Tam Lư); vịt bầu suối Chăng Mường Hạ; cá tầm Mường Thanh (xã Sơn Điện)... được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Phát triển kinh tế hộ, nỗ lực thoát nghèo

Quan Hóa là huyện vùng cao biên giới, dân số trên 50.128 người, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 45.567 người, chiếm 91%. Toàn huyện có 14 xã, 1 thị trấn với 107 bản và khu phố. Trong những năm qua, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích, là gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, XDNTM, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị. Tiêu biểu như thị trấn Hồi Xuân đã tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; xã Phú Nghiêm phát triển vườn cây ăn quả, gia trại chăn nuôi; xã Thiên Phủ đẩy mạnh XDNTM; xã Hiền Kiệt giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, xây dựng biên giới hữu nghị, xây dựng mô hình điểm “bản sáng vùng biên” ở Chiềng Căm; các xã Nam Xuân, Phú Lệ đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; thị trấn Hồi Xuân, xã Trung Sơn hỗ trợ xây dựng các sản phẩm tiêu chuẩn OCOP. Nhiều cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi như chị Phạm Thị Tuyết, chủ kinh doanh nhà hàng homestay A Béo tại khu du lịch cộng đồng bản Bút, xã Nam Xuân; chị Phạm Thị Nhung, thị trấn Hồi Xuân luôn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người DTTS.

Vùng cao đổi mớiCán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hiền Kiệt và bà con bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt (Quan Hóa) vệ sinh môi trường bản.

Ở xã Thiên Phủ, gia đình ông Hà Văn Thính, dân tộc Thái, bản Chong là hộ đầu tiên của xã mạnh dạn đưa cây mắc ca về trồng thay thế các loại cây không mang lại hiệu quả. Đến nay, gia đình ông Thính trồng hơn 400 cây mắc ca, hàng năm cho thu hoạch hơn 2 tấn quả. Theo ông Thính, cây mắc ca cho năng suất và giá cả cao, đầu ra ổn định. Ngoài ra, ông đã mạnh dạn đầu tư máy sấy, máy cắt, hút chân không để tạo ra các sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị cao hơn so với bán quả mắc ca tươi. Không chỉ gia đình ông Thính, mà xã Thiên Phủ còn có hơn 20 hộ chuyển đổi các loại cây sang trồng mắc ca.

Cùng với sự nỗ lực tích cực lao động, sản xuất của đồng bào các dân tộc, thời gian qua, huyện Quan Hóa luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, của tỉnh hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Giai đoạn 2019-2024, tổng nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án trên địa bàn huyện Quan Hóa đạt gần 1.000 tỷ đồng. Huyện đã đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình, đặc biệt là công trình giao thông, tạo liên kết vùng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, với nhiều công trình đã hoàn thiện cũng như đang thi công, như: Đường giao thông từ huyện Quan Hóa đi huyện Mai Châu (Hòa Bình), đường giao thông từ huyện Quan Hóa nối xã Trung Xuân (Quan Sơn), các công trình giao thông liên xã, liên thôn bản tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Từng bước hình thành, phát triển các khu vực tập trung công nghiệp thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiêu biểu như khu vực Phú Nghiêm, HTX Hợp Phát, Công ty Duyệt Cường...

Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đang được huyện Quan Hóa tập trung triển khai thực hiện. Tiếp tục xây dựng các công trình thiết yếu tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn như: Đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt tập trung từ các nguồn vốn thuộc chương trình giảm nghèo, XDNTM và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường giao thông được cứng hóa đạt trên 73%; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%. Huyện tích cực thực hiện Dự án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét tại các điểm có nguy cơ lũ quét sạt lở như sắp xếp dân cư tại bản Tang, bản Sạy, xã Trung Thành; bản Lở, xã Nam Động. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,53 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 22,5%. Năm 2024, huyện Quan Hóa phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu đồng/năm trở lên.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]