Bình yên xanh
Hơn 25 năm gắn bó với nghề báo, tôi có cơ duyên được đặt chân đến nhiều vùng miền của Tổ quốc. Và trong dằng dặc những chuyến đi từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng đến khu vực miền núi xa xôi hiểm trở, với vô vàn kỷ niệm sâu sắc, một trong những chuyến đi để lại dấu ấn sâu nặng nhất đối với tôi, đó chính là hải trình đến với quần đảo Trường Sa thân yêu. Nhắc đến Trường Sa tôi rất ấn tượng với sự liên tưởng sâu sắc của nhạc sĩ Hình Phước Long trong ca khúc “Không xa đâu Trường Sa ơi”, khi ông dùng hình ảnh “đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật” để mô tả về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tác giả tại vườn rau trên đảo Cô Lin.
Năm 2010, được sự tạo điều kiện của Tổng cục Chính trị và Quân chủng Hải quân, lần đầu tiên tôi tham gia đoàn báo chí ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa. Gần 15 năm sau, tôi có cơ duyên trở lại Trường Sa lần thứ hai. Hai chuyến đi cách nhau một quãng thời gian đủ dài giúp tôi trong lần trở lại có điều kiện quan sát, chứng kiến những sự đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió. Chuyến đi này, tôi tình cờ gặp lại Đinh Văn Bẩy tại đảo Sinh Tồn. Trước đó, năm 2010 Bẩy làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa lớn. Thời gian đã khắc lên khuôn mặt rắn rỏi, sạm nắng sạm gió của Bẩy thêm nhiều nếp nhăn, nhưng sự hồ hởi, lạc quan yêu đời vẫn vẹn nguyên trong trái tim đầy nhiệt huyết của người lính ấy. Gặp lại người quen cũ, cả tôi và Bẩy đều bất ngờ. Vì cuộc đời người lính biển quanh năm làm bạn với sóng, với gió, hơn nữa do yêu cầu của nhiệm vụ nên nay đảo này, mai đảo khác. Hàng năm đều có nhiều đoàn công tác ra thăm và làm việc tại các đảo, vậy mà giữa biết bao nhiêu con người chưa kịp quen mặt, nhớ tên, chúng tôi lại có thể gặp lại nhau, thật là duyên kỳ ngộ.
Bẩy nhanh nhẩu lấy xe đạp đưa tôi đi tham quan đảo Sinh Tồn, tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi trong lúc đoàn công tác còn lưu lại đây. Giữa tiết trời tháng Năm nắng rực rỡ, chúng tôi đi giữa bóng mát của những hàng phi lao, phong ba, tra, bàng vuông,... xanh rợp, cảm nhận rất rõ vị mặn mòi của biển trong từng làn gió thổi qua. Bẩy khoe với tôi luống rau của đơn vị tươi non mơn mởn, được che chắn kỹ càng như trong vườn thí nghiệm của một viện nghiên cứu nào đó. Dù không phải là lần đầu tiên ra với Trường Sa, nhưng tôi vẫn chưa khi nào hết ngạc nhiên trước sức sống của những loài cây đang sinh sôi nảy nở trên miền đất cằn sỏi đá khắc nghiệt này. Đành rằng những giống cây như bàng vuông, phong ba,... vốn sinh ra để chống chọi với thử thách khắc nghiệt nơi đây, thế nhưng ngay cả những loại cây dường như chỉ có thể sinh sống được ở trong đất liền như rau muống, rau ngót, rau đay, cà chua, dọc mùng,... cũng đang sinh trưởng rất khỏe khoắn trong những ô đất khiêm tốn từ đất liền chở ra, với lượng nước ngọt dùng để tưới luôn khan hiếm. Tôi ngắm nhìn say sưa những giàn bầu, giàn mướp sai trĩu quả, chạm tay vào những lá mồng tơi to như chiếc đĩa cỡ đại mà ngay ở trong đất liền tôi cũng hiếm khi bắt gặp. Điều gì đã tạo lên sự kỳ diệu này? Tôi tin rằng chính sự tận tâm chăm sóc, tình yêu và niềm hy vọng của những người lính biển đã tiếp thêm nguồn sống mãnh liệt để những mầm xanh trỗi mình vươn dậy.
Sau những ngày dài lênh đênh trên biển, miên man trôi giữa màu xanh bất tận của trời, của sóng nước trùng khơi, rồi ngay khi rời tàu, tôi tiếp tục được hòa mình vào màu xanh – biểu hiện sinh động của sự sống sinh sôi trên các đảo và các nhà giàn. Nhờ vậy tôi có cảm giác như được trở về nhà, được đi giữa những vườn cây trái của bà, của mẹ. Một cảm giác vô cùng bình yên ngay giữa biển khơi trập trùng, cách đất liền tới 250 hải lý.
Từ bé cho đến khi trưởng thành, tôi vốn dè dặt với sông nước, một phần cũng bởi không biết bơi. Nhưng cảm giác bất định giữa vùng nước rộng mới thực sự khiến tôi dễ mất tinh thần. Năm 2010 trong chuyến công tác tại Trường Sa lần thứ nhất, tôi đã nằm bẹp nguyên nửa ngày trên giường vì cơn say sóng không thể cưỡng lại nổi. Tôi hình dung biển như một hố đen đang chực chờ nuốt gọn tôi vào tận đáy sâu. Trong lúc cơ thể choáng váng nôn nao, đầu óc hỗn độn không phân biệt được ngày và đêm, đã có lúc tôi ngỡ mình như đang tan rữa, biến thành muôn ngàn bọt nước hòa trong tiếng biển ầm ì. Vậy mà thật kỳ lạ, ngày hôm sau, dù dư âm trận say sóng vẫn khiến tôi váng vất, nhưng khi chân vừa chạm vào mặt đất, lưng tựa vào gốc cây phong ba trên đảo Trường Sa lớn, tôi thấy mình như thể vừa hồi sinh.
Tác giả chụp ảnh cùng các em bé ở đảo Sinh Tồn.
Sau hơn một thập kỷ trở lại miền nắng gió Trường Sa, tôi ngỡ ngàng, reo vui trước màu xanh bạt ngàn phủ rợp các đảo. Nhìn từ xa, nếu không biết trước, tôi và nhiều người hẳn sẽ nhầm vùng đất tươi xanh thấp thoáng hiện ra phía trước mũi tàu là một vùng quê trù phú nào đó ở trên đất liền. Đón chúng tôi là tiếng trẻ nô đùa rộn rã dưới những tán cây râm mát. Tiếng đàn, tiếng hát của chiến sĩ làm xôn xao một khoảng trời xanh trong lành. Cảm giác bình yên bao bọc lấy tâm trí tôi, khiến tôi vừa hân hoan, vừa nghẹn ngào. Tôi nhìn vào màu xanh của áo lính, màu xanh của cây lá, cảm nhận thật rõ sức sống mãnh liệt nơi đây. Và tôi thấm thía một điều: những người lính không chỉ nuôi hy vọng cho những mầm cây nhỏ bé để ngày ngày làm bầu bạn cho vơi nỗi nhớ nhà, hơn thế, họ đã cùng nhau, tạo nên bước tường thành vững chãi, kết nên một bình yên xanh cho Tổ quốc từ nơi “sóng cuồng bão giật”.
Trong chuyến đi Trường Sa lần thứ hai, đoàn của chúng tôi có cựu chiến binh Trần Văn Lịch (sinh năm 1960) hiện đang sống tại xã Hải Phú, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông kể: Tháng 10/1984, sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân, ông chính thức nhận nhiệm vụ tại Hải đội 413 thuộc Vùng 4 Hải quân với chức danh Chính trị viên, Bí thư Chi bộ của tàu HQ616. Khi đó tàu HQ616 có nhiệm vụ vận tải phục vụ quần đảo Trường Sa nên ông rất hiểu những khó khăn, thiếu thốn của những người đồng đội làm nhiệm vụ tại đây. Đơn giản như việc cung cấp nước ngọt cho đảo được chuyển từ đất liền ra và một phần từ nước mưa bộ đội ta hứng được tại chỗ. Tuy nhiên do chưa xây được bể chứa đủ lớn nên bộ đội ta phải dùng hết sức dè sẻn. Mỗi người một ngày chỉ được 3 - 4 lít nước nên bộ đội đành phải tắm bằng nước biển và lau qua người bằng nước ngọt. Cả việc rửa rau, vo gạo cũng đều sử dụng nước biển. Giờ đây, chứng kiến sự thay da đổi thịt thần kỳ trên quần đảo Trường Sa, ngắm nhìn những ngôi nhà kiên cố, những lớp học khang trang vững chãi trước bão táp phong ba, nghe tiếng chuông chùa vang vọng, đi giữa những vườn rau xanh bất chấp gió muối và cát mặn, nghe tiếng trẻ thơ ríu rít nô đùa trên đảo,... ông Lịch rưng rưng xúc động. Sự sống đã sinh sôi trên mảnh đất nhọc nhằn, gian khó. Và những người đồng đội thế hệ sau của ông ở quần đảo Trường Sa tiếp tục nắm chắc tay súng, giữ vững tấc đất, biển trời quê hương.
"Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc!”
Khoảnh khắc chia tay Trường Sa, trong tiếng hô vang vọng của quân và dân trên đảo khiến cả đoàn công tác ai cũng nghẹn ngào, trào nước mắt.
Tạm biệt Trường Sa, trở về đất liền, tôi giữ vẹn nguyên trong mình một “bình yên xanh” - vừa gần gũi vừa thiêng liêng từ những người lính đảo. Và thấy lòng mình tràn đầy tình yêu và niềm hy vọng...
Tùy bút của Phong Điệp
{name} - {time}
-
2025-02-03 10:31:00
Du lịch Việt Nam bùng nổ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán dài 9 ngày
-
2025-02-03 08:33:00
Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
-
2025-02-02 09:26:00
Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu tác phẩm kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Các trò chơi dân gian được yêu thích trong dịp Tết
Nhân Tết Ất Tỵ, tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước châu Á
Đón Năm Mới theo lịch dương, người Nhật sẽ làm gì trong dịp Tết âm lịch?
Điểm lại những năm Tỵ đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam
Tết truyền thống trong quan niệm của người Việt trẻ
Hóa vàng đúng cách và những điều kiêng kỵ
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025
[WOW! THANH HOÁ] Lưu giữ hồn hương đất Việt
Ngày Xuân, xem trò Xuân Phả của người dân xứ Thanh