Quảng cáo và sự thật...
Trước đến nay việc quảng cáo vốn khó tránh khỏi “nói quá” tác dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, nói quá đến mức phóng đại hoặc “nói không thành có”, khiến người tiêu dùng “tin lầm” hay thậm chí trở thành “nạn nhân” của những sản phẩm kém chất lượng thì thực sự rất cần lên án.
Người tiêu dùng cần cân nhắc kĩ về nhu cầu, nguồn gốc, công dụng sản phẩm trước khi xuống tiền thay vì quá tin vào lời quảng cáo, tránh “tiền mất tật mang”. Minh họa: Minh Chi
Bạn tôi kể, dạo gần đây thường xuyên thấy người đau nhức, đầu cũng đau. Đi bệnh viện khám bác sĩ kết luận do máu lưu thông kém, chỉ cần điều chỉnh việc ăn uống, chú trọng nghỉ ngơi một thời gian thì sẽ ổn. Sau đó, bạn lại được một người quen giới thiệu một cơ sở trị liệu đông y với những “cam kết” về hiệu quả.
Bạn bảo, trước đó đến bệnh viện khám và kiểm tra tổng quát, các chỉ số cơ thể đều ổn. Ấy vậy mà khi đến cơ sở do người quen giới thiệu thì không khỏi... hoảng sợ. Họ giới thiệu “hay như sách”, nào là được đào tạo, truyền nghề bởi các chuyên gia về trị liệu nổi tiếng thế giới và trong nước. Sau một hồi sử dụng máy soi, họ kết luận máu nhiễm mỡ, có dấu hiệu vón cục... đủ các nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ bất cứ lúc nào.
Sau rất nhiều những “cảnh báo” về tình trạng sức khỏe, bạn tôi được giới thiệu về sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ nước ngoài, công dụng chữa... bách bệnh. Đặc biệt, sản phẩm thuốc này không bán rộng rãi trên thị trường, chỉ những chuyên gia trong nghề mới biết được. Giật mình nhất là sản phẩm ấy có giá lên đến cả chục triệu và mỗi người phải sử dụng tối thiểu một liệu trình 3 hộp.
Cũng may, bạn tôi vốn dân học ngoại ngữ. Khi cầm hộp sản phẩm (không có nhãn phụ tiếng Việt), trên bao bì ghi rõ sản phẩm không phải là thuốc, chỉ có tác dụng hỗ trợ nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể... bạn tôi đã hiểu ra những lời giới thiệu về thần dược hóa ra lại không có xuất xứ gì.
Câu chuyện của bạn tôi kể không phải hi hữu, nếu không muốn nói vô cùng phổ biến. Khi ai đó bị bệnh hay gặp các vấn đề về sức khỏe, dù có phải bán hết gia sản để chữa bệnh, để có sức khỏe họ cũng cam lòng, chỉ cần bác sĩ hay người được họ gửi gắm niềm tin kê đơn, tư vấn. Vậy nhưng, cũng chính niềm tin của họ đã bị không ít người chỉ vì tiền sẵn sàng lợi dụng, kiếm lời.
“Người bệnh phải bán trâu, bò, lợn, gà để đi gặp các bác sĩ... nhưng khi trở về, ngoài 3 đồng mua thuốc là đã mất tiền rồi, lại phải chi 7 đồng cho thực phẩm chức năng mà hiệu quả không rõ ràng”, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã từng bày tỏ trong một hội nghị khoa học của ngành khiến nhiều người đồng tình.
Và tôi nhớ đến chia sẻ của người bạn trong câu chuyện kể trên: “Người bị bệnh vốn đã khổ. Nhưng họ còn khổ hơn khi bị dẫn dắt bởi những người bất chấp mọi cách để kiếm tiền trên chính sự ốm đau của người bệnh. Trong xã hội, mỗi người có cách kiếm tiền khác nhau, nhưng bất chấp mọi cách để kiếm tiền, đến mức “bán rẻ” cả danh dự bản thân, chỉ vì tiền thì quả thực quá đáng trách”.
Khánh Xuân
{name} - {time}
-
2025-05-17 16:30:00
Cuộc sống là... chuỗi những lo sợ
-
2025-05-16 09:20:00
Chờ mong một “làn gió mới” cho thể thao, nghệ thuật học đường
-
2025-05-09 08:30:00
Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Trách nhiệm và lương tri