(vhds.baothanhhoa.vn) - Hành trình gieo chữ trên đại ngàn vùng cao Mường Lát suốt nhiều năm qua có dấu ấn của hàng trăm thầy cô giáo miền xuôi ngược ngàn bám bản. Để rồi, “hoa đã nở” trên núi đá khô cằn, đã có những người Mông đầu tiên vượt muôn vàn gian khó chinh phục tri thức, trở thành những người thầy đầu tiên quay trở về phục vụ bản làng.

Vượt gian khó theo đuổi ước mơ: Chuyện của những thầy, cô giáo người Mông đầu tiên

Hành trình gieo chữ trên đại ngàn vùng cao Mường Lát suốt nhiều năm qua có dấu ấn của hàng trăm thầy cô giáo miền xuôi ngược ngàn bám bản. Để rồi, “hoa đã nở” trên núi đá khô cằn, đã có những người Mông đầu tiên vượt muôn vàn gian khó chinh phục tri thức, trở thành những người thầy đầu tiên quay trở về phục vụ bản làng.

Vượt gian khó theo đuổi ước mơ: Chuyện của những thầy, cô giáo người Mông đầu tiênCô giáo Va Thị Nính là một trong những nữ giáo viên người Mông đầu tiên tốt nghiệp và dạy Âm nhạc.

Tà Cóm là một trong những bản xa xôi nhất, khó khăn nhất của huyện Mường Lát. Nơi đây 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông. Bao năm, cái khó, cái nghèo cứ bủa vây lấy người dân bản. Bởi vậy, Tà Cóm suốt bao nhiêu năm vẫn chưa từng có người theo nghề sư phạm. Vậy nên năm 2018, Sùng A Chai với nghị lực phi thường, đã trở thành thầy giáo đầu tiên của bản nghèo Tà Cóm.

Sùng A Chai là anh cả trong gia đình có 6 anh em, gia cảnh nghèo khó. Hơn 15 năm trước, sau khi học hết chương trình lớp 5 ở điểm trường trong bản, Sùng A Chai và các bạn băng rừng, lội suối ra THCS Trung Lý (nay là Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý) tiếp tục đi học. Hành trang theo Chai và những đứa trẻ người Mông khi ấy chỉ vỏn vẹn vài lon gạo. Trường học chưa có bán trú, Chai và các bạn phải dựng lán ngay phía dưới trường để ăn ở, học tập. Cứ như vậy, khi nào hết gạo, Chai lại mất cả ngày trời đi bộ băng rừng về nhà xin gạo. Cũng bởi quá khó khăn nên những bạn đồng hành cùng Chai đã dần bỏ cuộc. Và rồi, đến năm lớp 9, chỉ còn mình Chai theo học.

Việc Sùng A Chai học hết lớp 9 lúc bấy giờ cũng xem như niềm hãnh diện với bà con trong bản. Và khi ấy, cũng là lúc bố mẹ Chai không còn đủ sức để cho Chai học tiếp lên THPT. Những tưởng, câu chuyện ham học của Sùng A Chai sẽ phải dừng lại. Vậy nhưng, Chai lại vượt khó để học THPT Mường Lát. Suốt ba năm THPT, một buổi đến trường, thời gian còn lại Sùng A Chai vào rừng sâu đi đào dúi bán lấy tiền mua gạo, mua bút, quần áo, sách vở. “Không phải ngày nào cũng may mắn đào được dúi, có những đợt cả tuần không tìm được gì, đành phải nhịn đói... Cũng bởi cuộc sống nghèo khó quá, nên tôi tự nhủ lòng càng phải cố gắng đi học, chỉ có học mới hy vọng thay đổi cuộc đời của mình”, Sùng A Chai nhớ lại.

Cuối cùng, 3 năm THPT với Sùng A Chai cũng đi qua. Cậu bé người Mông Sùng A Chai nộp hồ sơ vào Trường Đại học Tây Bắc. Nhưng “sau nhiều ngày chạy vạy, xoay xở, gom góp, gia đình vẫn không thể có tiền cho tôi bắt xe đi thi đại học. Nhiều ngày sau đó nằm trong nhà, đầu tôi đau lắm, tự nhủ mình không thể đầu hàng, không thể chấp nhận số phận đói nghèo. Nhưng phải làm gì để thay đổi thì tôi lại không biết”, Sùng A Chai nhớ lại.

Vượt gian khó theo đuổi ước mơ: Chuyện của những thầy, cô giáo người Mông đầu tiênSùng A Chai là thầy giáo người Mông đầu tiên của bản nghèo Tà Cóm.

Nghị lực, quyết tâm đã khiến cho Sùng A Chai không bỏ cuộc. Và sau đó một năm, Sùng A Chai đã thi đỗ vào khoa Giáo dục Tiểu học Trường Đại học Hồng Đức. Ngày Sùng A Chai xuống thành phố nhập học với tất cả tài sản bán đi của gia đình và vay mượn hàng xóm cũng chưa đầy 2 triệu, cũng chính là ngày người vợ của Chai dắt theo các con vượt núi, băng qua những cánh rừng về quê ngoại ở Sơn La làm thuê kiếm tiền nuôi chồng ăn học. Rồi những ngày hết tiền, Sùng A Chai được chủ quán cơm cho nợ. Cứ như vậy, năm 2018 Chai trở thành người tốt nghiệp đại học đầu tiên - cũng là thầy giáo đầu tiên ở Tà Cóm.

Sau 2 năm dạy hợp đồng, năm 2020 Sùng A Chai tham gia thi tuyển giáo viên do huyện Mường Lát tổ chức. Với nhiều sự cố gắng, nỗ lực, thầy giáo Chai đã trúng tuyển, được phân công dạy học tại điểm trường Cá Giáng (Trung Lý). Cũng chính từ đây, cuộc sống của Chai và gia đình, vợ con đã thực sự đổi thay. Thầy giáo Sùng A Chai chia sẻ: “Nhìn lại những năm tháng đã đi qua, tôi thấy mình may mắn vì đã không bỏ cuộc. Khó khăn rồi cũng sẽ qua, mong rằng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những người Mông dám vượt khó học tập, thực hiện ước mơ”. Cùng thầy giáo Sùng A Chai, đến nay ở Tà Cóm đã có 4 người tốt nghiệp đại học.

Sinh ra và lớn lên ở bản Pù Ngùa xã Pù Nhi, thầy giáo Thao Văn Cụa - giáo viên Trường THPT Mường Lát cũng trải qua hành trình gian khó để trở thành “người lái đò” trên dòng sông tri thức.

Gia đình có 6 người con, hoàn cảnh khó khăn song bố mẹ Thao Văn Cụa sớm ý thức được tầm quan trọng của việc đi học. Khi học THPT, nhìn những thầy cô giáo đứng trên bục giảng say sưa truyền dạy tri thức, Thao Văn Cụa đã nuôi quyết tâm sẽ cố gắng trở thành một thầy giáo trong tương lai. Và ước mơ của chàng trai người Mông Thao Văn Cụa đã bước đầu thành hiện thực khi cậu thi đỗ vào ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học Hồng Đức.

Tuy nhiên, trong những năm tháng học đại học, chi phí sinh hoạt nơi phố thị luôn là gánh nặng với gia đình và chàng sinh viên Thao Văn Cụa: “Mỗi tháng, bố mẹ dù gom góp hết cũng chỉ có thể gửi xuống cho em vài trăm ngàn, tháng nhiều nhất là 700 ngàn, số tiền đó quả thực không đủ. Vì thế, để có tiền trang trải, em xin đi làm thêm buổi tối. Suốt những năm đại học, em hầu như rất ít có những bữa lên giường ngủ trước 12 giờ đêm”, Thao Văn Cụa nhớ lại.

Cố gắng là vậy, nhưng hết năm thứ 3 đại học vì gia đình quá khó khăn, Thao Văn Cụa buộc phải xin bảo lưu kết quả học tập để đi làm kiếm tiền. Sau một năm xin đi làm công ty, Cụa để dành được 50 triệu và quay lại trường để tiếp tục thực hiện ước mơ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2020 chàng trai người Mông Thao Văn Cụa đã trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng giáo viên THPT của tỉnh. Chính thức trở thành thầy giáo dạy Toán về công tác tại Trường THPT Mường Lát.

Vượt gian khó theo đuổi ước mơ: Chuyện của những thầy, cô giáo người Mông đầu tiênBằng sự nỗ lực, quyết tâm, Thao Văn Cụa đã trở thành thầy giáo người Mông đầu tiên tại Trường THPT Mường Lát.

Thầy giáo Thao Văn Cụa chia sẻ: “Được làm thầy giáo ở chính ngôi trường mà mình theo học là hạnh phúc với bản thân. Tôi biết ơn các thầy cô đã dạy mình, không chỉ là truyền đạt kiến thức, các thầy cô còn tâm tình, thắp lên hy vọng để tôi quyết tâm thực hiện ước mơ”.

Trong câu chuyện về những người giáo viên người Mông đầu tiên ở núi cao Mường Lát, tôi nhớ đến cô giáo Va Thị Nính, người bản Lốc Há, xã Nhi Sơn. Cũng như bao phụ nữ người Mông khác, từ nhỏ Va Thị Nính đã “nằm lòng” quan niệm: "Là con gái đi học làm gì, đi học có được gì đâu, ở nhà làm nương làm rẫy còn có cái ăn...". Vậy nhưng, vượt lên những định kiến bó buộc, khát vọng được học cứ lớn dần từng ngày trong cô nữ sinh Va Thị Nính.

Không chỉ vậy, với tình yêu âm nhạc, những bài ca, tiếng hát của người Mông đã thấm đẫm tâm hồn cô gái Nính. Vì thế, vượt khỏi những rào cản, Va Thị Nính đã trở thành một trong những cô giáo người Mông đầu tiên học và dạy nhạc. Năm học 2023-2024 cũng là năm đầu tiên cô giáo Nính bước đi trên sự nghiệp trồng người đã chọn.

Thầy Sùng A Chai, Thao Văn Cụa hay cô giáo Va Thị Nính - những người con của bản làng người Mông nơi miền non cao Mường Lát với khát vọng đổi thay, họ không chỉ tự mình thay đổi quan niệm bó buộc, mà còn góp sức mình cho hành trình gieo mầm tri thức xanh tươi...

Mường Lát là địa bàn sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến tháng 10/2023, huyện Mường Lát có tổng số 763 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại 31 trường học ở 3 cấp (mầm non; tiểu học, THCS). Trong đó, hơn 500 cán bộ, giáo viên, nhân viên là người dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]