(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc kỷ luật học sinh đánh nhau bằng cách đọc sách đạo đức ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) trong thời gian gần đây đã gây sự chú ý của dư luận.

Đọc sách đạo đức, một hình thức kỷ luật tích cực?

Việc kỷ luật học sinh đánh nhau bằng cách đọc sách đạo đức ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) trong thời gian gần đây đã gây sự chú ý của dư luận.

Đọc sách đạo đức, một hình thức kỷ luật tích cực?

Hình thức kỷ luật này bắt đầu từ vụ việc, khi một số học sinh nữ của nhà trường đánh nhau trong nhà vệ sinh. Vị lãnh đạo của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Nhà trường không đình chỉ việc học tập của học sinh bởi đây là hình thức không được dư luận đồng tình, các chuyên gia giáo dục cũng không khuyến khích. Theo đó, nhà trường sẽ đưa hình thức xử lý bằng cách định hướng cho học sinh đọc sách đạo đức tại thư viện nhà trường.

Thực chất đây không phải là hình thức xử lý mới, bởi từ nhiều năm trước đã có trường áp dụng hình thức xử lý học sinh vi phạm nội quy bằng việc đọc sách và viết bài thu hoạch. Theo đó, đối với học sinh vi phạm nội quy, nhà trường yêu cầu lên thư viện vào chiều thứ 7 hàng tuần, tự chọn sách để đọc trong thời gian quy định dưới sự giám sát của thủ thư. Khi kết thúc giờ đọc, các em viết cảm nhận của mình về những gì đã tiếp thu từ cuốn sách, nhân viên thư viện tiến hành kiểm tra bài thu hoạch. Nếu không đạt yêu cầu học sinh phải thực hiện hình thức xử lý kỷ luật khác.

Nói về hình thức kỷ luật, đặc biệt với những trường hợp liên quan đến bạo lực học đường, tôi nhớ cách đây 3 năm, khi chúng tôi về Trường THPT Quảng Xương 4 (huyện Quảng Xương) thời điểm xảy ra vụ việc nữ sinh bị bạn dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu và bắt quỳ xin lỗi. Sau sự việc, nhà trường đã triệu tập học sinh để làm bản tường trình, xác định nguyên nhân, diễn biến vụ việc và mời phụ huynh đến làm việc. Thầy hiệu trưởng khi ấy nói: Nếu kỷ luật các em bằng hình thức cho nghỉ học thì các em lại mừng quá. Vì thế, chúng tôi yêu cầu em vẫn đến trường, ở phòng giám hiệu chép lại bài học.

Quay trở lại vụ việc ở Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), đó là đã đưa ra hình thức kỷ luật: hạ hạnh kiểm đối với học sinh đánh nhau đồng thời yêu cầu học sinh đọc sách đạo đức trong giờ ra chơi hai tuần thay vì đình chỉ học tập. Tất nhiên việc đọc sách có sự giám sát của thầy, cô giáo trong trường. Sau đó, học sinh sẽ ghi lại cảm nhận của bản thân về từng cuốn sách mà mình đã đọc. Sau hai tuần đọc sách, vào thứ hai chào cờ hằng tuần, các học sinh đánh nhau sẽ luân phiên kể một câu chuyện đạo đức trước toàn trường.

Theo quy định, việc kỷ luật học sinh vi phạm hiện gồm ba hình thức: nhắc nhở, khiển trách và tạm dừng học có thời hạn. Sử dụng “đọc sách” làm hình thức khiển trách khiến nhiều người cho rằng không hợp lý, còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, không nên gọi việc đọc sách là hình phạt, điều đó đồng nghĩa với sự thiếu tôn trọng tri thức, sách vở.

Mới đây trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó 800 học sinh nữ. Bình quân cứ 50 trường thì có một vụ bạo lực học đường.

Giáo dục tri thức đã khó, giáo dục đạo đức càng khó hơn. Vẫn biết hình phạt đọc sách chỉ là giải pháp tình thế, nhưng các nhà trường cũng chỉ mong muốn ít nhất là khi đọc được cuốn sách hay sẽ giúp các em có sự lắng đọng trong tâm hồn, biết yêu thương nhiều hơn, từ đó giảm bớt những xung đột nơi học đường.

BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]