(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi tôi về làm dâu thì bố mẹ chồng tôi cũng đã nghỉ hưu được một thời gian. Thế nhưng, tôi đã quen với hình ảnh bà con trong phố mỗi khi có việc cần tư vấn hoặc mua thuốc điều trị bệnh đều chạy sang nhà tôi nhờ bố mẹ tư vấn.

Tự hào khi bố mẹ chồng tôi là thầy thuốc

Khi tôi về làm dâu thì bố mẹ chồng tôi cũng đã nghỉ hưu được một thời gian. Thế nhưng, tôi đã quen với hình ảnh bà con trong phố mỗi khi có việc cần tư vấn hoặc mua thuốc điều trị bệnh đều chạy sang nhà tôi nhờ bố mẹ tư vấn.

Tự hào khi bố mẹ chồng tôi là thầy thuốc

Bố mẹ chồng tôi chụp ảnh lưu niệm cùng các cháu. (Ảnh tư liệu)

Mẹ chồng tôi vốn là bác sĩ ở Bệnh viện thị xã Thanh Hóa (nay là Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa). Bố chồng là bác sĩ của Viện điều dưỡng Bộ Nông nghiệp tại thị xã Sầm Sơn (nay là Viện điều dưỡng Người có công thuộc Bộ LĐ,TB&XH). Cả bố và mẹ đều là những sinh viên Việt Nam xuất sắc được cử đi học tại Bungari vào những năm 1968-1976. Trong quá trình học tập nơi xa xứ, bố mẹ đã quen nhau rồi yêu nhau cho đến khi trở về nước và làm đám cưới. Mẹ nhận công tác ở Bệnh viện thị xã Thanh Hóa, còn bố chồng tôi về công tác tại Bệnh viện khu vực 1 (Bộ Nông nghiệp nay là Bộ NN&PNNT) ở Thanh Trì, Hà Nội. Sau năm 1980, bố chuyển công tác về Viện điều dưỡng Bộ Nông nghiệp tại thị xã Sầm Sơn (nay là Viện điều dưỡng Người có công thuộc Bộ LĐ,TB&XH). Kinh qua nhiều vị trí và luân chuyển công tác về các cơ quan, đơn vị nhưng phần lớn cuộc đời ông bà đều gắn bó với nghề y, bởi vậy bố mẹ tôi luôn tự hào, trân trọng về nghề.

Nhiều lần nói chuyện với chồng, anh thường kể cho tôi nghe về quãng thời thơ ấu cùng em gái gắn bó với khu vực Ngã Ba Bia, Bệnh viện thị xã Thanh Hóa - nơi mẹ công tác. Từ nhỏ cho đến lớn, chồng tôi và em gái đã quen với những đêm dài vắng mẹ do mẹ phải đi trực ở bệnh viện, bố đi công tác xa. Cũng vì công việc của mẹ vất vả, bố thường xuyên xa nhà mà hai anh em lớn lên đã quen với công việc gia đình, chăm sóc nhau khi bố mẹ vắng nhà.

Sau này, khi tôi về làm dâu, bố mẹ chồng đã nghỉ hưu được một thời gian, thế nhưng hình ảnh các bác hàng xóm mỗi lần ốm đau hoặc cần tư vấn về thuốc điều trị đều sang nhà nhờ bố mẹ tôi và ông bà lại vui vẻ giúp đỡ. Tôi cảm nhận ở bố mẹ chồng niềm vui, tự hào khi là những thầy thuốc. Đặc biệt, trong gia đình khi con cái, các cháu ốm đau ông bà đều lo lắng, hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị thuốc thang hoặc tư vấn xuống bệnh viện nếu như những vấn đề không thuộc chuyên môn của ông bà. Vì vậy, thời gian chăm sóc các con khi còn nhỏ của vợ chồng tôi cũng nhẹ nhàng, yên tâm hơn. Vợ chồng tôi biết ơn bố mẹ vì điều đó, không chỉ là tình yêu của ông bà dành cho con cháu mà con là những vị bác sĩ nhân từ với những “bệnh nhân nhí” trong gia đình.

Bẵng một thời gian, mẹ chồng tôi ngày càng sức khỏe yếu, chân cũng trở nên mỏi và run rẩy. Mãi sau này đi khám mới phát hiện bà mắc bệnh Parkinson - một trong những bệnh về thần kinh, thường xảy ra khi nhóm tế bào trong não bị thoái hóa, không thể kiểm soát được vận động của cơ bắp, khiến cho việc đi lại khó khăn, cử động chân chạp, chân tay bị run cứng. Hiện nay, vẫn chưa có một phương pháp để có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh nhân bị mắc bệnh Parkinson mà chỉ có những biện pháp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, trì hoãn tiến trình tiến triển của bệnh.

Nhiều lúc tâm sự với tôi, mẹ thường buồn bã “Bác sĩ rồi đến lúc cũng không thể chữa trị được cho mình”. Càng ngày bệnh càng nặng hơn, trí nhớ cũng lúc nhớ, lúc quên, tất cả đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình, bác giúp việc nhưng những hồi ức một thời làm ở bệnh viện vẫn còn trong trí nhớ của bà, nhớ về những lúc đi trực ở bệnh viện.

Mẹ chồng tôi, một người điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng kiên nghị nên con cái nể phục, yêu thương. Từ ngày về làm dâu cho đến lúc mẹ ốm, trí nhớ không còn minh mẫn, cũng chưa một lần tôi và mẹ xung khắc hoặc cãi vã và luôn là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình. Giờ đây, mẹ đã không còn minh mẫn, đôi chân run rẩy, yếu ớt và chịu đựng nhưng cơn đau hành hạ do bệnh tật. Tôi chỉ cầu mong bố mẹ sẽ khỏe mạnh, sống lâu cùng con cháu.

Chiều nay, khi đi làm về, thấy bà Phương hàng xóm sang chơi, bà đang nhờ bố chồng tôi tư vấn loại thuốc điều trị bệnh rối loạn tiền đình. Gặp tôi, bà Phương trò chuyện: Cứ có việc gì liên quan đến thuốc là bác sang gặp bố Hùng nhà cháu. Ông đúng là bác sĩ của xóm. Bà Phương nói chuyện với tôi rồi quay sang nhìn mẹ chồng tôi rơm rớm nước mắt: Bà Hoa cả đời cứu được nhiều bệnh nhân mà giờ cũng bị bệnh tật hành hạ, chỉ mong bà nhanh khỏe, sống lâu cùng con cháu. Bà Phương vừa nói rồi nắm chặt bàn tay của mẹ chồng tôi, mẹ chồng tôi không nói gì, im lặng, đôi mắt cũng rưng rưng…

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, xin gửi lời chúc sức khỏe đến bố mẹ, mãi là niềm tự hào của các con cháu. Xin gửi lời chúc đến các y bác sĩ thật nhiều sức khỏe, tiếp tục phát huy tình yêu thương con người, xứng danh “Lương y như từ mẫu”, tiếp tục cống hiến phục vụ Nhân dân, người bệnh.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]