(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Để phát huy tiềm năng và lợi thế với nhiều bãi biển đẹp, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch biển phát triển, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng sản phẩm du lịch mũi nhọn: Bước đột phá phát triển du lịch xứ Thanh (Bài cuối) Phát huy thế mạnh biển

(VH&ĐS) Để phát huy tiềm năng và lợi thế với nhiều bãi biển đẹp, Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch biển phát triển, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ vùng đất tiềm năng

Trải dài trên 102 km, bờ biển Thanh Hóa có nhiều bãi tắm nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến... trong đó Sầm Sơn là một thương hiệu lớn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thiên nhiên đã ban tặng cho Sầm Sơn bờ biển dài khoảng 9 km, từ cửa Hới (sông Mã) đến Vụng Tiên (Vụng Ngọc) với các bãi biển đẹp như bãi biển nội thị (A,B,C,D), bãi biển Quảng Cư, bãi Lan, bãi Nix, bãi Vụng Tiên. Các bãi biển có đặc điểm chung là rộng, bằng phẳng, độ dốc thoải, cát trắng mịn, không có đá ngầm và nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh... rất phù hợp với tắm và các hoạt động vui chơi giải trí biển. Bên cạnh bãi biển đẹp, Sầm Sơn còn có rừng, có dãy núi Trường Lệ thơ mộng, huyền ảo với thiên tình sử Hòn Trống Mái từ dân gian và những giá trị di tích văn hóa lịch sử quý giá.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch, dịch vụ chiếm 70% trong cơ cấu kinh tế của thị xã, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch ngày càng hoàn thiện, lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn ngày càng tăng. Năm 2016, Sầm Sơn đã đón 4,1 triệu lượt khách. Đây là tín hiệu vui đối với du lịch Sầm Sơn nói riêng, du lịch biển xứ Thanh nói chung.

Sầm Sơn thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Nếu như về với biển Sầm Sơn, du khách được thưởng thức vẻ đẹp hiện đại, được hoà mình với biển cả mênh mông soi bóng dãy Trường Lệ kỳ vĩ thì biển Hải Hoà (huyện Tĩnh Gia); Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá) du khách được thả hồn vào không gian yên bình với bãi biển đẹp nguyên sơ, nước biển trong xanh, sóng biển hiền hòa, bãi cát trắng mịn trải dài xen lẫn những rặng phi lao xanh ngắt lãng mạn và nên thơ. ... Về du lịch biển xứ Thanh, du khách còn được thưởng thức các món đồ hải sản tươi ngon, tận hưởng hương vị mặn mòi của biển, cùng kéo lưới với các ngư dân để đón những mẻ cá đầu tiên của ngày... tất cả tạo nên dư vị nồng nàn của biển.

Phát huy thế mạnh

Có thể thấy, du lịch nghỉ dưỡng truyền thống tại các bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa với các hoạt động chính là tắm biển, thưởng thức hải sản, tham quan sinh thái, văn hóa...đã và đang tạo được dấu ấn riêng cho khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, loại hình nghỉ dưỡng biển cao cấp tại FLC resort Sầm Sơn, với các dịch vụ cao cấp, tích hợp đầy đủ các yếu tố của loại hình nghỉ dưỡng và là sản phẩm có thể bán 4 mùa, đã góp phần giải quyết vấn đề mùa vụ cho du lịch biển.

Quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn góp phần phá vỡ tính mùa vụ du lịch biển.

Trong những năm gần đây, du lịch biển đã đạt nhiều kết quả, đóng góp GDP ngày càng tăng. Năm 2011 tổng thu du lịch biển đạt khoảng 852,7 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên 2.500 tỷ đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2011, chiếm 48,3% tổng thu du lịch Thanh Hoá. Chỉ tính riêng năm 2016, trong khoảng 6,2 triệu lượt khách đến Thanh Hóa, thì nghỉ dưỡng biển đã chiếm tới trên 80% tổng lượng khách và khoảng 85% tổng thu du lịch toàn tỉnh.

Du lịch biển mặc dù đạt được kết quả khả quan trên nhiều phương diện, song phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Sự quá tải vào mùa cao điểm, giá cả dịch vụ tăng không kiểm soát, không có khách vào mùa đông, lượng khách tăng cao song tỷ trọng khách quốc tế, ngày lưu trú và mức chi tiêu bình quân/khách còn thấp... vẫn là những mặt hạn chế chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều của du lịch biển. Công tác quy hoạch quản lý thực hiện quy hoạch còn bất cập, chồng chéo; các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chậm được đầu tư và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; nguồn nhân lực du lịch yếu về cả khả năng giao tiếp và trình độ kỹ thuật phục vụ...

Đến nhiều giải pháp quan trọng

Hiểu rõ hạn chế trong phát triển du lịch biển cũng như nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của du lịch biển đối với sự phát triển kinh tế chung của tỉnh và ngành du lịch nói riêng, những năm qua Thanh Hóa đã vào cuộc quyết liệt nhằm đổi mới môi trường du lịch biển. Trong đó phải kể đến việc tỉnh ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch biển; phát triển thị trường - sản phẩm du lịch biển; tăng cường giao lưu, xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng chiến lược tuyên truyền nhằm phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực...

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa là một trong 5 chương trình KT - XH trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời xác định du lịch biển là sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh. Đây được xem là bước đột phá quan trọng, tạo sức bật mới cho du lịch Thanh Hóa, khẳng định được vị thế của du lịch biển như là đầu máy kéo cả đoàn tàu du lịch Thanh Hóa phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa du lịch biển đảo vào “khung” của sản phẩm mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030 để ưu tiên phát triển, bảo đảm tính đồng bộ, quy mô và đột phá là vô cùng cần thiết. Từ đó, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và hình thành đẳng cấp cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển Thanh Hóa.

Vẻ đẹp biển Hải Tiến.

Để du lịch biển trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, theo Sở VH,TT&DL giải pháp được đặt ra đối với Thanh Hóa chính là việc phát triển hệ thống sản phẩm du lịch mũi nhọn phải được ưu tiên đầu tiên chính là nâng cấp dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi hình ảnh. Đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái tại các bãi biển Tĩnh Gia, Hải Tiến, Vạn Chài, Quảng Cư để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển đồng bộ. Tại các khu vực này phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển tĩnh, khác với khu vực Sầm Sơn về quan điểm, phong cách để tạo ra sự khác biệt nhưng đa dạng và hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển mạnh. Đồng thời phải thay đổi định vị trong thị trường về sản phẩm du lịch biển Thanh Hóa là một điểm đến đẳng cấp, hiện đại, đa dạng, hấp dẫn. Kéo dài mùa kinh doanh bằng các hoạt động trái mùa, kinh doanh du lịch từ tháng 4 đến tháng 12. Cần có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư cho phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn, đặc biệt là khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc phát triển sản phẩm du lịch vui chơi và nghỉ dưỡng biển; liên kết chặt chẽ các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ trong các hoạt động xúc tiến quảng bá để tăng cường khai thác các thị trường khách quốc tế nhất là từ Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan và thậm chí là Myanmar. Cùng với đó, sản phẩm du lịch mũi nhọn - du lịch biển, cần liên kết với sản phẩm du lịch có thế mạnh (du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch sinh thái vườn quốc gia, tìm hiểu di sản) và sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch MICE, lễ hội, sinh thái sống...) cùng phát triển.

Có thể khẳng định, việc phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn là du lịch biển, đảo tại các khu điểm du lịch trọng điểm: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nam Sầm Sơn, Nghi Sơn - Đảo Mê, phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa đón được 8,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt được 248 nghìn lượt khách, phục vụ 17,5 triệu ngày khách; đến năm 2025 đón 14,2 triệu lượt khách, đến năm 2030 đón 22 triệu lượt khách là chiến lược phát triển đúng đắn của tỉnh. Để mục tiêu được hiện thực hóa đòi hỏi phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]