(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, một trong những dấu ấn đặc sắc góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng xứ Thanh đó chính là văn hóa ẩm thực. Qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, sinh động của người dân, đến nay nhiều món ăn đặc sắc đã góp phần tạo nên sức hút riêng biệt của điểm đến.

Ẩm thực vùng cao góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng xứ Thanh

Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, một trong những dấu ấn đặc sắc góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng xứ Thanh đó chính là văn hóa ẩm thực. Qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, sinh động của người dân, đến nay nhiều món ăn đặc sắc đã góp phần tạo nên sức hút riêng biệt của điểm đến.

Ẩm thực vùng cao góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch cộng đồng xứ ThanhẨm thực tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) được đông đảo du khách yêu thích.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực của đồng bào miền Tây xứ Thanh độc đáo ngay từ chất liệu để làm nên những món ăn ngon, mang đậm bản sắc. Đối với người dân tộc Thái tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), bà con thường sử dụng những nguyên liệu từ tự nhiên hay trên nương rẫy, vườn nhà như: cá suối, vịt thả tự nhiên, ốc núi, măng, rau rừng, gạo nếp nương... kết hợp chế biến với lá cây tạo màu sắc, hạt dổi, hạt mắc khẻn... Nhờ đó, các món ăn ở đây luôn được du khách đánh giá vừa tươi ngon, vừa đảm bảo không có sự pha tạp. Với rất nhiều món ngon, song nét độc đáo trong ẩm thực của đồng bào Thái nơi đây được thể hiện ở một số món đặc trưng như: canh uôi Thái, canh môn, canh măng nấu chua, rau trộn, cơm nếp độn sắn, xôi đồ lá cẩm...

Trưởng bộ phận bếp, khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden Hà Văn Điểm cho biết: Các món ăn đặc trưng của đồng bào Thái rất được lòng du khách, trong đó có cả khách quốc tế. Những món phổ biến như: cá nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc, vịt luộc... được chế biến bằng cách kết hợp với những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, nhờ đó đã tạo nên hương vị đặc trưng, đảm bảo an toàn thực phẩm, để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách.

Có thể nói, ẩm thực của đồng bào Thái tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông có những nét đặc trưng rất riêng, song hương vị và cách chế biến của người dân bản địa phù hợp khẩu vị với đông đảo du khách. Chính vì vậy, đội ngũ nhân viên bộ phận bếp tại các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng và homestay tại đây phần lớn là người dân bản địa. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước Hà Nam Khánh cho biết: “Ẩm thực của đồng bào Thái là một trong những nét văn hóa đặc sắc, cần được khai thác trong hoạt động du lịch cộng đồng của huyện. Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chế biến món ăn cho đội ngũ nhân viên được đặc biệt chú trọng. Cùng với sự chủ động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch cũng đã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, kỹ năng, nghiệp vụ du lịch và kỹ thuật chế biến món ăn cho cộng đồng và đội ngũ quản lý, nhân viên cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi phục vụ du khách. Đến nay, 100% người lao động bộ phận bếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, lưu trú tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đã được đào tạo bài bản”.

Do đặc thù vùng miền và tập quán sinh hoạt, mà cách chế biến món ăn của đồng bào các dân tộc tại bản Năng Cát - thác Ma Hao (Lang Chánh), bản Mạ (Thường Xuân) hay bản Bút (Quan Hóa)... thường chú trọng đến các món nướng, luộc, đồ, nấu canh. Vì thế, trong mâm cơm đãi khách thường có món cơm lam dẻo thơm, xôi đồ, kết hợp cùng với các món như: cá nướng, lợn bản luộc... chấm chẻo - một loại gia vị đặc biệt, tạo nên những nét ẩm thực vô cùng phong phú, đa dạng, thấm đẫm hương vị, màu sắc của núi rừng.

Du khách Phạm Thị Giang (Hà Nội) cho biết: “Một trong những trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến các điểm du lịch miền Tây Thanh Hóa đó là khám phá và thưởng thức ẩm thực của người dân bản địa. Trong đó, món mà chúng tôi yêu thích nhất đó là cơm lam, không chỉ bởi hương vị thơm ngon mà còn gây ấn tượng bởi cách chế biến. Được biết, cơm lam không nấu bằng nồi hay đồ trong chõ mà được nấu trong ống nứa tươi, để có được ống cơm lam ngon là cả một quá trình cầu kỳ từ khâu chọn lọc nguyên liệu. Ngoài ra, các món như thịt lợn bản, gà đồi nướng, vịt luộc... và các loại rau rừng đều rất tươi ngon, phù hợp với khẩu vị của chúng tôi”.

Nếu đã từng đến miền Tây xứ Thanh dù chỉ một lần, được thưởng thức những món ngon đặc sản bên chóe rượu cần thơm nồng, chắc hẳn du khách sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp đời sống văn hóa, tình yêu lao động và tấm lòng thảo thơm hiếu khách của người dân nơi đây. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc trong văn hóa ẩm thực đồng bào các dân tộc thiểu số đã, đang được các địa phương quan tâm, góp phần phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng xứ Thanh mang đậm bản sắc.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]