(vhds.baothanhhoa.vn) - Bản Năng Cát, thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) được đánh giá là địa danh có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.

Bản Năng Cát, thác Ma Hao: Bao giờ như kỳ vọng?

Bản Năng Cát, thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) được đánh giá là địa danh có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác, đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.

Bản Năng Cát, thác Ma Hao: Bao giờ như kỳ vọng?Ma Hao là một trong những thác đẹp, nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác phát triển du lịch một cách xứng tầm.

Tiềm năng, lợi thế

Nằm dưới chân núi Chí Linh, cách thị trấn Lang Chánh trên 15km, bản Năng Cát được ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên hữu tình. Đến bản Năng Cát, du khách được hòa mình vào cuộc sống bản địa của người dân với những ngôi nhà sàn cổ, cùng các lễ hội, trò chơi, trò diễn và không thể thiếu là ẩm thực đặc trưng của người dân vùng cao...

Cũng tại nơi đây, còn có thác Ma Hao kỳ vĩ với vẻ đẹp tự nhiên bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh với độ cao hơn 1.000m, nơi được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh gắn liền với giá trị lịch sử hào hùng về chống giặc ngoại xâm của Anh hùng dân tộc Lê Lợi... Những tiềm năng, lợi thế ấy đã và đang tạo tiền đề, diện mạo cho vùng sơn cước Trí Nang có cơ hội vươn mình, phát triển du lịch.

Chủ tịch UBND xã Trí Nang Vi Văn Thu cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng là loại hình đang được nhiều địa phương áp dụng, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương, mà nếu khai thác hiệu quả còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên... Xác định điều đó, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đưa ra những giải pháp, cách làm để gìn giữ và phát huy, đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch đến với du khách. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển du lịch của địa phương vẫn còn chậm, chưa đem lại cho người dân nguồn thu nhập chính. Hạ tầng du lịch chưa được đầu tư tương xứng; cả xã mới chỉ có 13 hộ làm homestay, các dịch vụ du lịch ăn uống, nghỉ dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu của khách lưu trú...

Chậm đầu tư...

Từ năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tuyến du lịch cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao. Đây được xem là cơ hội để đem đến diện mạo mới về cơ sở hạ tầng du lịch; tạo nhiều cơ hội việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân. Kỳ vọng đó tiếp tục được khẳng định khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2120/QĐ-UBND ngày 9/6/2020 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao tại xã Trí Nang, huyện Lang Chánh của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Ma Hao. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 113,4 tỷ đồng, trên diện tích 17,4ha. Trong đó, khu thác Ma Hao có diện tích 3,1ha; khu bản Năng Cát 14,3ha, được quy hoạch các công trình như khu dịch vụ nhà hàng, khu thương mại cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí - cắm trại, khu sinh hoạt văn hóa... dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2023.

Lộ trình rõ ràng là vậy, nhưng đến nay việc triển khai dự án vẫn ì ạch. Tìm hiểu từ phía chủ đầu tư dự án được biết, trong quá trình triển khai dự án đơn vị đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, công tác giải phóng mặt bằng khu vực thác Ma Hao có liên quan đến hơn 10 hộ dân sinh sống. Đây là những hộ đã cư trú từ khi triển khai thực hiện Dự án phát triển rừng 327 của Chính phủ, đến nay các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, việc áp dụng các chính sách bồi thường, di dời hoặc tái định cư là rất khó khăn. Trong khi, mặt bằng quy hoạch của dự án được tỉnh phê duyệt không có hạng mục về quỹ đất ở để bố trí tái định cư. Vì vậy, đơn vị đang tích cực phối hợp với UBND huyện Lang Chánh, UBND xã Trí Nang từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ xin UBND tỉnh giao đất đợt 1 để thực hiện dự án.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]