(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 13 năm nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Thanh Hóa đã trở thành đơn vị nằm trong tốp đầu về XDNTM. Đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Sau 13 năm nỗ lực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Thanh Hóa đã trở thành đơn vị nằm trong tốp đầu về XDNTM. Đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mớiNét đẹp văn hóa trò Xuân Phả (Thọ Xuân) được bảo tồn và phát huy trong XDNTM.

Thanh Hóa là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, cũng là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Toàn tỉnh có hơn 1.530 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có gần 1.000 di tích được xếp hạng. Có 1 di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 697 di tích cấp tỉnh. Cùng với giá trị văn hóa vật thể, Thanh Hóa còn bảo lưu kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú. Tiêu biểu là các lễ hội truyền thống với nhiều loại hình: lễ hội dân gian, lịch sử cách mạng, văn hóa, thể thao và du lịch, tôn giáo… được tổ chức thường xuyên hàng năm và trở thành nét văn hóa đặc trưng của quê hương xứ Thanh. Ngoài ra ở từng làng quê trong tỉnh còn lưu giữ rất nhiều phong tục, tập quán, các trò chơi, trò diễn dân gian, các làng nghề truyền thống và nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Xác định văn hóa giữ vai trò quan trọng, là mục tiêu và động lực của sự phát triển, vì thế trong quá trình XDNTM ngành văn hóa luôn tích cực tham mưu thực hiện có hiệu quả các tiêu chí văn hóa NTM. Nhờ đó đã bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, ở lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể đều đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể: Tham mưu trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đối với các di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh; Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đền thờ Bà Triệu; Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn; Di tích quốc gia đặc biệt Hang Con Moong; và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 7 bảo vật quốc gia, gồm: Lam Sơn Vĩnh Lăng bi, Khôn Nguyên Chí Đức Chi bi, Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi, Đại Việt Lam Sơn Du Lăng bi (thuộc Khu Di tích Lịch sử Lam Kinh); Kiếm ngắn núi Nưa… Thực hiện kiểm kê di tích trên địa bàn 27 huyện, thị xã, thành phố; khai quật khảo cổ tại các di tích: Hang Con Moong; Thành Nhà Hồ, Đàn Nam Giao, Di chỉ văn hóa Đông Sơn thuộc Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Cồn Cổ Ngựa, di chỉ Hoa Lộc, đền thờ Trần Khát Chân… Việc lập hồ sơ khoa học di tích đề nghị xếp hạng các cấp đã đi vào nền nếp, chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của Luật Di sản văn hóa; công tác đầu tư tu bổ chống xuống cấp, phục hồi và tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh, đạt được những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi. Phần lớn các di tích được trùng tu, tôn tạo theo đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định. Nguồn kinh phí bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được quan tâm đầu tư, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh. Những di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo đã trở thành sản phẩm văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ tốt cho đời sống tâm linh, thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, làm cho diện mạo quê hương, nông thôn ngày thêm đổi mới.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được làm thường xuyên, liên tục. Do đó đã phát huy được giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Trò Xuân Phả (Thọ Xuân); lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc); lễ hội Trò Chiềng (Yên Định), Ngũ trò Viên Khê (Đông Sơn), lễ hội đền Độc Cước (Sầm Sơn)… Bên cạnh đó còn tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội: Lam Kinh, Quang Trung, phủ Na, Bà Triệu, đền Độc Cước, Lê Hoàn… thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Các lễ hội và hoạt động tín ngưỡng diễn ra tại các địa phương đảm bảo các quy định, phù hợp với truyền thống văn hóa, các lễ hội có quy mô lớn đến nhỏ trong phạm vi làng, xã. Nhiều địa phương đã khôi phục các trò chơi, trò diễn dân gian, hát múa cổ truyền, các môn thể thao truyền thống như: bơi chải, đánh vật, bắn nỏ… tạo nên sự đa dạng, phong phú trong hoạt động lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp trong XDNTM.

Bài và ảnh: Đức Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]