(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi mua cuốn sách nhỏ này lâu lắm rồi, từ dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và đọc nhiều lần. Cuốn hồi ký khổ 13x19cm, chỉ 153 trang, nằm khiêm tốn bên cạnh những “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Chiến thắng bằng mọi giá” của Cecil B. Currey... Bởi người viết - Nguyễn Trí Việt - trong “Những ngày Điện Biên Phủ” ấy, là chính trị viên Đại đội xung kích 245, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông; Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312 - đại đoàn gắn với vị tướng đánh trận huyền thoại Lê Trọng Tấn, hẳn cũng chỉ muốn cuốn sách của mình góp thêm một lời kể giản dị trong kho tàng sử liệu, truyện, ký đồ sộ về một chương sử vàng của dân tộc.

“Chiến sĩ Điện Biên bình dị lung linh!”

Tôi mua cuốn sách nhỏ này lâu lắm rồi, từ dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và đọc nhiều lần. Cuốn hồi ký khổ 13x19cm, chỉ 153 trang, nằm khiêm tốn bên cạnh những “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Chiến thắng bằng mọi giá” của Cecil B. Currey... Bởi người viết - Nguyễn Trí Việt - trong “Những ngày Điện Biên Phủ” ấy, là chính trị viên Đại đội xung kích 245, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông; Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312 - đại đoàn gắn với vị tướng đánh trận huyền thoại Lê Trọng Tấn, hẳn cũng chỉ muốn cuốn sách của mình góp thêm một lời kể giản dị trong kho tàng sử liệu, truyện, ký đồ sộ về một chương sử vàng của dân tộc.

“Chiến sĩ Điện Biên bình dị lung linh!”

Bởi là hồi ký, nên đọc “Những ngày Điện Biên Phủ” không có những ngôn từ sử thi, không có tráng ca, mà chỉ có những dòng ghi chép chi tiết, chân thực về hành trình nhập ngũ và chiến đấu của tác giả; những gian khổ, ác liệt và thấm đẫm hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của Đại hội xung kích 245 trên mặt trận Điện Biên Phủ; đan xen là những suy nghĩ, tình cảm của tác giả, của đồng đội - những người trong cuộc. Họ có mặt từ đầu trong những ngày bắt đầu chiến dịch, là những người trực tiếp kéo pháo vào, kéo pháo ra, những trận đột kích có tính chất then chốt cho đến lúc khải hoàn và cả tâm trạng của người lính trở lại chiến trường xưa - “chiến trường Điện Biên oai hùng của những người đã ra đi nửa thế kỷ xa nhà”.

Đọc để cảm nhận được tình yêu nước của một thế hệ thanh niên thật trong sáng và bình dị. Họ vào bộ đội, đi chiến trường bởi sự ngưỡng mộ “Bộ đội Cụ Hồ theo thuật ngữ thân yêu mà đồng bào thường gọi các chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn” và bởi thôi thúc tự thân “Tôi trốn gia đình. Và xin gia nhập đơn vị giữ cầu Ba Lai...” dù cảm nhận rõ “... Để cho tôi đi cách mạng, ba của tôi như rứt từng khúc ruột của mình gởi cho cách mạng”.

Đó là cảm nhận không ngôn từ nào có thể tả được, khi 4 chàng thanh niên Nam bộ: Việt, Nam, Thắng, Trận được vinh dự gặp Bác Hồ trong buổi thiếu niên thủ đô chào mừng Chính phủ mới: “... được cầm tay Bác Hồ, tôi cảm nhận bàn tay Bác lớn hơn bàn tay của những người cao tuổi khác”.

Hầu hết chúng ta sẽ nhớ nhiều về những ác liệt, hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng những dòng ngắn gọn trong cuốn sách, còn cho chúng ta thấu hiểu hơn những hành trình chiến trận mà người lĩnh phải trải qua, trước khi bước vào trận chiến cuối cùng. Với những chiến thắng: “... gặp giặc càn quét, cướp bóc lúa gạo, trâu bò của đồng bào dân tộc thiểu số. Tiểu đoàn Phủ Thông cùng với đơn vị bạn đã nhanh chóng tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch ngay giữa ban ngày”. Nhưng cũng không ít những hy sinh: “Chúng tôi đã từ Đông Bắc trở về Thái Nguyên, qua Phú Thọ, lên Tây Bắc, đánh vào Nghĩa Lộ... Đơn vị chúng tôi tấn công cứ điểm địch ở thị trấn Nghĩa Lộ trong hai đêm liên tiếp, nhưng đều thất bại, thương vong la liệt”.

Để rồi, khi đã đi qua chiến tranh, người lính nhìn lại một thời chiến chinh đầy hoa lửa với tâm thế thật bình thản: “Sốt rét, thất bại, chiến thắng ròng rã - cuộc đời chiến đấu quả là đầy thăng trầm, kịch tính cao độ, nghĩ cũng vui”.

Càng gần về ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nhịp truyện càng gấp gáp hơn, hồi hộp hơn, dường như cho theo kịp với những biến động từng giờ, từng phút trên mặt trận. Nhưng đan xen lại có những dòng tự sự đầy xúc cảm của chàng lính trẻ miền Nam lần đầu được chiến đấu trong tình đất, tình người miền Bắc: “Chúng tôi đóng quân, ăn, ở, sinh hoạt trong nhà dân, sống ấm áp trong lòng thương yêu vô hạn của người dân chất phác, cần mẫn, giàu lòng yêu nước”. Tình cảm đó, là tình yêu, là niềm tin và động lực để người lính đi vào trận quyết chiến, hun đúc thành: “Lòng căm thù quân xâm lược, lửa chiến đấu tràn đến vô hình, mãnh liệt, không một cơn giông tố nào của kẻ thù dập tắt nổi”.

Sức mạnh của người lính Điện Biên năm xưa, không chỉ có tinh thần quyết chiến - quyết thắng, không chỉ có vũ khí, khí tài được trang bị, mà còn đến từ “quân lệnh như sơn”. Ba chương nói về thời khắc bản lề của cuộc chiến: Kéo pháo vô; Chuẩn bị đánh “bản Kéo”; Kéo pháo ra - chỉ vỏn vẹn 12 trang. Tất nhiên đến bây giờ, chúng ta đều đã hiểu bước ngoặt lịch sử của quyết định “đánh nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nhưng với chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đơn giản là thi hành mệnh lệnh: “Đơn vị chúng tôi sẵn sàng kéo pháo một lần nữa. Lần này, chúng tôi đã thành thạo việc mà lịch sử chiến tranh thế giới chưa từng có... Sau này, hỏi ra mới biết là ba trung đoàn đều kéo pháo, từng đêm, từng đêm vươn tới theo khẩu lệnh Hai... ba, này, Hai... ba, này! vang dội núi rừng hoang vu”.

Những chương tiếp theo của cuốn sách, là bản anh hùng ca chiến đấu - chiến thắng được viết nên từ những hồi ức thật chi tiết, thật sống động của những người chiến sĩ trong suốt 56 ngày đêm lịch sử. Và những chi tiết đó, mang đến cho chúng ta - dường như là những trải nghiệm trong tâm thức, để rồi nếu có một lần đặt chân đến Điện Biên, sẽ thấy mọi thứ như hiển hiện trước mắt mình: “Khi chiến sĩ đào công sự nằm, lấy đất cho vô sọt tre. Khi sọt tre đầy đất, có thể đỡ đạn bắn thẳng của địch, đến khi chiến hào đã đào được sâu, đất mới đào lên phủ luôn lên cây chuối rừng và sọt tre trở thành chiến hào”. Và nếu chúng ta có tò mò về những cảm xúc của người lính, thì thật thú vị: “Cuộc đối diện lần 2 với xe tăng - tử thần của chiến tranh đã kết thúc tốt đẹp về phía chúng tôi. Cuộc tranh hùng đã kết thúc không phải với tỷ số 0-0 như lần đầu mà là 2-0”. Kể cả với chiến thắng sau cùng, một thắng lợi vĩ đại mang tính thời đại: “Thắng lợi đã đến thật sự, nhưng tôi vẫn chưa hình dung nổi tầm cỡ lịch sử của nó đối với đất nước và còn vang xa, làm rung chuyển tận những lục địa khác”.

Kết thúc cuốn sách là những vần thơ, đọng lại là: “Hoa thời gian thắm đượm ân tình/ Chiến sĩ Điện Biên bình dị lung linh”. Họ thật bình dị, nhưng cũng thật kiêu hùng và lãng mạn.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]