Năm học 2024-2025 là năm thứ 5 ngành giáo dục và đào tạo thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong dạy và học ở các nhà trường theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đây cũng là năm học thứ 5 các trường sử dụng sách giáo khoa mới theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa.

Xã hội hóa, đa dạng hóa SKG: Công cụ hỗ trợ tích cực cho đổi mới giáo dục

Xã hội hóa, đa dạng hóa SKG: Công cụ hỗ trợ tích cực cho đổi mới giáo dụcSách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm học 2024-2025 là năm thứ 5 ngành giáo dục và đào tạo thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong dạy và học ở các nhà trường theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Đây cũng là năm học thứ 5 các trường sử dụng sách giáo khoa mới theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa.

Việc có nhiều bộ sách đã giúp giáo viên có nhiều tài liệu tham khảo để mang lại bài giảng phong phú hơn, hấp dẫn hơn là khẳng định của bà Phạm Thị Kim Huệ, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong buổi tọa đàm “Xã hội hóa, đa dạng hóa sách giáo khoa: Đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” do Báo Điện tử VietnamPlus phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức mới đây.

Nguồn tài liệu phong phú, đáp ứng yêu cầu mới

- Thưa bà, từ thực tiễn giáo dục nhà trường , bà có thể cho biết việc xã hội hóa, đa dạng hóa sách giáo khoa có những tác động như thế nào trong việc dạy và học?

Bà Phạm Thị Kim Huệ: Trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Việt Nam thực hiện duy nhất một bộ sách cho tất cả học sinh từ miền núi xuống đồng bằng, từ thành thị và nông thôn. Việc thực hiện một bộ sách phù hợp trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam mục tiêu phát triển nội dung.

Tuy nhiên, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu giáo dục phổ thông phải tập trung phát triển trí tuệ, phẩm chất, năng lực của học sinh, trong đó tập trung vào bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho các em. Vì vậy, việc dạy học theo định hướng tiếp cận nội dung không còn phù hợp. Do đó, việc phải thay đổi để có thể có những bộ sách phù hợp hơn, phát triển được năng lực của học sinh là cần thiết.

Việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách đã mang lại lợi ích cho cả người dạy và học sinh khi có thêm nhiều tài liệu tham khảo. Giáo viên có thể lựa chọn những kiến thức, kỹ năng hoặc những hoạt động dạy học phù hợp với cá nhân của học sinh cũng như phù hợp với nhà trường. Giáo viên hoàn toàn được chủ động, không phải nhất định phải dạy toàn bộ chương trình theo một sách giáo khoa cố định mà có thể mang những phần nội dung kiến thức hay từ bộ sách này hay là các hoạt động khác từ bộ sách kia để đưa vào tiết dạy của mình, làm cho tiết dạy của các thầy cô sẽ trở nên phong phú, đa dạng hơn. Học sinh cũng thuận lợi trong việc tìm các tài liệu tham khảo cho các bài học.

Và một ưu điểm nữa, đó là vì phải cạnh tranh nên chắc chắn các nhà xuất bản sẽ phải làm thế nào mà tạo ra bộ sách tốt nhất, hình ảnh đẹp nhất, tạo sự thu hút cho học sinh.

Tôi nghĩ đấy là lợi ích mà người dạy và người học có được. Việc đa dạng hóa, xã hội hóa sách giáo khoa đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

- Trong những năm đầu, sách giáo khoa đã được phản ánh là có “sạn.” Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các nhà xuất bản đã phải chỉnh sửa. Cũng có ý kiến cho rằng khi chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ quá mới và lại quá nhiều công việc trong một thời gian quá gấp thì việc có những sai sót là khó tránh khỏi. Là nơi tiếp nhận, sử dụng các sản phẩm sách giáo khoa, bà đánh giá như thế nào về việc này?

Bà Phạm Thị Kim Huệ: Trước hết phải khẳng định việc biên soạn, thẩm định, xuất bản, đưa sách giáo khoa đến tay người dùng là khối lượng công việc vô cùng lớn, lại mới nên tôi cho rằng không thể tránh khỏi những thiếu sót. Có thể thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà xuất bản đã rất cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và kịp thời chỉnh sửa với các ý kiến phản hồi đúng.

Bên cạnh đó, tôi được biết Bộ Giáo dục Đào tạo đang có kế hoạch sau khi kết thúc năm học 2024-2025, hoàn chỉnh chu trình đổi mới sách trong các bậc học, các khối lớp, Bộ sẽ có một kế hoạch là sẽ tổng hợp, tổng kết, rút kinh nghiệm về việc in ấn, soạn thảo cũng như đưa sách giáo khoa đến tay học sinh. Điều đó cho thấy nỗ lực của Bộ và các nhà xuất bản để có thể tạo ra các sách giáo khoa chất lượng nhất, hiệu quả nhất cho học sinh trong những năm tiếp theo.

Trao quyền chọn sách cho giáo viên, nhà trường

- Hiện có 3 bộ sách giáo chính được phê duyệt với hàng trăm đầu sách. Vậy việc chọn sách trong các nhà trường được thực hiện như thế nào để đảm bảo chọn được sách phù hợp, thưa bà?

Bà Phạm Thị Kim Huệ: Tại Hà Nội và đặc biệt là quận Hoàn Kiếm, việc lựa chọn sách giáo khoa hoàn toàn do nhà trường và chúng tôi đều thực hiện theo đúng quy trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chúng tôi đã lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm các thành viên theo đúng quy định. Hội đồng sẽ lên kế hoạch để tiến hành lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học. Dựa trên kế hoạch, tiêu chí mà hội đồng lựa chọn sách đưa ra, các tổ chuyên môn triển khai cho giáo viên trực tiếp dạy các môn học nghiên cứu sách, viết các biên bản nhận xét, bỏ phiếu để lựa chọn sách mà giáo viên cảm thấy phù hợp với học sinh, giáo viên và nhà trường.

Tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ làm biên bản đầy đủ chữ ký các thành viên trong tổ và gửi lên cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp trường. Hội đồng sẽ họp, công khai việc đánh giá, nhận xét, kết quả chọn từng sách của từng môn học. Trên cơ sở cuộc họp, hiệu trưởng nhà trường thay mặt cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa sẽ gửi toàn bộ các biên bản lên phòng giáo dục. Tất cả các sách mà chúng tôi chọn đều được cấp trên đồng ý. Chúng công khai tất cả những đầu sách đó trên website và fanpage của nhà trường để phụ huynh và học sinh có thể nắm được.

- Theo bà thì việc giáo viên, nhà trường thực sự được lựa chọn sách giáo khoa sẽ có ý nghĩa, tác động như thế nào đối với hiệu quả của việc dạy và học?

Bà Phạm Thị Kim Huệ: Phải khẳng định không ai hiểu học sinh bằng thầy cô. Vì vậy, nhà trường, thầy cô là người hiểu nhất điều gì phù hợp với trường mình, học sinh mình, nên tôi cho rằng tốt nhất là trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các giáo viên, nhà trường. Các cấp quản lý cao hơn sẽ có vai trò giám sát và việc giám sát cũng cần trên cơ sở tôn trọng ý kiến nhà trường.

- Thưa bà, đến thời điểm này, sách giáo khoa mới đã được đưa vào trong nhà trường hết một quy trình, ở tất cả các cấp học. Từ trải nghiệm thực tế cơ sở, bà có những kiến nghị, đề xuất gì để việc xã hội hóa, đa dạng hóa sách giáo khoa sẽ tiếp tục có những bước tiến tốt hơn nữa trong thời gian tới?

Bà Phạm Thị Kim Huệ: Việc đa dạng hóa, xã hội hoá sách giáo khoa đã có tác động tích cực trong việc dạy và học. Các nhà xuất bản đã nỗ lực trong việc hoàn thiện các bộ sách, giảm giá sách. Học sinh được học các bộ sách với chất lượng nội dung tốt, hình ảnh đẹp và giá thành hợp lý hơn.

Có một khó khăn nhỏ là do các trường lựa chọn các bộ sách khác nhau nên nếu học sinh chuyển trường thì các em cũng sẽ phải đổi sách giáo khoa. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều.

Đứng ở góc độ nhà trường, chúng tôi chỉ có mấy ý kiến nhỏ, đó là việc các bộ sách có kết cấu nội dung chương trình giữa các phần kiến thức không đồng nhất. Ví dụ ở môn Toán lớp 7, phần hình không gian có bộ sách học ở tập 1, có bộ sách học ở tập 2. Nếu phụ huynh vì các điều kiện bắt buộc phải chuyển trường cho con giữa năm học thì học sinh sẽ gặp khó khăn khi không học được mảng kiến thức mà các con chưa học ở trường cũ. Đó là điểm chúng tôi mong các nhà biên soạn xem xét để giúp học sinh có những thuận lợi nhất trong quá trình học tập.

-Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]