“Chắp cánh” cho văn hóa truyền thống
Văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên “sức mạnh mềm” của một quốc gia. Dân tộc Việt Nam với bề dầy lịch sử lâu đời - trải qua dặm dài phát triển của đất nước, chúng ta có một nền văn hóa Việt vừa đa dạng, phong phú mà vẫn đậm đà bản sắc. Những nét đẹp văn hóa Việt Nam đã và đang được người trẻ “khai thác”, phát huy để lan tỏa ra thế giới.
Âm nhạc là những sản phẩm văn hóa có sức lan tỏa sâu rộng và phát triển mạnh mẽ. Minh họa: BH
1. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Văn hóa là tổng hợp các đặc điểm tinh thần, thể chất, tri thức và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hoặc một nhóm xã hội, bao hàm không chỉ nghệ thuật và văn học mà còn cả lối sống, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng.
Văn hóa hiển hiện trong mọi mặt của đời sống, gần gũi với cộng đồng. Từ lời ăn, tiếng nói, cách chế biến những món ăn, tín ngưỡng thờ cúng thần linh, tổ tiên, lễ hội... Mỗi cộng đồng lại mang những nét văn hóa riêng - khác biệt mà vẫn thống nhất. Văn hóa không có sự cao thấp, nhỏ hay lớn, chỉ có nét đặc sắc tiêu biểu - cần được tôn trọng, tôn vinh và phát huy giá trị.
Việt Nam có hơn 50 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống hòa bình, mỗi dân tộc lại mang những nét đẹp văn hóa riêng - được vun đắp, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thời gian qua, thông qua công nghệ và các nền tảng mạng xã hội, với tài năng, sự sáng tạo, nhiều bạn trẻ, nghệ sĩ Việt đã và đang tạo ra những sản phẩm văn hóa với sức lan tỏa sâu rộng không chỉ ở trong nước, mà còn để bạn bè trên thế giới biết và hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
2. Trước đó, từ “chất liệu” văn hóa dân gian, các ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe”, “Tứ Phủ” của Hoàng Thùy Linh đã “làm mới” việc đưa văn hóa truyền thống của dân tộc đến gần hơn với người dân, đặc biệt là các bạn trẻ.
Đầu năm 2025, ca khúc “Bắc Bling” của ca sĩ trẻ Hòa Minzy kết hợp cùng nghệ sĩ chèo Xuân Hinh và nhạc sĩ trẻ Tuấn Cry đã thực sự tạo nên sự bất ngờ không chỉ trong làng nhạc Việt. Một MV ca nhạc chỉn chu từ hình ảnh, kỹ thuật và sau đó là rất nhiều tâm huyết của người làm nghề. Thông qua nhạc điệu, lời ca tiếng hát, những hình ảnh, nét đẹp văn hóa của một vùng Kinh Bắc thăm thẳm chiều sâu cứ nhẹ nhàng “bước ra”, đến với công chúng yêu nhạc. Người ta nghe và cả xem “Bắc Blinh” với sự háo hức khám phá.
Gần đây, ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” - một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại một lần nữa “khuấy đảo” không chỉ làng nhạc Việt với khoảng 5 tỷ lượt xem trên các nền tảng công nghệ như youtube; facebook; tiktok... Từ chất liệu lịch sử, với lòng biết ơn, người nghệ sĩ đã viết nên một ca khúc đi vào lòng người. Đặc biệt, trong dịp đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, lời bài hát vang lên ở khắp mọi nơi, như một sự “nhắc nhớ” sâu sắc đến mỗi người về quá khứ - hiện tại và trách nhiệm “viết tiếp câu chuyện hòa bình” - tiếp nối cha ông xưa, những lớp người đi trước đã ngã xuống, đánh đổi bằng máu xương, nước mắt, khát vọng.
Từ thành công của những sản phẩm văn hóa lấy cảm hứng từ lịch sử, chất liệu dân gian, chúng ta tin rằng văn hóa Việt với những nét đặc sắc luôn tồn tại với sức sống bền bỉ, là kho “tài nguyên” vô giá để mỗi người, đặc biệt là giới trẻ có thể khai thác, từ đó, tạo nên sản phẩm văn hóa ấn tượng, có chiều sâu, đi vào lòng người.
Và không chỉ trong nước, câu chuyện lan tỏa, nâng tầm văn hóa Việt trên thế giới đã và đang được bắt đầu như thế, từ những người Việt yêu văn hóa dân tộc.
Khánh Xuân
{name} - {time}
-
2025-06-27 08:22:00
Từ chuyện “cân thiếu”
-
2025-06-20 10:35:00
Khi nhà giáo được xếp lương cao nhất
-
2025-06-13 09:00:00
“Thắp” lên hy vọng cho bệnh nhân nghèo