(vhds.baothanhhoa.vn) - Thành ngữ “Dở như hạch” không được bất cứ cuốn từ điển nào chúng tôi có trong tay thu thập thành một mục riêng. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, thì nó lại được dùng khá nhiều, và cũng là chủ đề bàn luận khá sôi nổi.

Câu “Dở như hạch” do đâu mà có?

Thành ngữ “Dở như hạch” không được bất cứ cuốn từ điển nào chúng tôi có trong tay thu thập thành một mục riêng. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, thì nó lại được dùng khá nhiều, và cũng là chủ đề bàn luận khá sôi nổi.

Câu “Dở như hạch” do đâu mà có?

Nhìn chung, các diễn đàn đều trích dẫn cách giải thích (được cho là) của cụ Vương Hồng Sển trong sách “Ăn cơm mới nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc” (Vương Hồng Sển - NXB Trẻ - 2012). Ví dụ bài “Câu “Dở như hạch” ra đời như thế nào?” trên các trang Sài Gòn Xưa (saigonxua.net), Tạp chí Đáng Nhớ (dangnho.com) hay Dở như hạch trên Blog Phạm Ngọc Hiệp. Xin trích:

“Hồi nhỏ hay nghe câu “Dở như hạch” mà không hiểu ... “Hạch” là gì?

Chà và “Hạch” là nhóm người Chà chuyên thức đêm giữ cửa và canh gác mấy hãng buôn, họ từ Ả rập đến và thường theo đạo Hồi nên dân Saigon còn gọi là người Hồi.

Cụ Vương Hồng Sển giải thích: bởi thấy danh tánh của họ đều có chữ Hadji đứng đầu nên Dân Saigon bèn đặt luôn cho họ một cái tên rất kêu là “hạch gác cửa”. Nhóm Chà hạch này ngoài chuyên môn làm nghề gác dan (gardien), thì chẳng biết làm ăn gì khác, cho nên cái câu “dở như hạch” là từ nhóm người Chà hạch này mà ra”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong sách “Ăn cơm mới nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc”, cụ Vương Hồng Sển không giải thích câu “Dở như hạch”, mà chỉ đề cập đến hai chữ “chà hạch”, như sau:

“... Chà hạch là bọn người chuyên môn thức đêm giữ cửa và canh gác hãng buôn. Nguyên lai họ đến từ xứ Ả rập nhưng vì ông bà ta không rành địa dư, vẫn thấy danh tánh của họ đều viết chữ Hadji đứng đầu, bèn đặt luôn một cái tên rất kêu nhưng gột rửa không ra, và đó là “hạch gác cửa”,v.v...”.

Điều quan trọng chúng tôi nói đến ở bài viết này, là dù cụ Vương Hồng Sển hay ai, thì cách giải thích “Nhóm Chà hạch này ngoài chuyên môn làm nghề gác dan (gardien), thì chẳng biết làm ăn gì khác, cho nên cái câu “dở như hạch” là từ nhóm người Chà hạch này mà ra”, đều gượng ép. Bởi, nếu chuyên/giỏi về nghề gác cửa, hay nghề nào đó, ngoài ra không biết làm nghề khác, thì cũng là chuyện bình thường. Đâu có gì là dở, mà lại dở đến mức điển hình về dở? Các cụ xưa dạy “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Bởi vậy nếu đánh giá, thì phải nhìn vào tay nghề của người ta, chứ không thể lấy lĩnh vực người ta không quen, để đánh giá hay/dở.

Tiếp tục câu chuyện.

Ở trên, chúng tôi đã viết, thành ngữ “Dở như hạch” không được bất cứ cuốn từ điển nào chúng tôi có trong tay thu thập thành một mục riêng. Tuy nhiên, Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức), mục HẠCH có giảng hai nghĩa: 1. (danh từ) là “Người da đen ở Việt-nam, thường làm nghề gác cửa”, và lấy ví dụ “Oai như hạch”; 2. (tính từ) được giải thích là “tệ, xấu-xí, dở”, và lấy ví dụ “Dở như hạch; Hạch quá!”.

Cách trình bày của Lê Văn Đức trong mục từ HẠCH trên đây, chỉ giúp chúng ta biết chắc chắn rằng, với nghĩa 1 (danh từ), thì thành ngữ “Oai như hạch” là gắn với người Hạch “làm nghề gác cửa”. Tuy nhiên, với nghĩa 2 (tính từ), thì ta không thể biết vì sao “hạch” lại mang nghĩa “Tệ, xấu-xí, dở”, và thành ngữ “Dở như hạch”, hay ngữ liệu “hạch quá!” có liên quan gì đến người “Hạch” hay không.

Trở lại với nghĩa của “hạch” trong “Dở như hạch”.

Trước đây, gia súc, gia cầm được nuôi cả năm trời mới giết thịt. Bởi vậy, đối với những con không có chức năng truyền giống, thì nông dân thường thiến đi, với mục đích chuyên thịt. Con vật sau khi thiến, sẽ trở nên hiền lành hơn, không động dục, không chạy nhảy, phá phách, nên không hao tổn năng lượng nữa, và sẽ nhanh lớn, chóng béo. Đặc biệt, với chó đực, gà trống, nếu không thiến đi, để chúng chạy rông thì rất dễ mất.

Khi thiến chó, gà, lợn,... những con sau khi thiến, tuy không còn chức năng truyền giống, nhưng vẫn động dục và đòi giao phối, thì tiếng Thanh Hóa gọi là bị “hạch”, hoặc “thiến hạch”, tức thiến sót, thiến không trọn. Chữ “hạch” ở đây có nghĩa là “hạt”, chỉ cái mẩu tinh hoàn, hoặc cái hoa (ở lợn cái) còn sót lại, chưa lấy hết, khiến con vật vẫn động dục. (Lưu ý, cần phân biệt với chữ hạch, nghĩa là hòn cà, hòn dái, trong “lợn hạch” = lợn đực). Ví dụ, “Đợt này thiến năm con gà trống, thì mất hai con bị hạch”; “Ông A thiến gà hay bị hạch lắm, thôi gọi ông B đi!”; “Con chó này thiến hạch nên vẫn chạy rông khắp xóm, rồi cũng có hôm nó bắt mất!”.

Chó đực “thiến hạch” vẫn chạy rông khắp xóm; gà trống bị “hạch” thì vẫn đi tìm mái; và với lợn thì vẫn động dục khi đến chu kì.

Với chủ nuôi, các con vật bị “thiến hạch” đặt họ trong tình trạng rất “dở”, đó là khả năng truyền giống của nó không còn, trong khi mục đích kinh tế (nhanh béo), dễ quản lí (không hung dữ, phá phách và chạy lung tung), cũng không đạt được.

Với chính bản thân con vật bị “thiến hạch”, thì lại càng “dở”, “tệ”, càng “không ra gì”, vì tuy nó vẫn “ham muốn”, vẫn động dục, chạy nhảy, có “tính hăng” và có nhu cầu giao phối, đạp mái, nhưng lại ở trong tình trạng “dở khóc mếu dở”, vì “bất lực”, “không làm ăn gì được”!

Chữ “hạch” trong “Dở như hạch” có nguồn gốc như vậy, nên chúng ta thường thấy trong cách nói thông tục, nó vừa là lời than vãn, vừa như lời chửi thề. Ví dụ: “Như hạch!” (chẳng ra làm sao cả); “Đời như hạch!” (đời quá chán); “Làm ăn như hạch!” (làm ăn chả đâu vào đâu; làm ăn quá tệ).

Cái nghĩa “tệ, xấu-xí, dở” của từ “hạch” mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng, xuất hiện khá nhiều trong lời ăn tiếng nói thông tục của người Thanh Hóa. Ví dụ, tiếng chửi mấy cô gái thiếu đứng đắn: “Mấy con hạch!”, “Mấy con đẩy (đĩ) hạch!”; “Đồ đẩy (đĩ) hạch!”. Đây là kiểu chửi thậm tệ, ngoa ngoắt của dân gian, ám chỉ kẻ bị chửi mắng chẳng khác nào chuyện vì có “tính đĩ” nên bị người ta “thiến” đi rồi, mà vẫn còn “xí xớn”, “nhảy nhắt” tựa như bị “thiến hạch” vậy!.

Mẫn Nông



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]