(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Bố Hự”, “bố Xiết”, hay “bố Hợi”, “bố Lanh”... là những cái tên trìu mến mà bà con bản làng các dân tộc Thái, Mông, Dao vùng biên viễn Thanh Hóa, cũng như những chiến sỹ biên phòng dành gọi cho các cụ trước những cống hiến thầm lặng hàng chục năm qua để bảo vệ cột mốc đường biên, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người con của bản trọn đời bên mốc giới biên cương

(VH&ĐS) “Bố Hự”, “bố Xiết”, hay “bố Hợi”, “bố Lanh”... là những cái tên trìu mến mà bà con bản làng các dân tộc Thái, Mông, Dao vùng biên viễn Thanh Hóa, cũng như những chiến sỹ biên phòng dành gọi cho các cụ trước những cống hiến thầm lặng hàng chục năm qua để bảo vệ cột mốc đường biên, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

1

“Vâng lời Bác Hồ dạy, “tấc đất tấc vàng”. Đất của mình, mình phải giữ. Đó là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc! Nghĩ vậy là mình đi thôi!...” - Bố Xiết tên đầy đủ là Phan Văn Xiết năm nay đã ngoài 70 tuổi. Bố là người dân tộc Dao, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện miền biên Mường Lát - một trong số những người con của bản dành gần như trọn cuộc đời, gắn tình yêu thương với trách nhiệm cao cả là bảo vệ mốc giới biên cương Tổ quốc.

Ông Xiết cùng con trai Phan Văn San (ngồi giữa) trao đổi với các đồng chí biên phòng và tác giả bài viết.

Bố Xiết tham gia bảo vệ cột mốc G6 (nay là cột mốc số 287), tính đến nay đã gần 30 năm. Con đường từ nhà bố lên tới cột mốc số G6 mất non nửa ngày đường, phải vượt qua nhiều con suối, băng qua nhiều cánh rừng, đôi khi là phải đối mặt với những con thú dữ... Cột mốc G6, nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới, đây là điểm phân định giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (huyện Mường Lát) với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Để chuẩn bị cho chuyến ngược biên, hành trang trên người bố Xiết là đôi dép cao su, chiếc áo nhuộm chàm truyền thống của người Dao mỏng manh, con dao quắm và nắm xôi đồ sắn. “Thế thôi! Đường khó, mang được cái thân mình lên đã là kỳ tích rồi!... Leo đồi, vượt núi ắt cái mình nó ấm! bố chẳng cần giầy dép, áo quần dầy cộp như các chú đâu!” - bố cười móm mém. Chuyến ngược ngàn ngay hôm sau, khi người đi trước nhìn không rõ mặt người đi sau, cung đường thì trơn trượt, thách thức. Nhưng với bố Xiết, đôi chân vẫn thoăn thoắt như một trai bản Dao thuở đôi mươi. “Công việc của mình là theo dõi xem cột mốc có bị hư hỏng, có bị con thú rừng nó làm đổ, vỡ hay không! Có cỏ cây thì nhổ, thì phát; bùn đất bám bẩn thì lấy vạt áo lau cho sạch”- Bố Xiết chia sẻ.

2

Ở xã Quang Chiểu này, ngoài bố Xiết đã bước qua độ tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn kiên cường đảm nhận nhiệm vụ trông coi cột mốc G6 thì tại bản Pù Đứa còn có bố Hự (tên đầy đủ là Lâu Văn Hự) với hơn 30 năm gắn cuộc đời mình với nhiệm vụ bảo vệ cột mốc G8 (nay là cột mốc 304) - được xem là cột mốc cao, xa và khó đi nhất, phân định ranh giới giữa xã Quang Chiểu với bản Phiềng Khạy (cụm Mường Pùn, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào).

Bố Hự năm nay đã bước sang tuổi 95 nên công việc, trọng trách trông coi, bảo vệ cột mốc bố đã xin phép được truyền lại cho các anh con trai là Lâu Văn Lự, Lâu Văn Lâu, Lâu Văn Lênh.

Chặng đường bố Hự với đôi chân trần đi từ bản Pù Đứa lên đến cột mốc G8 hơn 9 km. Nhưng để lên tới được nơi, bố phải đi từ khi mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn, vượt qua 15 khe suối (với 2 suối lớn là suối Dục và suối Tiền Xen), băng qua nhiều mon đồi, dốc đứng (trong đó có 4 đỉnh núi cao gồm núi Tơ Lưng, núi Đá Đen, núi Pù Lậu (theo tiếng Thái là Đồi gió rét) và đỉnh núi thác Đá Đỏ)... Bố bảo, dù mùa mưa lạnh hay mùa hè nắng nóng cũng đều vất vả như nhau. Mùa đông thì phải lội những con suối sâu đến tận ngực, lạnh và buốt cóng; mùa hè hanh nóng bởi gió Lào, đi chốc chốc lại phải dừng lại uống nước. Đặc biệt, vào những mùa mưa lũ có khi phải dựng lán ở lại cả tuần, tới khi nước rút mới có thể trở về. Được giao truyền lại nhiệm vụ, trọng trách cao cả và thiêng liêng từ bố, các anh con trai là Lự, Lâu và Lênh ai nấy cũng hăm hở với công việc mà bố giao phó. Mỗi lần lên cột mốc về là một câu truyện kể cả đêm không hết. Báo cáo tình hình, kể lại những khó khăn vất vả khi vượt suối, băng đồi... rồi bố lại mách nước cho các con, chỉ cách phải vượt qua chúng như thế nào. Thiếu tá Nguyễn Văn Lương - Phó đội trưởng Đội phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Quang Chiểu rất đỗi tự hào: “Lần Trung tá Đào Duy Tân mới lên đảm nhận chức đồn trưởng, ngay lập tức một chuyến rà soát, kiểm tra tất cả các cột mốc được triển khai. Hôm đó, trời mưa như trút nước, bản thân Thiếu tá Lương e ngại tính bài lùi để hôm sau đi, nhưng các bố bảo “ngày trước thằng Bằng (cán bộ biên phòng trước đó) mưa mấy nó cũng đi!” thế là mình cũng không thể từ chối. Lúc lên thì không sao, lúc xuống mình và các cụ ngã lăn lông lốc... nhớ lại mà vẫn thấy hãi. Việc làm cao cả của các bố đã giúp bộ đội biên phòng sớm nắm bắt thông tin về chủ quyền biên giới, cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn một cách kịp thời, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới”.

3

Rời xa huyện miền biên Mường Lát, xuôi về ngã ba Đồng Tâm chúng tôi tiếp tục theo QL 217 ngược lên Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn). Nói tới chiều dài đường biên nơi đây, có tổng kilomet đường biên lên tới 30 cây số. Có tới 16 cột mốc để phân định với nước bạn Lào. Ngoài cột mốc 327 đóng tại cửa khẩu, thì những cột mốc còn lại đều có vị trí địa hình hiểm trở, đòi hỏi việc bảo vệ phải nghiêm ngặt. Để có thể đảm nhiệm tốt trọng trách bảo vệ đường biên, mốc giới, Đồn Biên phòng Na Mèo đã nhận được sự trợ giúp đắc lực từ 13 già làng, trưởng bản, trong đó có những già làng tuổi đời đã ngoài 70, 80 với hơn 30 năm gắn bó.

Chinh phục con suối Cha Khót, chúng tôi ghé thăm gia đình bố Vi Văn Hợi - một trong những già làng người Thái, gắn bó suốt hơn 30 năm bảo vệ cột mốc H3 (nay là cột mốc số 331). Bố Hợi là già làng có uy tín của bản Cha Khót, gia đình bố sống ở đây từ khi bản này còn chưa thành lập. Vốn quê gốc Yên Khương (huyện Lang Chánh), bố theo gia đình di cư từ năm 4 tuổi, về sau dừng chân đất Na Mèo định cư cho tới nay. Năm 1978, bộ đội biên phòng hai nước Việt - Lào tiến hành phân giới, cắm mốc đường biên. Cột mốc H3 nằm trên địa bàn bản Cha Khót (xã Na Mèo) phân định đường biên giới dài khoảng 5 km giữa Việt Nam và Lào được bố đảm nhiệm trọng trách trông coi, bảo vệ.

Đường từ bản Cha Khót lên cột mốc H3 có chiều dài chừng 4 km, nhưng phải mất hàng giờ đồng hộ đi bộ mới tới được nơi. Nhiều đoạn suối sâu, vách đá lởm chởm, đôi chân những người giữ cột mốc này đã nhiều lần quýnh lại, mồ hôi dòng rã, thậm chí đổ máu vì vấp đá, hay những con vắt rừng trích hút đau đến thấu xương tuỷ, nhưng nhìn về phía trước, nghĩ tới nhiệm vụ thiêng liêng là bố Hợi lại vượt qua tất cả, đứng lên và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ suốt hơn 30 năm qua!

Nhiều năm qua, cũng có không ít người khuyên bảo bố dừng công việc vì cho đó là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng, làm không có tiền. “Lúc trẻ họ bảo nghỉ đi làm ăn; khi có tuổi họ bảo ở nhà không nguy hiểm!... được cái vợ con nó không cản mà động viên phải biết giữ gìn sức khoẻ, khi mô khỏe thì đi, hoặc đi cùng các con, đi cùng bộ đội biên phòng. “Thời trẻ khoẻ bẻ gãy sừng trâu, có tuần bố ngược mốc giới cả đôi lần. Giờ thì phải có một trong mấy thằng con trai hộ tống hoặc có các chiến sỹ biên phòng giúp bố mới lên được tới nơi. Con cái nó cũng hiểu, bố không lên, y như tối hôm đó cái bụng bố ngủ không yên! Chúng hứa sẽ thay bố đảm nhiệm trọng trách thiêng liêng khi bố già yếu không thể đi nữa!... nghĩ cũng thấy vui cái bụng rồi!” - bố Hợi cười đắc ý. Đi mới khoẻ, đến khi mô chết rồi thì mới hết đi thăm cột mốc!

Trung tá Đỗ Ngọc Vĩnh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Mèo đánh giá: “Trong những năm qua, đặc biệt sau khi có Nghị định 34 của Chính phủ; Chỉ thị 34 của Bộ Tư lệnh BĐBP, đặc biệt từ phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự xóm bản biên giới”, những chiến công của những bố Hợi, bố Xiết, bố Hự, bố Ịch, bố Cụa... đã và đang góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm; đảm bảo ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh biên giới”...

Nhiệm vụ bảo vệ cột mốc không chỉ của một người... Và, không dừng lại ở một đời!

Đình Giang

Tuyến biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào) dài 192 km, có 5 huyện biên giới gồm Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân. Có 16 xã biên giới, tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Hủa Phăn, với địa hình rừng núi có độ dốc cao, chia cắt bởi nhiều sông, suối phức tạp.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]