(vhds.baothanhhoa.vn) - Liên quan đến di sản văn hóa có lời khuyên rất hay rằng: Hãy đến bảo tàng để biết lịch sử nơi bạn đang đứng. Điều đó rất quan trọng nếu bạn muốn tiếp tục hướng tới tương lai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không để lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa

Liên quan đến di sản văn hóa có lời khuyên rất hay rằng: Hãy đến bảo tàng để biết lịch sử nơi bạn đang đứng. Điều đó rất quan trọng nếu bạn muốn tiếp tục hướng tới tương lai.

Không để lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa

Đầu tư lớn nhưng khách đến bảo tàng Hà Nội chưa như mong đợi. (Ảnh minh họa).

Lời khuyên rất hay, nhưng tiếc là chưa có nhiều người nhận ra hết giá trị của lời khuyên để tự nguyện đến với bảo tàng. Tất nhiên phần lỗi này còn thuộc về trách nhiệm của người làm bảo tàng khi chưa tìm ra một cách kết nối phù hợp.

Nhiều bảo tàng ở nước ngoài, khách vào tham quan phải mua vé với giá không hề rẻ, nhưng ai cũng háo hức. Còn ở Việt Nam ngoài một số bảo tàng chuyên ngành có lượng khách quốc tế, một số bảo tàng thu hút khách nhờ vào sự tôn kính lãnh tụ, còn lại phần đa lâm cảnh đìu hiu. Ở nhiều tỉnh, dù được xây dựng ở vị trí đắc địa, còn miễn phí tham quan, nhưng bảo tàng vẫn vắng khách. Thay cho câu nói đến bảo tàng để biết quá khứ, thì nhiều người lại đùa là đến bảo tàng để nhìn thấy hiện tại. Đó là một hiện tại rất đáng buồn.

Ngoài chức năng lưu giữ, trưng bày hiện vật, bảo tàng còn là không gian văn hóa, nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức, tổ chức các lớp học thực tế, cung cấp đồ lưu niệm bản địa cho khách tham quan. Nhưng thay vào đó, ở nhiều bảo tàng không gian này lại trở thành nơi cho thuê dịch vụ khác.

Một số người quản lý bảo tàng đã nghĩ đến việc phát huy giá trị không gian ngoài trời gắn với các phòng trưng bày, nhưng vấn đề nằm ở chỗ là tổ chức ra sẽ cung cấp cho ai khi mà khách đến bảo tàng mỗi năm chỉ một vài nghìn người. Ở Việt Nam số bảo tàng nhà nước tự chủ tài chính được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần bảo tàng đều phải trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách.

Bên trong bảo tàng là những tài liệu, hiện vật vô giá. Phát huy tốt giá trị ấy sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và địa phương, kéo khách tham quan tự nguyện đến với bảo tàng. Làm tốt điều đó thì có đầu tư bao nhiêu cho hoạt động của bảo tàng cũng đáng, còn cứ cảnh đìu hiu hiện tại, thì tiền nào bỏ ra cũng là đắt.

Ở Bảo tàng Thanh Hóa vài năm gần đây bên cạnh các phòng trưng bày truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, đã tổ chức được một số trưng bày chuyên đề, khai thác không gian ngoài trời, nhưng lượng khách đến tham quan vẫn chưa như kỳ vọng. Điều đó đặt ra yêu cầu bên cạnh đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, thì cần phải có những sự tiếp cận khác mới kéo được khách đến với bảo tàng. Và khi đã kéo được khách đến rồi thì phải làm cho họ cảm thấy hứng thú, từ đó mới lan tỏa ra các đối tượng khác được.

Một khi khách chưa hào hứng với bảo tàng, thì chính bảo tàng phải trở nên “thân thiện” với khách, thu hút khách bằng những cách tiếp cận mới mẻ. Tài liệu, hiện vật ở bảo tàng rất có giá trị, người làm bảo tàng giỏi là biết kết nối những tài liệu, hiện vật ấy với khách tham quan, chứ không phải ngồi chờ khách tham quan đến và chờ cả những đồng tiền định mức từ ngân sách Nhà nước.

Tuệ Minh


Tuệ Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]