(vhds.baothanhhoa.vn) - Lúa mới hong nắng được chừng hơn tiếng thì trời sập xuống, rồi mưa như trút. Dù cả nhà dăm bảy người lao nhanh ra để cào, xúc lúa vào nhưng vẫn chẳng kịp. Lúa ướt, người cũng ướt theo với trĩu nặng những nhọc nhằn... 

Chạy mưa...

Lúa mới hong nắng được chừng hơn tiếng thì trời sập xuống, rồi mưa như trút. Dù cả nhà dăm bảy người lao nhanh ra để cào, xúc lúa vào nhưng vẫn chẳng kịp. Lúa ướt, người cũng ướt theo với trĩu nặng những nhọc nhằn...

Chạy mưa...

Cơn giông sập xuống khiến nhiều người không kịp trở tay

Bão suy yếu thành áp thấp khiến mưa to nhiều ngày. Trước ngày bão đổ, nhà có vài sào lúa gần đến độ thu hoạch, thà “xanh nhà hơn già đồng” nên bố mẹ tôi phải gặt vội, chí ít còn vớt vát được ít thóc, chứ chẳng may bão đổ, lúa rập xuống ngập nước thì coi như bỏ.

Vậy nhưng, lúa gặt về nhà rồi thì mưa triền miên cả tuần, nhìn đống lúa đổ giữa nhà mẹ sốt ruột lắm, bà ra vào lẩm bẩm, cứ đà này lúa hấp hơi hết, đến khi ăn cũng chẳng còn ngon. Thế nên, tranh thủ buổi sáng trời có vẻ hửng nắng, mẹ thúc giục cả nhà nhanh tay xúc lúa ra phơi. Thời tiết này, chẳng mong lúa khô, chỉ hi vọng được ngày nắng gió phơi cho ráo vỏ là cũng tạm yên tâm.

Nhưng lúa vừa mới kéo ra phơi được chừng hơn tiếng, mặt trời hẵng còn chưa đến ngọ thì mây đen kéo đến, cả nhà năm sáu người lao nhanh ra để cào, xúc lúa nhưng vẫn chẳng kịp. Lúa ướt, người cũng ướt theo với trĩu nặng những nhọc nhằn...

Thực ra, đây đâu phải lần đầu chúng tôi phải chạy mưa... cứu lúa và dĩ nhiên, có lần kịp, cũng có không ít lần đành chấp nhận để lúa ướt sũng.

Tôi nhớ có lần, bố mẹ hẵng còn đi gặt lúa ngoài đồng, ở nhà mấy chị em tôi phụ trách phơi phóng. Rồi cũng như hôm nay, cơn mưa đến bất chợt chẳng kịp trở tay. Sân lúa ướt đã đành, nhưng không để lúa trôi ra vườn, thằng út nhanh tay lấy nắm rơm nút chỗ thoát nước. Cũng tối hôm đó, út lên cơn sốt cao, phải nghỉ học mấy ngày.

Làm nông vất vả. Cái sự vất vả tự ngàn đời chưa hết! Cũng bởi cái sự vất vả ấy mà ngày nhỏ, hơn một lần tôi trách mẹ sao lại chọn nghề nông làm gì?!

Nhà tôi vốn dĩ không phải gốc nông dân. Bố mẹ tôi trước đây thoát ly, mẹ làm bên ngành lương thực, còn bố làm nghề mộc. Hết bao cấp, mẹ tôi nằm trong diện phải về chế độ một lần. Với số tiền được nhận, thay vì lựa chọn kinh doanh, buôn bán, mẹ tôi lại đi mua ruộng. Vậy là, với tất cả số tiền có được, mẹ mua bốn sào ruộng - gắn cuộc sống của cả gia đình với đồng đất, cây lúa, củ khoai.

Khi gia đình tôi bắt đầu làm ruộng, chị em tôi cũng ra đồng cấy lúa, ngày mùa phụ bố mẹ đi gặt, phơi phóng, đêm thì đập lúa, rồi sau này có máy tuốt... tôi mới thấm hết cái sự vất vả, cực nhọc. Tôi ghen tị với những đứa bạn trong xóm nhà không làm nông, không phải đi cấy, đi gặt, phơi lúa, phơi rơm, tôi thấy bọn nó thật thảnh thơi biết bao.

Vậy nên, khi kinh tế phát triển, nhiều nhà trong làng bỏ ruộng, tôi cũng thầm ước bố mẹ có thể... bỏ ruộng. Nhưng mẹ tôi thì không, dường như chưa bao giờ bà có ý định bỏ ruộng cả. Ngay cả những năm qua, nhiều nhà lựa chọn một năm chỉ cấy vụ xuân (vụ chiêm) thu hoạch vào tháng năm, còn vụ mùa (thường thu hoạch vào tháng chín) nhiều rủi ro bởi sâu bệnh phá hoại, mưa bão, ngập lụt nên bỏ hoang không cấy, thì mẹ tôi lại khác, bà chưa từng mảy may bỏ cấy.

Mẹ tôi yêu ruộng, gắn bó với đồng ruộng. Dù rằng, nếu năm nào đó chẳng may mùa mất trắng, hay ngày mùa có cực nhọc “của một đồng công một nén”, đổ mồ hôi, sôi nước mắt như hôm nay chẳng hạn, thì bà cũng chỉ thở dài mệt mỏi khi đó. Rồi sau, mọi thứ lại như cũ. Những vất vả chẳng thể khiến bà bỏ ruộng.

Có lần bố bảo, nghe nói đám ruộng nhà mình ở gần đường lớn, nên sớm muộn gì cũng bị người ta lấy. Có thể là lấy cho một dự án quy hoạch khu dân cư, hay nhà máy... gì đó. Thay vì mừng vui vì nếu người ta có lấy ruộng thì sẽ được đền bù một khoản thì mẹ tôi lại khác, bà thở ngắn than dài, lo lắng người ta lấy ruộng thì biết làm sao?! Biết tính vợ, bố tôi lại an ủi, đó là mới nghe nói, chứ đã biết thế nào đâu, có khi phải đến cả chục năm nữa ấy... nghe vậy, mẹ tôi mới yên tâm phần nào.

Bố mẹ tôi giờ đã yếu, bệnh tật cũng nhiều hơn. Nhưng mẹ tôi vẫn không muốn bỏ ruộng. Những lúc khỏe, bà vẫn dành thời gian chăm chút, thăm nom mấy sào ruộng. Bà yêu ruộng đồng, thứ tình yêu đơn giản, mộc mạc, chẳng tính toán...

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]