“3 không” ở “ốc đảo” Muỗng
Khu dân cư Muỗng ở thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện (Lang Chánh) được ví như “ốc đảo” nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bởi địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp... Bao đời nay, cuộc sống bà con nơi đây luôn quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu...
Giáo viên điểm trường Poọng (Trường Mầm non Giao Thiện) chăm sóc các cháu ở khu dân cư Muỗng đang theo học ở trường.
“Ốc đảo” trên cạn
Dù đã mường tượng ra cung đường sẽ đi, qua lời kể của cán bộ thôn Chiềng Lằn nhưng chúng tôi không nghĩ để vào được khu dân cư Muỗng lại gian nan, vất vả đến vậy. Sau vài tiếng đồng hồ đi bộ, vượt qua những con suối chảy xiết, mọi người trong đoàn mới đến nơi. Khu dân cư Muỗng hiện ra với những ngôi nhà sàn thấp bé, xập xệ nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Muỗng là khu dân cư xa xôi, hẻo lánh và thiếu thốn nhất ở Chiềng Lằn. Nơi đây, không điện, không nước, không đường giao thông. Những sự khó này đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất, học tập. Đặc biệt, do thiếu đất canh tác khiến đời sống của bà con đã khó còn khó hơn... Phần lớn, người dân khu Muỗng sống nhờ vào rừng.
Theo trưởng thôn Chiềng Lằn Lê Văn Hiệu, để có ánh sáng sinh hoạt, các hộ dân chỉ còn cách sử dụng những chiếc tua bin đặt cạnh các khe suối, nhưng không ổn định. Cũng bởi giao thông cách trở, mỗi khi ốm đau hay kiểm tra sức khỏe, bà con phải dậy từ sớm đi bộ gần chục cây số mới ra được trạm y tế xã. Vất vả nhất là vào mùa mưa bão, khi nước sông, suối dâng cao, khu dân cư Muỗng gần như bị cô lập hoàn toàn.
Trưởng thôn Chiềng Lằn Lê Văn Hiệu (ngoài cùng bên trái) trò chuyện cùng người dân akhu dân cư Muỗng.
Trong căn nhà gỗ lụp xụp, anh Lang Văn Dung (SN 1974) đang lúi húi sử dụng tấm bìa cứng bịt các lỗ hổng trong nhà nhằm tránh gió lùa. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn buộc vợ chồng hằng ngày ra suối mò cua, bắt tép, lên rừng hái măng. Điều kiện đi lại vất vả, nên mỗi lần có dịp ra trung tâm xã, anh thường tranh thủ mua thêm những vật dụng thiết yếu về dự trữ. Anh Dung cho biết: “Mỗi lần hết gạo, xe máy không đi lại được, các hộ dân phải gùi lúa hoặc chất đầy trên bao tải đi bộ, lội suối xuống tận trung tâm thôn cách nhà gần 5km mới có máy xay xát...”.
Vượt suối... “nuôi chữ”
Ở nơi tận cùng của sự xa xôi, hẻo lánh, khiến cuộc sống của người dân nơi đây trở nên tách biệt với bên ngoài. Ước mơ trở thành cô giáo, bác sĩ, kỹ sư của những đứa trẻ trở nên xa vợi. Cô Lê Thị Huế, giáo viên điểm trường Poọng (Trường Mầm non Giao Thiện) cho biết: “Do điểm trường lẻ không nằm ở khu Muỗng nên đã có 5 trẻ phải chuyển về điểm trường Poọng để học tập. Điều kiện đường sá đi lại khó khăn, phụ huynh phải dậy sớm đưa con đến lớp. Hoàn cảnh của các gia đình đều nghèo khó nên nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm, tặng quần áo, chăn ấm cho trẻ”.
Người dân khu dân cư Muỗng gùi lúa, lội suối đến trung tâm thôn Chiềng Lằn xát gạo.
Nhiều năm gắn bó với Trường Tiểu học Giao Thiện, hơn ai hết thầy Lê Bá Khương, Phó hiệu trưởng nhà trường luôn hiểu được sự vất vả, khó nhọc trong hành trình tìm con chữ của con em khu Muỗng. Thầy cho biết: “Nhiều em nhà ở xa điểm trường gần 7 cây số, không thể đi buổi trong ngày nên một số phụ huynh đã gửi con cho họ hàng trong thôn Chiềng Lằn. Đặc biệt, vào mùa đông, các con suối trở nên lạnh giá, đường đến trường vất vả hơn nhưng các em vẫn đều đặn đến lớp, chỉ khi mưa bão, nước dâng cao mới phải nghỉ học”. Bà Đinh Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết: “Dự án tái định cư khu Muỗng có tổng mức đầu tư 4,8 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện. Với mong muốn giúp các hộ dân vơi bớt những khó khăn, trước mắt chính quyền địa phương sẽ ưu tiên hỗ trợ cây, con giống, giúp dân cải tạo đất hoang hóa, làm đường dẫn nước tưới tiêu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, triển khai xây dựng các mô hình kinh tế mới vào sản xuất...”
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-12-27 14:50:00
49 trường học được Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN Việt Nam 2024
-
2024-12-26 07:05:00
Đầu tư vào giáo dục trực tuyến giảm mạnh trước sự trỗi dậy của AI
-
2024-12-25 09:56:00
Hội đồng Anh thông báo mở đơn đăng ký Học bổng GREAT năm 2025
Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025
Cập nhật lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ của học sinh các địa phương
Học thêm và câu chuyện người lớn có đang “đánh cắp” tuổi thơ của con trẻ
Có cần thiết cho học sinh dùng điện thoại trên lớp?
Sẽ triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới ở 20 tỉnh, thành phố
Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT: Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Đại học FPT công bố gói học bổng chưa từng có trong mùa tuyển sinh 2025