Miền quê yên ả

Tin liên quan

Đọc nhiều

Miền quê yên ả

Bút ký của Nguyễn Văn Đệ

Một ngày cuối năm 2019, người bạn văn của tôi ở Hà Nội điện vào nói là chừng 23 tháng Chạp anh sẽ về quê cúng ngày ông bếp. Chả là quê anh ở Hậu Lộc tỉnh Thanh, anh học xong đại học rồi công tác ở Hà Nội, mấy chục năm rồi, giờ về hưu anh muốn về quê một lần dịp cuối năm. Anh bảo: Thanh Hóa mình có nhiều quà. Nào là nem chua, bánh gai, rượu Cầu Lộc, nhưng tết này anh muốn có một món quà từ Thanh ra Hà Nội không phải bằng thực phẩm mà bằng hương sắc: Đó là hoa đào.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung trong buổi tiệc chiêu đãi các nhà văn đi viết về công an bảo tôi: Thanh Hóa có vùng trồng đào khá đẹp là Tân Ninh, nó ở chân núi Nưa, nơi khởi nguồn nghĩa quân Bà Triệu, Phủ Na cũng là một vùng thắng cảnh di tích, lại có cả mỏ cromit, đất Triệu Sơn. Đây là một huyện nhiều năm tình hình an ninh trật tự không được ổn lắm, giờ thì tốt rồi, anh lên thăm vùng đào sẽ thấy Công an Triệu Sơn từng làm thế nào để được công nhận là địa bàn an toàn, an ninh.

Đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh trao thưởng cho Công an huyện Triệu Sơn đã có thành tích trong đấu tranh, trấn áp tội phạm.

Thực ra tín hiệu về một vùng quê an ninh an toàn ở Triệu Sơn cũng mới được định hình trong những tháng năm gần đây. Triệu Sơn là một huyện rộng lớn, cả huyện có đến 36 xã phường, thị trấn. Tôi đến trung tâm huyện vào một ngày giữa mùa hè nóng gay gắt, buổichiều, nắng ngả vàng trên những cánh đồng lúa vừa được gặt xong. Nhiều năm trước, vào những ngày như thế này người ta phơi rơm rạ khắp mặt đường cái, đường nhựa làm rầy rà giao thông. Giờ thì không thế nữa, người nông dân đã tự giác làm cho những con đường trở nên phong quang. Khắp các cánh đồng, những ruộng mạ đang bắt đầu lên xanh. Trên bầu trời, những đám mây xốp mỏng trôi bồng bềnh.

Ở Triệu Sơn, những năm qua cũng đa dạng các loại tội phạm, ngoài những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có cả những vụ án tuyên truyền tà đạo, đánh bạc... Tất cả những vụ án đã được phá tan, chìm lắng như những viên sỏi lặn vào lòng suối. Nhưng trong ánh mắt những cán bộ công an, vẫn còn phảng phất nỗi lo phấp phỏng về mầm mống những vụ án mới có thể lại xuất hiện ở bất cứ nơi nào, bất kỳ thời gian nào, nó là mối quan tâm thường trực trong tâm trí những chiến sĩ Công an Triệu Sơn. Được sự đồng ý của thượng tá Nguyễn Văn Quyền, tôi đi về những nơi đã xảy ra những sự việc từng làm xáo động cả một vùng quê.

***

Xã Tân Ninh nằm ngay dưới chân núi Nưa, vừa được công nhận là xã về đích nông thôn mới. Xã cũng đang làm dự án để tiến tới xây dựng thị trấn Nưa. Núi Nưa là nơi phát tích nghĩa quân Bà Triệu, anh hùng dân tộc đầy tính huyền thoại. Anh Lê Viết Việt - Trưởng Công an xã nghe tôi hỏi về tình hình an ninh an toàn trong xã ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Trước đây, anh biết đấy, xã tôi làm nông nghiệp nhưng dịch vụ cũng khá phong phú, xã có tới bảy, tám di tích, chùa chiền, đền thờ. Di tích Am Tiên thì luôn tấp nập khách thập phương. Rồi thì nhà hàng, quán karaoke, chợ búa. Xã cũng là trung tâm của mỏ cromit Cổ Định nên chuyện buôn bán khoáng chất, tranh giành địa bàn làm ăn luôn mâu thuẫn. Đáng sợ nhất ở Tân Ninh trước đây là đã từng xảy ra vụ án giết người man rợ. Người dân Tân Ninh cho đến nay vẫn còn nhớ cái dáng dấp thon thả và một giọng nói hiền dịu của chị Lê Thị Giang, chị bị gã học sinh lớp 11, đang học Trường THPT Triệu Sơn 2, vốn là hàng xóm giết khi chị đang mang thai 5 tháng. Vụ này làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân trong làng xã, không ai tưởng tượng nổi một học sinh ở độ tuổi trưởng thành với một tương lai rộng lớn đang mở ra trước mặt nhưng rồi bị đóng sập lại bởi một hành động dã man, tàn ác. Người dân quê tôi suốt thời gian dài vẫn thắc mắc: Tội ác đến từ đâu? Nó bắt đầu bởi cái gì? Phải ngăn chặn nó bằng cách nào?

Câu hỏi của anh Việt làm tôi trằn trọc suốt đêm hôm đó, tôi nhớ hôm về xã Dân Quyền gặp ông Lê Xuân Lực, bố anh Lê Xuân Hùng bị bọn côn đồ vẫn còn rất ít tuổi chém chết trong quán ăn giữa đêm mùa thu năm 2015. Ông Lực vẫn ngơ ngác hỏi chúng tôi: Thằng bé có tội gì đâu, tại sao nó lại bị người ta chém chết. Nếu đêm đó, bọn thanh niên du côn khôngchém nó, thì bây giờ nó đã là một thanh niên khỏe mạnh, một lao động đang sung sức. Thế mà nó lại chết, tại sao?

Những câu hỏi tương tự trong những vụ án mạng ở Triệu Sơn day dứt, nhức nhối trong tôi. Trần Quang Đức có mối thù truyền kiếp nào với chị Giang? Không. Những tên côn đồ trẻ tuổi ở quán ăn đêm trên đất Dân Lý có thù hằn gì ghê gớm với Lê Xuân Hùng người Dân Quyền? Không. Thế mà những cái chết đã xảy ra một cách dã man, bọn tội phạm mất hết tính người. Thế nhưng nếu các vụ án nghiêm trọng dẫn đến những cái chết thương tâm mà những kẻ gây án đều không chủ ý và hoàn toàn vô thức thì vụ hủy hoại tài sản ở Hợp Tiến lại hoàn toàn ngược lại. Hà Thanh Liêm, kẻ đã dùng thuốc diệt cỏ phun các vườn quýt nhà anh Lê Huy Việt và anh Vũ Đức Huế hoàn toàn có chủ ý và được chuẩn bị từ trước. Cũng như vụ bắt người trái pháp luật của Lê Viết Thắng và Lê Trọng Ánh. Bọn họ chỉ vì tranh giành khu vực làm ăn, cát cứ những quán karaoke mà bắt các cô: Nguyễn Như Trang ở thôn Văn Lâm, Ninh Hải, Ninh Bình; Ngô Thị Huyền, ở thôn Lý Nhân, Yên Bình, TP Tam Điệp, Ninh Bình; Hoàng Thị Thanh ở Ân Thi, Hưng Yên. Các cô gái đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Những kẻ phạm tội đều biết rõ hoàn cảnh các cô gái, mỗi cô đều có mỗi số phận éo le. Bọn chúng coi các cô gái như những món hàng để làm ăn, vì thế chúng vẫn thực hiện những hành động một cách có chủ ý, có mục đích rất rõ ràng: Đó là lợi nhuận. Vì lời nhuận, chúng bất chấp tất cả. Hay vụ buôn bán heroin ở Dân Lực, theo tài liệu điều tra thì các bị can đều đã chuẩn bị khá lâu để thực hiện mục đích.

Suốt một thời gian dài Triệu Sơn liên tục xảy ra các vụ án, Công an Triệu Sơn sau một thời gian áp dụng những biện pháp pháp luật để trấn áp tội phạm đã có cả một chương trình với đề án Phòng chống tội phạm giết người, tội phạm cố ý gây thương tích, và đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh an toàn trên địa bàn huyện đầy tính nhân văn. Tôi đọc kỹ các đề án mới phát hiện ra cái hay là ngoài những biện pháp cứng rắn và kiên quyết mỗi khi có sự việc xảy ra, các anh đã đưa tính nhân văn vào công tác nghiệp vụ. Mọi hành động khi tính người không còn kiểm soát, thú tính nổi lên, ai đó sẽ hành động như một kẻ điên rồ, cuồng dại và man dã. Chẳng hạn như Trần Quang Đức cầm dao chém hơn hai mươi nhát vào người phu nữ đang mang thai yếu đuối và tội nghiệp, hay những tên côn đồ trong vụ giết anh Lê Xuân Hùng ở Dân Quyền. Nếu khi Trần Quang Đức giơ lưỡi dao lên chém vào người chị Giang hay những kẻ cầm dao ở quán ăn đêm trên đất Dân Lý hiểu và được học tính nhân văn, thì lưỡi dao của họ có thể đã dừng lại.

Thượng tá Nguyễn Văn Quyền bảo tôi: Nhân văn không có nghĩa là nhu nhược trước các đối tượng gây án. Mà nhân văn còn có nghĩa là người chiến sĩ công an phải có bản lĩnh thật tốt khi làm nhiệm vụ.

Ở Triệu Sơn, để bảo đảm cho tình hình an ninh an toàn được bền vững, ngành công an đã phải tham mưu cho các cấp ủy từ huyện đến xã, đến thôn xóm và cả nhà trường, nơi tuổi trẻ dễ hiếu động, phối hợp thực hiện: “Mô hình nhà trường tự quản về an ninh trật tự ”. Tôi nhớ ông Lê Quý Đôn, nhà bác học lớn của ta khi ông còn sống trong thời phong kiến đã viết: “Một xã hội tốt nghĩa là thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”.

Không dừng lại ở nhà trường, làng xã, thôn xóm, Công an Triệu Sơn còn tham mưu cho các dòng họ. Sau khi đọc các đề án về an ninh trật tự của Công an Triệu Sơn, đọc đến Quy ước của họ Trịnh Hữu tôi nghiệm ra một điều: Từ tinh thần nhân văn, Công an Triệu Sơn cũng đã biết khơi dậy tình cảm thiêng liêng, cao cả của các dòng tộc. Trong 4 điều nói về mục đích yêu cầu của quy ước, trong đấy có yêu cầu phải biết giữ gìn an ninh trật tự của làng xóm. Cả bốn điều đều nói đến trật tự xã hội: “Quốc có quốc pháp, Gia có gia quy”. Nghĩa là trong gia đình phải có trật tự như xã hội có luật lệ. Ông Lê Quý Đôn từng viết: “Làm sao trong mỗi gia đình để cha phải xứng là cha, con phải đúng với bổn phận làm con”. Thượng tá Nguyễn Văn Quyền và thiếu tá Lê Viết Trung - Phó Công an huyện nói với tôi: Chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác an ninh cơ cở. Các cán bộ công an phải bám thật chắc từng ngõ xóm, ngôi nhà. Phải thấu hiểu đến từng con người, nơi được phân công phụ trách.

Tôi xin trích một câu trong quy ước của Hội đồng Trịnh tộc xã Minh Dân: Con cháu Trịnh tộc ở khắp mọi nơi. Hàng năm vào ngày tế lễ tổ chức sinh hoạt gia tộc đánh giá việc thực hiện quy ước để chúng ta thấy rằng mỗi người trong một dòng họ đều phải thực hiện nghĩa vụ và chấp hành pháp luật, sống có đạo đức, có lý trí, tránh xa những cái xấu, cái ác. Như vậy, tính nhân văn không chỉ được nêu trong phương pháp công tác của ngành công an mà còn lan tỏa đến mỗi ngõ ngách đời sống, đến tâm khảm mỗi người dân.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, trước tình hình an ninh trật tự bất ổn trong nhiều năm, Công an Triệu Sơn đã có kế hoạch xây dựng ban hành quy định “Đi cơ sở đối với lãnh đạo và cán bộ công an huyện” được chia thành 4 cụm, mỗi cụm có tới 9 địa bàn. Quy định trách nhiệm rành mạch, và công tác an ninh an toàn đã trở thành nhiệm vụ thường trực nên số vụ án ở Triệu Sơn giảm dần, cuộc sống trên mảnh đất này đang mỗi ngày một trở nên yên bình.

Những ngày cuối năm ở Triệu Sơn rạo rực hoa đào. Vùng đào Phủ Na Tân Ninh sắc thắm trải rộng dài khắp cánh đồng. Các quầy hàng ở chợ Dắt, các khu đất dành cho bán hoa đang ráo riết chuẩn bị chở đào từ Tân Ninh, Phủ Na về. Anh bạn tôi ở Hà Nội đã chuẩn bị một chuyến xe tải chở đào từ Triệu Sơn ra Hà Nội để người thủ đô thưởng thức và chiêm ngắm những cành đào rực rỡ của xứ Thanh.

Nguyễn Văn Đệ


Nguyễn Văn Đệ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]