(vhds.baothanhhoa.vn) - Bằng tình yêu thương, tận tâm với nghề cùng với một tinh thần “thép”, những nữ cán bộ quản lý, y tế ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (xã Hoàng Giang, Nông Cống) đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, nguy hiểm, từng ngày âm thầm chia sẻ, hỗ trợ, điều trị những học viên, giúp họ vượt qua nghiện ngập, làm lại cuộc đời.

“Bà đỡ” của những người nghiện ma túy

Bằng tình yêu thương, tận tâm với nghề cùng với một tinh thần “thép”, những nữ cán bộ quản lý, y tế ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa (xã Hoàng Giang, Nông Cống) đã không quản ngại gian khổ, khó khăn, nguy hiểm, từng ngày âm thầm chia sẻ, hỗ trợ, điều trị những học viên, giúp họ vượt qua nghiện ngập, làm lại cuộc đời.

“Bà đỡ” của những người nghiện ma túy

Những nữ cán bộ y tế Phòng Y tế (Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa) cấp phát thuốc cho các học viên.

Cơn mưa phùn đầu xuân khiến con đường dẫn vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa trở nên lầy lội, trơn trượt. Hai bên đường, hàng quán vắng khách. Qua hai cánh cổng được bảo vệ nghiêm ngặt, bốn bề là những bức tường có rào thép gai cao gần 3 mét bao quanh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một không gian đầy ắp màu sắc của cỏ cây hoa lá. Bên trong khuôn viên là khu vực trồng trọt, chăn nuôi, các khu học nghề, khu nhà ở được bố trí khoa học, chính quy như một doanh trại quân đội, kỷ luật, kỷ cương luôn được siết chặt. Nơi đây là mái nhà chung của gần 700 học viên đang nỗ lực từng ngày để từ bỏ ma túy. Đồng hành với họ là gia đình, xã hội, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ y tế, những chiến sĩ áo trắng thầm lặng, tâm huyết, hy sinh cả lợi ích cá nhân hết mình yêu thương, san sẻ, giúp họ từng bước vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của xã hội để tìm lại đường về cho cuộc đời mình.

Có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, hơn ai hết chị Hoàng Thị Minh, y tá trưởng thuộc Phòng Y tế (Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa) hiểu hết được những gian nan, vất vả, thậm chí nguy hiểm của những nữ cán bộ y tế khi điều trị, phục hồi sức khỏe, chăm sóc học viên cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS... Thời gian đầu nhận nhiệm vụ ở đây, do kinh nghiệm chưa có, cộng thêm phải tiếp xúc, điều trị cho các trường hợp có tiền án, tiền sự, họ thường có thái độ bất cần, không hợp tác, dùng những lời lẽ, hành vi trêu ghẹo, chống đối (la hét, chửi bới, đập phá đồ đạc, cởi quần áo...) phần nào khiến cô y tá trẻ Minh nhiều lần lo lắng, nản lòng. Nhưng rồi, bằng tình yêu thương, tấm lòng chia sẻ, cũng như trách nhiệm, tận tâm đối với nghề, chị đã cảm hóa, điều trị, tư vấn cho nhiều trường hợp tính cách lỳ lợm, ngang tàng; giúp họ có thêm chỗ dựa, niềm tin để làm lại cuộc đời. Chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, chị Minh cho biết: Để làm công việc này, đòi hỏi phải có một tinh thần “thép”. Bởi những học viên chủ yếu là nam giới, nên vừa phải có lời nói, cử chỉ mềm mỏng, vừa cần cứng rắn, nghiêm khắc mới có thể làm tốt việc điều trị, tư vấn...

“Bà đỡ” của những người nghiện ma túy

Cán bộ y tế Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa đồng hành cùng các học viên tăng gia sản xuất.

Chị Trần Thị Hồng, cán bộ Phòng Y tế (Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa), cho biết: Chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện không chỉ đơn thuần là khám bệnh, kê thuốc, mà phải quan tâm cả về môi trường sinh hoạt, động viên tinh thần, giải thích để học viên nắm bắt và tuân theo để cắt cơn, tự nguyện tránh xa ma túy. Cơ sở hiện có 33 cán bộ là nữ, trong đó Phòng Y tế có 7 chị em. Do đặc thù công việc đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, lại bận rộn, vất vả, phải trực đêm thường xuyên, có tháng trực từ 15 – 20 ngày, nên chị em thường không có thời gian nhiều bên gia đình, con cái.

“Trong những năm qua, bên cạnh việc làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại, tổ chức chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khỏe, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; thông tin, giáo dục, truyền thông và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa còn thực hiện tổ chức dạy văn hóa, xóa mù, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn... cho đối tượng, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi đảm bảo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Để làm tốt điều này, đội ngũ cán bộ của đơn vị đã nỗ lực hết mình, trong đó không thể không nhắc đến những “bóng hồng” - họ là những cán bộ y tế gắn bó cả tuổi thanh xuân để giúp các học viên có thể cai nghiện thành công, sớm quay về hòa nhập với cộng đồng...”, ông Trần Văn Đức, Phó Giám đốc phụ trách Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa cho biết.

Không ngoa khi nói rằng, những nữ cán bộ quản lý, y tế ở Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, họ vừa đóng vai trò là người con, người vợ, người mẹ, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với những số phận lầm đường lạc lối.

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]