11 năm với hành trình di dân
Nơi ở mới tốt hơn nơi cũ nhưng có thể vẫn còn gì đó để vương vấn, chạnh lòng. Ở nơi đấy, ở bên trong khu tái định cư (TĐC), vui nhiều, buồn cũng vương...
Nhà đẹp, đường thênh thang ở khu TĐC Yên Lai (xã Yên Mỹ, Nông Cống).
Thuộc dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai, nhưng sau 11 năm triển khai, 21 hộ dân trong vùng nguy hiểm ở xóm Đồng Cốc, thôn Yên Nẫm (xã Yên Mỹ, Nông Cống) đã có đơn đề nghị thu hồi đất và xin giao đất TĐC. Kết quả minh chứng cho một hành trình di dân khó nhọc.
Dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lũ tại thôn Yên Nẫm 1, 2, 3 thuộc xã Công Bình (nay là thôn Yên Nẫm, xã Yên Mỹ, Nông Cống) được phê duyệt bởi các Quyết định số 3522, Quyết định số 3549 và sau đó là Quyết định số 4141/QĐ-UBND ngày 25/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, bao gồm 2 hợp phần: Một là di dời khẩn cấp 21 hộ dân khu Đồng Cốc đến khu TĐC tập trung tại thôn Yên Lai. Hai là hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện...). Thời gian thực hiện đến năm 2015 và giao cho UBND huyện Nông Cống là chủ đầu tư.
Từ Phản đối...
Xóm Đồng Cốc, thôn Yên Nẫm, nơi 21 hộ dân sinh sống nằm trong vùng ngập, hạ lưu xả lũ trực tiếp của hệ thống thủy lợi liên hoàn hồ Bòng Bòng và hồ Yên Mỹ. Vào mùa mưa lũ, nhất là khi xả nước hồ, khu vực này thường xuyên bị ngập sâu trong nước (khoảng từ 2 - 3m), ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của các hộ dân.
Mưa lũ, UBND xã Yên Mỹ phải huy động dân quân tự vệ xuống túc trực giúp bà con di chuyển tài sản lên gác, đồng thời sơ tán ông bà già và các cháu nhỏ về nhà văn hóa thôn Yên Nẫm để tránh lũ. Còn học sinh phải nghỉ học dài ngày vì khu vực này chỉ có một con đường độc đạo rộng khoảng 0,7m, không thể đi lại do ngập lụt.
Dù đã ở tuổi 90 nhưng bà Phạm Thị Diễm vẫn còn nguyên ký ức về những cơn lũ quê nhà. Lũ lụt về, nhà chìm trong nước, hoa màu mất trắng... Sinh sống trong lòng hồ Yên Mỹ, người dân thôn Yên Nẫm hiểu rõ những thiệt hại, mất mát. Bà Diễm bùi ngùi nhớ lại: “Còn nhớ trận lũ năm 2013, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng chia sẻ khó khăn với người dân. Đà Nẵng chở gạo ra, Công an tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 1 túi quà vừa tiền mặt vừa dầu ăn, bột ngọt...”.
Thực tế là vậy nhưng khi triển khai “Dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lũ” lại không nhận được sự quan tâm của người dân. Ngay cả khi phê duyệt quyết toán hoàn thành vào năm 2016 (Quyết định số 2035/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh), các hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã được thực hiện thì 21 hộ dân xóm Đồng Cốc vẫn quyết định không di dời đến khu TĐC xứ Đồng Chợ, thôn Yên Lai.
Lý do khiến 21 hộ dân không di dời lên khu TĐC? Lấy gì làm nhà, lấy đất đâu sản xuất, đấy là câu trả lời của các hộ dân lúc bấy giờ. Vì vậy, bà con bàn bạc, thống nhất ở lại. Nhắc lại sự từ chối lên nơi ở mới, bà Phạm Thị Diễm, 90 tuổi, người từng là trưởng thôn Yên Nẫm trong 15 năm, cho biết: “Có đến 70% số hộ rất muốn lên còn lại 30% do có con cái đang đi làm ăn xa nên họ không thể quyết định. Nhưng 70% số hộ dù muốn thì vẫn lưỡng lự, vì kinh tế các hộ lúc đấy rất khó khăn. Ở nơi mới, cũng khó xoay xở. Cho đến năm 2018, nhận thấy việc di dân là cần thiết, nên nhiều hộ đề nghị lên sinh sống ở khu TĐC”.
... đến Đồng thuận
Cũng trong năm 2018, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Cống đã tổ chức cho 21 hộ bốc thăm, nhận đất. Trong năm 2019 đã có 7 hộ làm nhà tại khu TĐC xứ Đồng Chợ, thôn Yên Lai. 14 hộ còn lại vẫn tiếp tục sinh sống ở xóm Đồng Cốc, thôn Yên Nẫm.
Niềm vui trong ngôi nhà mới của bà Phạm Thị Diễm (90 tuổi).
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, khi “Dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai và di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lũ” đã được phê duyệt quyết toán thì vẫn chưa thực hiện việc di dời đối với 21 hộ này. Khi dự án không còn thời hạn thì công tác di dời mới được thực hiện, dẫn đến rất khó trong giải quyết chế độ, chính sách theo thời kỳ của dự án.
Ngày 21/2/2023, UBND xã Yên Mỹ đã có Tờ trình số 04/TTr-UBND gửi UBND huyện Nông Cống về việc đề nghị giải quyết TĐC cho 21 hộ dân xóm Đồng Cốc, thôn Yên Nẫm ra khỏi vùng ngập lụt. UBND huyện Nông Cống đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về nội dung này. Ngày 13/11/2023, UBND tỉnh đã đồng ý cho UBND huyện Nông Cống tiếp tục thực hiện phương án bố trí, sắp xếp để di dời các hộ đến khu TĐC theo tinh thần Công văn số 17127/UBND-NN.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ theo đúng quy định, UBND huyện Nông Cống yêu cầu xã Yên Mỹ tổ chức hội nghị, hướng dẫn 21 hộ làm đơn xin tự nguyện trả lại đất... Chia sẻ vấn đề này, chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, ông Phan Đình Lộc phấn chấn, cho biết: “Không biết đã tổ chức bao cuộc họp với người dân thôn Yên Nẫm về việc di dời. Nhưng ngày 29/5/2024 với chúng tôi là một ngày vui. Tại cuộc họp này, 21 hộ dân đã có đơn đề nghị thu hồi đất và xin giao đất TĐC. Các hộ thống nhất, không yêu cầu bồi thường về đất, vật kiến trúc trên đất, các hộ cam kết dỡ bỏ công trình trên đất và bàn giao đất cho UBND xã quản lý theo đúng quy định”.
Đặc biệt, từ tháng 2 đến tháng 6/2024, trong số 14 hộ còn lại thì đã có 13 hộ di dời lên khu TĐC xây dựng nhà, ổn định cuộc sống. Còn lại 1 hộ sẽ làm nhà trong tháng 8 năm nay.
Về việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ dân xóm Đồng Cốc, thôn Yên Nẫm, xã Yên Mỹ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có ý kiến gửi UBND huyện Nông Cống tại Công văn số 4302/STNMT-CSĐĐ ngày 20/5/2024. Theo đó, UBND huyện Nông Cống có trách nhiệm xác định mức độ bị ảnh hưởng bởi thiên tai; thực hiện quyết định thu hồi đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân xóm Đồng Cốc, thôn Yên Nẫm, xã Yên Mỹ, bảo đảm trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định. Về phía UBND huyện Nông Cống, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Huyện đang làm quy trình để thu hồi đất, sau đấy giao đất TĐC cho các hộ. Dự kiến vào quý IV/2024, huyện sẽ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
11 năm - một hành trình di dân khó nhọc. Trên khu TĐC, nắng ngập tràn, nhà đẹp, đường thênh thang. Trước sân nhà, bà Cúc, ông Bích vừa đan lát vừa rôm rả chuyện trò với ông Sơn, ông Tá... Nói chuyện di dân, ông Bích cười xòa: “Ngày trước, cái khó bó cái khôn. Giờ có khó mấy cũng phải khôn cho được”. Còn ông Sơn không quên dặn: “Chiều mai, mọi người nhớ sang tôi đánh chén”. Ngày mai, ông khánh thành nhà.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Phạm Thành Chung: “Một dự án di dân kéo dài 11 năm mới hoàn thành. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của dự án là bảo đảm cuộc sống cho người dân vùng ngập lụt đã được thực hiện. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, có lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan... Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện và thực hiện thành công cần có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó còn là sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đạt mục tiêu cao nhất là bảo đảm cuộc sống cho người dân...”. |
Bài và ảnh: Anh Hoàng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-07-19 07:00:00
Bản tin Tài chính (19/7): Giá vàng tăng sốc, đồng USD trở lại mốc 104
Làm sao có thể bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Tác phẩm “Đôi bờ giới tuyến (1954-1967)”-Tô đậm khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc
Cảnh giác hiện tượng giả mạo thông báo của cơ quan thuế
Kẹo gạo lức Đức Giang - Món ăn vặt lành mạnh cho sức khoẻ
Bản tin Tài chính ngày 18/7: Giá vàng đạt kỷ lục mới
Huyện Thạch Thành nỗ lực xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP
Bảo vệ và phát triển rừng lim xanh tái sinh tự nhiên
Gặp gỡ “những ngôi sao HTX 2024”
Quan Hóa với phong trào đền ơn đáp nghĩa