Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê được các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận định có đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành Di sản văn hóa Thế giới của UNESCO.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các giá trị văn hóa của Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê trên tất cả các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, bằng những hình thức phù hợp, đa dạng, hiệu quả.
Đó là yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng sau chuyến khảo sát Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê và làm việc với Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, tại huyện Thoại Sơn, ngày 20/11.
Sau khi trực tiếp khảo sát thực tế một số điểm, hố khai quật khảo cổ học ở Gò Cây Thị, khu vực xung quanh Chùa Linh Sơn Cổ Tự và làm việc với Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho rằng, thời gian qua, Trung ương, tỉnh An Giang đã rất quan tâm đầu tư, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Óc Eo.
Đặc biệt, An Giang đã phối hợp với các đơn vị có chuyên môn tiến hành khảo cổ, xây dựng cơ sở vật chất, bảo quản các hiện vật, xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê, trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng, tuy đã được Trung ương quan tâm, địa phương triển khai quyết liệt, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc, nếu không tập trung tháo gỡ kịp thời thì việc trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới sẽ không đảm bảo tiến độ đề ra.
Để công việc hoàn thành đúng tiến độ, đạt được kết quả như kỳ vọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo khẩn trương tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê; những khó khăn, vướng mắc gặp phải; có nội dung cụ thể về việc lập hồ sơ đề cử, trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới để Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác xây dựng hồ sơ Khu di tích, trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới để kịp thời chỉ đạo, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo lộ trình thực hiện các nhiệm vụ chi tiết theo từng tháng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập hồ sơ; chuẩn bị trước các bước tiếp theo...
Di tích khảo cổ Óc Eo- Ba Thê Gò Cây Thị, nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã được khai quật và làm mái che nhằm bảo vệ các hiện vật lộ thiên phục vụ khách du lịch tham quan. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về các giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích trên tất cả các kênh truyền thông, nền tảng mạng xã hội, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích đến đông đảo người dân, du khách.
Các địa phương có liên quan quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm tham quan khảo cổ trong Khu di tích nhằm thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương; hướng tới, xây dựng Khu di tích thành khu du lịch văn hóa khảo cổ...
Các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành xây dựng và hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với Óc Eo-Ba Thê trong thời gian tới,” ông Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.
Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ - Việt Nam những năm đầu Công nguyên.
Toàn tỉnh An Giang hiện có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó, Di tích Óc Eo-Ba Thê được xác định có vị trí quan trọng, nơi đây từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam xưa.
Di tích Óc Eo-Ba Thê đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Đặc biệt, di tích này được các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận định có đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành Di sản văn hóa Thế giới của UNESCO.
Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt Hồ sơ Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang cho biết, ngày 4/1/2022, Trung tâm di sản thế giới (UNESCO) đã ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới.
Chúng ta đã hoàn thành hồ sơ giai đoạn 1 và đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 về xây dựng hồ sơ Khu di tích, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 06:17:00
Mức giá kỷ lục thế giới cho bức tranh siêu thực của Rene Magritte
-
2024-11-20 14:41:00
Bồi đắp tình yêu di sản cho thanh, thiếu niên
Tiếp tục duy trì và nâng cao các danh hiệu văn hóa
UNESCO nâng mức bảo vệ cấp cao nhất cho 34 di sản văn hóa ở Liban
Người thầy vĩ đại truyền cảm hứng sống tốt đẹp
Lịch sử ra đời Ngày Quốc tế Đàn ông 19/11
Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy
Báo Trung Quốc ca ngợi nét đẹp văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật múa rối nước
120 tác phẩm mới tham gia Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
Á hậu Bùi Khánh Linh chính thức lên đường tham dự Miss Intercontinental 2024