(vhds.baothanhhoa.vn) - Những chuyến đò ngang được người dân một số xã ở huyện Nga Sơn sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu đi lại, giao thương, buôn bán hàng hóa. Vì vậy, việc đảm bảo bình yên cho những chuyến đò này luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Bình yên những chuyến đò khách ngang sông ở Nga Sơn

Những chuyến đò ngang được người dân một số xã ở huyện Nga Sơn sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu đi lại, giao thương, buôn bán hàng hóa. Vì vậy, việc đảm bảo bình yên cho những chuyến đò này luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Bình yên những chuyến đò khách ngang sông ở Nga SơnTại các bến đò khách ngang sông, chủ phương tiện và hành khách đều tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thủy.

Nga Sơn có 3 tuyến sông, kênh đi qua với tổng chiều dài 55km, gồm: Sông Hoạt (từ ngã ba Báo Văn đến ngã ba Chính Đại, chiều dài 25km và nối tiếp với kênh Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); sông Lèn (từ ngã ba Báo Văn đến cửa Lạch Sung, chiều dài 15km); sông Càn (từ ngã ba Chính Đại đến cửa sông Càn, chiều dài 15km). Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều sông, kênh nhỏ phục vụ cho nông nghiệp và phòng chống lụt bão, cùng với 7 bến khách ngang sông đang hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương và người dân các huyện: Kim Sơn, Yên Mô (Ninh Bình). Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, huyện Nga Sơn tiếp tục chỉ đạo chính quyền các xã có bến khách hoạt động tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Đối với các chủ phương tiện cần mua sắm các trang thiết bị phao cứu hộ, cứu nạn, đầu tư nâng cấp, sửa chữa phương tiện của mình...

Cách trở bởi dòng sông Càn, nên hằng ngày người dân 2 xã Nga Tiến (Nga Sơn) và Kim Hải (Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đi lại, giao thương, buôn bán chủ yếu qua bến đò Mộng Giường 2 (Nga Tiến). Bến đò đi vào hoạt động từ năm 2015, ước tính trung bình cứ 15 phút một chuyến, mỗi ngày có hàng trăm lượt người, phương tiện lưu thông qua đây. Anh Trần Văn Hóa, chủ phương tiện chở khách bến đò Mộng Giường 2 cho biết: Hàng năm, đã xây dựng các phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của hành khách, như: mua sắm thêm hệ thống phao cứu hộ, cứu nạn, hệ thống đường dẫn lên xuống đò kiên cố, giúp cho hành khách lên xuống an toàn, thuận tiện, bố trí nhà chờ cho khách, thực hiện niêm yết nội quy, giá vé theo quy định.

Chị Đinh Thị Hiền (xã Kim Hải, huyện Kim Sơn) một tiểu thương buôn bán hải sản cho biết: Hằng ngày, chị đi qua đoạn sông này hai lần, để sang xã Nga Tiến và một số xã của huyện Nga Sơn bắt buộc phải đi qua bến khách Mộng Giường 2 qua dòng sông Càn. Những năm trước, bến khách chỉ có xe đạp, xe máy mới lưu thông được vì đò quá nhỏ, lại không an toàn, nhất là vào mùa mưa, ít người đi lại. Sau nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, ô tô có thể đi qua được. Hàng năm, chủ phương tiện cũng trang cấp thêm nhiều vật dụng như phao cứu hộ, cứu hộ, cứu nạn để phục vụ hành khách, cũng như chở đúng số người theo quy định, nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Nhờ vậy, người dân luôn yên tâm mỗi lần qua đây.

Bình yên những chuyến đò khách ngang sông ở Nga SơnBến đò Mộng Giường 2 là tuyến giao thông quan trọng nối liền 2 xã Nga Tiến (Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và xã Kim Hải (Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Theo ông Mai Sỹ Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nga Tiến: Đối với người lái đò khi hoạt động trên sông phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định, tuyệt đối không chở hành khách không chấp hành việc mặc áo phao hoặc không sử dụng dụng cụ nổi theo chỉ dẫn. Bản thân các chủ bến đò cũng phải luôn ý thức chấp hành quy định bảo đảm an toàn giao thông, mọi giấy phép hoạt động bến đều đầy đủ, phương tiện được đăng kiểm đúng quy định, đúng thời hạn. Hàng năm, địa phương cũng thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra điều kiện hoạt động của bến đò khách, tổ chức cho chủ bến và chủ phương tiện chở khách ngang sông ký cam kết, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đặc biệt, khi thời tiết xấu, nhiều sương mù, sóng to, gió lớn, dòng chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thì yêu cầu chủ bến đò tạm dừng việc vận tải hành khách cho đến khi thời tiết trở lại bình thường.

Bến đò Gảnh (Nga Thủy) hoạt động từ lâu, với công suất tối đa từ 20 - 25 người/chuyến, phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân một số xã ven biển của huyện Nga Sơn và các xã Đa Lộc, Ngư Lộc (Hậu Lộc). Theo ông Ngô Văn Cường, Phó Chủ tịch xã Nga Thủy khẳng định: Địa phương thường xuyên phân công lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở và rà soát, kiểm tra hoạt động tại bến đò trên địa bàn, nhắc nhở các chủ đò kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, trang bị đầy đủ phao cho hành khách lên đò; nghiêm cấm các đò hoạt động khi có bão lũ. Dự kiến, trong tháng 6 này, nếu thông xe cầu đập thủy lợi bắc qua sông Lèn, bến đò sẽ dừng hoạt động, người dân đi lại đỡ vất vả, nguy hiểm hơn.

Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nga Sơn cho biết: Qua kiểm tra các chủ bến đò khách cơ bản đảm bảo nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, góp phần bảo đảm an toàn trong quá trình đưa đón khách. Bước vào mùa mưa bão năm 2024, Ban An toàn giao thông huyện đã phối hợp lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro tai nạn giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời các trường hợp hoạt động nhưng không có đăng ký, đăng kiểm, trang bị dụng cụ nổi cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn phù hợp...

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]