(vhds.baothanhhoa.vn) - Với bạn, bốn nghìn đồng có thể mua được gì trong thời “bão giá” này? Vậy nhưng, có những người phụ nữ thậm chí còn không dám tiêu cho bản thân mình đến bốn nghìn đồng. Và tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện.

Chiếc bánh mỳ… bốn nghìn đồng

Với bạn, bốn nghìn đồng có thể mua được gì trong thời “bão giá” này? Vậy nhưng, có những người phụ nữ thậm chí còn không dám tiêu cho bản thân mình đến bốn nghìn đồng. Và tôi muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện.

Chiếc bánh mỳ… bốn nghìn đồng

Không hiếm những người phụ nữ cả một đời tảo tần vất vả vẫn chưa một lần dám sống cho riêng mình. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Quê tôi, một xã thuần nông ven sông, thương mại, dịch vụ chỉ mới ở mức cơ bản, chưa thể gọi là phát triển. Cả xã chỉ có duy nhất cửa hàng tạp hóa to có bán đủ thứ từ cái tăm, chai dầu ăn, bánh kẹo cho tới quạt hơi nước... Vì thế nên cửa hàng ấy ví như “siêu thị” của không ít bà, mẹ chưa một lần ra phố thị mua sắm.

Không chỉ cửa hàng ấy, chợ quê tôi cũng họp theo lối riêng. Mùa này, 5 giờ sáng đã bắt đầu họp và chỉ khoảng 7 giờ đã vãn người. Người ta đi chợ tranh thủ để còn về lo chuyện đồng áng, đi làm ở công ty… Vì thế hôm nào có ý định lên chợ mua thức ăn cho gia đình, tôi cũng phải thấp thỏm hẹn giờ dậy thật sớm. Bù lại, tôi có thể mua những mớ tôm, cá sông tươi ngon nhảy tanh tách hay vài dúm dổi, nải chuối của nhà nào đó ăn không hết mang đi bán. Nói chung, kinh tế tự cung tự cấp của người dân quê tôi vẫn còn khá rõ.

Hôm đó vừa ra khỏi chợ thì trời đổ mưa rào. Sẵn tiện, tôi rẽ vào cửa hàng tạp hóa to nhất xã mua ít đồ lặt vặt. Vừa hay khi đó, một đoàn tầm 5 người là các bà tầm tuổi mẹ tôi cũng tạt xe đạp vào cửa hàng.

- Trời lại mưa rồi. Mưa thế này thì không đi làm được đâu… Thôi rẽ vào đây xem có gì hay hay để mua không các bà nhỉ. Dễ chừng từ tết đến nay tôi mới vào đây đấy.

- Các bác muốn mua gì ạ? Con gái chủ cửa hàng cất tiếng.

- Ừ thì để các bà “tham quan” xem cần mua gì đã

- Cháu ơi, lấy cho bác cân gạo nếp, thêm 5 lạng đậu xanh nữa, mưa thế này về nấu nồi xôi. Một bà cất tiếng.

- Dầu ăn này bao tiền một chai hả cháu? Ái chà, tận 65 nghìn cơ à, đắt quá! Lại tiếng một người khác.

- Cháu ơi bánh mỳ này bao tiền một cái, ăn có ngon không? Tiếng một người khác cất lên, giọng khá nhỏ.

- Bốn nghìn một cái bà ơi. Bánh này ở giữa có lớp kem ăn ngon lắm, con gái chủ cửa hàng trả lời.

“Thời buổi bão giá này, có bốn nghìn một cái bánh mì, lại qua bao nhiêu khâu mà đòi ngon lắm, rõ thật là khen lấy được để bán hàng mà…”. Là tôi nghĩ như vậy chứ cũng không lên tiếng.

- Người ta bảo ngon rồi đấy, bà mua lấy một cái mà ăn, tiếng một bà cùng đoàn cất lên.

Lúc này, tôi mới nhìn sang người đàn bà với chiếc bánh mỳ trên tay. Bà cầm chần chừ, đặt xuống bảo không mua nữa. Rồi bà lại nói lẩm bẩm: “Thôi, để về nhà ăn bát cơm cho chắc bụng”. Và sau câu nói của bà, tôi bắt gặp ánh mắt người bán hàng liếc xéo. Cảm xúc lúc đó có gì đó thực sự rất khó diễn giải. Vừa cảm thông, vừa thương và cả buồn.

Tôi không nghĩ người phụ nữ đáng tuổi mẹ mình ấy không có đủ tiền để mua một chiếc bánh mỳ chỉ bốn nghìn đồng. Có thể người đàn bà thôn quê lam lũ ấy không có thói quen sẵn sàng mua cho mình đến một chiếc bánh mỳ ăn sáng chăng. Nhưng cũng có thể, người đàn bà ấy thực sự… nghèo đến vậy. Có thể lắm chứ. Trong thời kỳ bão giá, cái gì cũng cần đến tiền, ra khỏi nhà là mất tiền thì việc không có nguồn thu nhập gì ngoài vài sào ruộng thật dễ khiến người ta phải căn cơ đến từng đồng. Nếu là như vậy…

Tôi rời cửa hàng sau khi nhét chiếc bánh mỳ vào tay người đàn bà ấy kèm câu nói: “Cô ơi, cháu quên mất là hôm qua mới mua bánh còn chưa ăn, hôm nay lại lỡ mua tiếp, cô ăn hộ cháu nhé”.

Tôi không biết mình làm như vậy liệu có đúng không. Bởi nếu người ta nghĩ rằng tôi đang thương hại họ thì sao? Thực sự không phải như vậy. Lúc ấy chỉ nghĩ đơn giản, người đàn bà ấy đáng tuổi mẹ mình - những người mẹ dành cả cuộc đời với những tằn tiện, chắt chiu cho con cái…

Trở về nhà, tôi lại lẩm bẩm hỏi chồng: “Theo anh, bốn nghìn đồng người ta có thể mua được gì… mà phải tiết kiệm đến như thế”!

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]