(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiếc Lexus và cây Ô liu” - là một cuốn sách dành cho những ai muốn tìm hiểu vừa đầy đủ, cặn kẽ và thuyết phục về đặc điểm của thế giới mới. Sách cũng giải đáp hay nhất và lý thú nhất cho cái gọi là toàn cầu hóa, với nội hàm: lý giải hệ thống, tìm hiểu thách thức và cùng nghĩ suy về cách ứng phó trong thế giới ấy. Sách của Thomas L. Friedman - người từng đoạt giải Pulitzer, bình luận viên quan hệ quốc tế của tờ The New York Times.

Chiếc Lexus và cây Ô liu - Toàn cầu hóa, thách thức và ứng phó

Chiếc Lexus và cây Ô liu” - là một cuốn sách dành cho những ai muốn tìm hiểu vừa đầy đủ, cặn kẽ và thuyết phục về đặc điểm của thế giới mới. Sách cũng giải đáp hay nhất và lý thú nhất cho cái gọi là toàn cầu hóa, với nội hàm: lý giải hệ thống, tìm hiểu thách thức và cùng nghĩ suy về cách ứng phó trong thế giới ấy. Sách của Thomas L. Friedman - người từng đoạt giải Pulitzer, bình luận viên quan hệ quốc tế của tờ The New York Times.

Chiếc Lexus và cây Ô liu - Toàn cầu hóa, thách thức và ứng phó

Thomas L. Friedman bằng những trải nghiệm là bình luận quan hệ quốc tế, trưởng phân xã tờ The New York Times tại Beirut và Jerusalem đã phác họa nên bức tranh toàn cảnh của thế giới, đầy đủ thông tin các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, công nghệ trong cuốn “Chiếc Lexus và cây Ô liu”. Sách đúng như tác giả nói: sẽ nằm trên kệ “vấn đề thời sự” lúc xuất bản, và nhiều năm sau đó sẽ nằm kệ “Lịch sử” với vai trò là một trong những cuốn sách phát hiện và đầu tiên giúp định nghĩa hệ thống toàn cầu hóa.

Với quan điểm, toàn cầu hóa không chỉ là thứ duy nhất tác động đến các biến cố trên thế giới ngày nay, mà còn là sao Bắc Đẩu, là sức mạnh định dạng toàn cầu, tác giả Friedman viết cuốn sách với nỗ lực nhằm giải thích bằng cách nào đó mà kỷ nguyên toàn cầu hóa mới mẻ này lại trở thành hệ thống quốc tế vượt trội vào thế kỷ 20 - thay thế hệ thống chiến tranh lạnh - và xem xét cách nó định hình hầu như toàn bộ các mối quan hệ chính trị, thương mại, môi trường trong nước cũng như quan hệ quốc tế.

Ngay trong phần một, chương 3, tác giả đã lý giải rất rõ về nhan đề của cuốn sách: Chiếc Lexus và cây Ô liu. Nhân sự kiện, tác giả có chuyến công tác ở Tokyo, Nhật Bản, được thăm nhà máy sản xuất xe hơi Lexus sang trọng, và cảm hứng từ cây ô liu - đại diện cho những gì gốc rễ, chúng có thể là tài sản gia đình, cộng đồng, bộ tộc, đất nước, tôn giáo... Ý nghĩa nhan đề của sách được hé lộ, đó chính là biểu tượng của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh: một nửa thế giới đã thoát ra khỏi cuộc chiến, cố gắng sản xuất và cải tiến chiếc xe hơi Lexus sang trọng, dành hết sức cho hiện đại hóa, nửa kia của thế giới vẫn tiếp tục tranh giành xem ai là chủ nhân của một cây ô liu nào đó.

“Xung đột giữa người Serb và Hồi giáo, giữa người Do Thái và người Palestine, giữa người Armenia và Azeris về việc sở hữu cây ô liu thật khốc liệt, chỉ để trả lời cho câu hỏi ai là người được cắm rễ và sinh sống trên quê hương và ai là người không được phép làm điều đó”. Còn chiếc Lexus đại diện cho động lực tồn tại, cải tiến, làm giàu và hiện đại hóa.

Với tinh thần ấy, tác giả rất sắc bén khi lấy hàng loạt ví dụ về cuộc vật lộn giữa chiếc Lexus và cây ô liu trong hệ thống toàn cầu hóa bằng các sự kiện: cuộc trưng cầu dân ý tại Na Uy năm 1994 về vấn đề đất nước này có nên gia nhập Liên hiệp Châu Âu hay không? Chuyện thử nghiệm hạt nhân ở Ấn Độ hồi cuối những năm 90 thế kỷ XX...

Và rồi, chính tác giả đã ngậm ngùi: Thách thức thời toàn cầu hóa đến với đất nước và con người là làm sao dung hòa được giữa việc bảo tồn bản sắc, quê hương và cộng đồng. Xã hội nào muốn thịnh vượng cũng đều muốn chế tạo nhiều chiếc Lexus, nhưng đừng ảo tưởng rằng chỉ cần tham gia tích cực vào nền kinh tế thế giới là có thể tạo ra một xã hội lành mạnh. Sự sống của toàn cầu phụ thuộc vào nỗ lực của chúng ta trong việc xây dựng sự cân bằng giữa phát triển và cội nguồn.

Nếu là một người yêu thông tin, chuộng sự kiện, thì chắc chắn bạn sẽ không thất vọng khi đọc từng trang của “Chiếc Lexus và cây Ô liu”. Bởi bất kỳ một đoạn nào trong sách cũng hấp dẫn, tường minh bởi các sự kiện nổi bật trong mọi lĩnh vực, phủ rộng các châu lục.

Là một người ưa suy ngẫm, tôi luôn tự lật đi lật lại trong từng trang sách, tìm hiểu thật kỹ cái gọi là làm cách nào, ứng phó nào cho đất nước mình, con người nước mình trong bối cảnh chung ấy, nhất là thời kỳ chính mình đang sống.

Ở chương 16 với nhan đề: “Tập hợp lực lượng”, tác giả đã vô cùng thấm thía khi nói rằng: “Những đất nước nghèo nàn như Kenya và Zambia đã tụt hậu trong hệ thống toàn cầu hóa không phải do toàn cầu hóa làm hại họ, mà do họ đã không xây dựng được những cơ sở hạ tầng chính trị, kinh tế và pháp luật tối thiểu để có thể tận dụng toàn cầu hóa. Sự thịnh vượng không phải đã bỏ họ ra đi, mà chính họ đã không tạo ra những điều kiện để giữ nó lại”.

Lời dẫn giải này phải chăng đã hé lộ cách thức ứng phó cho mỗi quốc gia và dân tộc. “Tạo ra những điều kiện” và “Xây dựng những cơ sở hạ tầng... để tận dụng”. Và trong mỗi gia đình thì sao, tác giả đã dí dỏm nói rằng: Bạn phải cung cấp cho con cái những khả năng xét đoán của chính bản thân bạn theo lối cổ điển dưới những tán cây ô liu.

Làm sao để luôn cân đối giữa chiếc xe Lexus và cây ô liu trong mỗi ngày, cá nhân, cộng đồng trong mỗi xã hội? Câu hỏi đau đáu cuối sách của nhà báo Thomas L. Friedman thực ra đã được hé lộ ngay từ đoạn đầu cuốn sách. Nếu bạn muốn chứng thực điều đó, hãy tìm đọc và suy ngẫm theo hướng này nhé!

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]