Cây dược liệu ở Lũng Cao
Được thiên nhiên ưu đãi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu quanh năm mát mẻ, những năm qua, ở xã Lũng Cao (Bá Thước) việc trồng, mở rộng và phát triển các loại cây dược liệu được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, góp phần tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập cho người dân và đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Người dân xã Lũng Cao thu hoạch cây ngải cứu.
Là một trong những xã khó khăn thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, lại cách xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, Lũng Cao được đánh giá không có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Những năm qua, để góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cùng với việc phát triển nông, lâm nghiệp, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, tại các thôn Son, Bá, Mười, nhờ lợi thế về nguồn nước, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, một số hộ dân trồng thêm các loại cây dược liệu, với trên 11ha, chủ yếu là ngải cứu, tía tô, atiso, bồ công anh, kale, sâm Bố Chính... xen canh với nhiều loại hoa màu khác, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Theo trưởng thôn Ngân Mạnh Hùng: Các thôn Son, Bá, Mười được xem là nơi cao nhất của xã Lũng Cao. Thôn Mười với 252 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái. Do khí hậu quanh năm mát mẻ phù hợp với các loại cây trồng chính như: ngô, cam, quýt, ít lúa nương. Năm 2022, được sự tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm từ HTX Pù Luông, người dân đã chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng hơn 2ha cây ngải cứu, thu hút 30 hộ tham gia. Ưu điểm của loại cây này là dễ trồng, không tốn nhiều chi phí chăm sóc, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả kinh tế có phần nhỉnh hơn các loại hoa màu khác. Trung bình, mỗi năm ngải cứu thu hoạch một lần, với giá bán trung bình từ 150.000 - 180.000 đồng/tạ.
Cây actiso phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại xã Lũng Cao.
Bên cạnh việc phát triển các loại hình dịch vụ ăn nghỉ theo hướng homestay, năm 2023 Công ty CP Du lịch Son Bá Mười (thôn Son, xã Lũng Cao) triển khai thí điểm trồng tía tô với 700m2. Xét thấy hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư ít, năm 2024 công ty mở rộng diện tích trồng lên 3.600m2, năng suất bình quân đạt 1kg/m2. Anh Bùi Doanh, quản lý tại đây cho biết: Tía tô sau khi thu hoạch tại vườn được đem về sơ chế thành các sản phẩm như bột tía tô, trà tía tô túi lọc, trà tía tô nguyên lá. Ngoài ra, công ty còn triển khai trồng thêm bồ công anh, mướp đắng rừng... để chế biến làm sản phẩm trà bán ra thị trường, phục vụ du khách và người dân. Mức giá cho từng sản phẩm trung bình dao động từ 100.000 - 250.000 đồng/ hộp. Trong đó, bột tía tô có giá 150.000 đồng/hộp, bột kale 200.000 đồng cho gói 150g, trà túi lọc mướp đắng 100.000 đồng/túi.
“Nhờ khí hậu mát mẻ, người dân thôn Son không chỉ nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, mà còn trồng các loại rau, củ, quả theo hướng hữu cơ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình và là sản phẩm cung cấp cho các điểm du lịch, chợ trong huyện. Năm 2023, một số hộ trong thôn mạnh dạn trồng thêm cây atiso, với tổng diện tích trên 3,5ha. Do nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, một số doanh nghiệp, HTX đã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu, từ đó giúp bà con thay đổi thói quen sản xuất từ nhỏ lẻ, tự phát, giá trị thấp sang trồng trên quy mô lớn...”, ông Bùi Văn Phấn, bí thư chi bộ thôn Son, thông tin.
Ông Lò Minh Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Lũng Cao, cho biết: Việc phát triển cây dược liệu không chỉ giúp bảo vệ sự cân bằng đa dạng sinh học và môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, mà còn góp phần giúp đồng bào dân tộc trên địa bàn xã có nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Những năm qua, mô hình trồng cây dược liệu được các hộ dân mạnh dạn đưa vào sản xuất. Theo tính toán, giá trị kinh tế của cây dược liệu ước cao hơn trồng lúa, ngô từ 1 - 2 lần. Ngoài ra, do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, không đòi hỏi chăm sóc, kỹ thuật cao, sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp, HTX thu mua, liên kết sản xuất, bao tiêu, bảo đảm đầu ra bền vững nên bà con rất phấn khởi, hưởng ứng tham gia. Thời gian tới, ngoài việc duy trì các loại cây dược liệu sẵn có, địa phương cũng khuyến khích các hộ mở rộng diện tích, trồng thử nghiệm thêm một số cây khác. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng trồng, chăm sóc cây dược liệu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho bà con...
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-12-03 20:07:00
Vinh danh 19 đơn vị, tổ chức đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam
-
2024-12-03 13:51:00
Chông chênh sự học bên bờ sông Mã
-
2024-10-14 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 14/10: Vàng có khả năng giảm sâu
Dự báo thời tiết ngày 14/10: Thanh Hoá sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Về miền lim xanh
Một tập thể anh hùng
Bản tin Tài chính ngày 13/10: Giá vàng trong tuần tới được dự báo như thế nào?
Dự báo thời tiết ngày 13/10: Thanh Hóa không mưa, trời dịu mát
Mường Lát ngày nắng lên
“Hồi sinh” cho cây mía nguyên liệu
Trên đất Bình Sơn
Thị xã Bỉm Sơn “về đích” nhiệm vụ chuyển đổi số trước thời hạn