(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đê sông một quãng ngắn, trên khu đất cao gần đình vào mỗi buổi chiều người dân trong làng tôi lại nhóm họp bày bán những đồ, thực phẩm thiết yếu... và chúng tôi gọi là chợ cóc. Chợ không đông đúc người bán, người mua cũng lác đác, ấy thế mà chợ cóc làng tôi cứ bền bỉ tồn tại qua năm tháng, gắn bó với biết bao thế hệ người làng tôi.

Chợ cóc...

Cách đê sông một quãng ngắn, trên khu đất cao gần đình vào mỗi buổi chiều người dân trong làng tôi lại nhóm họp bày bán những đồ, thực phẩm thiết yếu... và chúng tôi gọi là chợ cóc. Chợ không đông đúc người bán, người mua cũng lác đác, ấy thế mà chợ cóc làng tôi cứ bền bỉ tồn tại qua năm tháng, gắn bó với biết bao thế hệ người làng tôi.

Chợ cóc...

Rau củ vẫn là những món hàng đặc trưng được bày bán tại chợ cóc.

Ngày tôi còn nhỏ xíu đã theo bà đi chợ. Ngày ấy, chợ sầm uất, rộn ràng lắm. Cứ 5 ngày một lần chợ họp phiên đại, người bán mua tấp nập. Hàng hóa theo người muôn phương về chợ thật nhiều. Người dân mấy xã cũng chỉ đợi ngày chợ phiên để mua sắm. Từ thịt, cá, mắm rồi rá, rổ, hoa quả đến cuốc, xẻng... đủ cả, ai đến chợ cũng vui.

Rồi những ngày không có chợ phiên, vào các buổi chiều người ta lại họp chợ - gọi là chợ “hôm”. Không rộn ràng như chợ phiên, ở chợ hôm ít hàng hóa, người mua cũng vắng hơn. Chợ hôm chủ yếu bán thực phẩm, rau quả, rồi bánh đa... Chợ hôm thường có nhiều cá, tôm, moi tươi của mấy tiểu thương dưới xã miền biển mang lên.

Tôi nhớ những buổi chợ hôm, mỗi khi bà đi chợ về, trong chiếc làn cói bao giờ cũng có đồ ăn cho anh em tôi. Khi vài viên kẹo mấu gói trong lá chuối khô, lúc lại dăm quả mận, vài khúc mía, mùa nào thức ấy, đủ để khỏa lấp những chiếc bụng đói háu ăn của các cháu trong buổi chiều xế... Thấm thoát, chúng tôi lớn lên, bà nội cũng theo ông trở thành người thiên cổ. Những buổi chợ phiên, rồi cả chợ hôm dần trở thành ký ức xa xôi.

Nhiều năm trước, chợ quê tôi được đưa về khu đất rộng gần đường lớn. Mẹ bảo giờ xã nào cũng có chợ, ngày nào cũng họp chợ nên người ta không còn háo hức đi chợ phiên như trước. Nhưng rồi, như đã thành thói quen, ở khu vực họp chợ ngày trước, vào những buổi chiều, người làng tôi lại ra đấy để họp... chợ. Nếu chợ hôm trước đây vốn đã ít hàng hóa thì giờ đây, chợ chiều bây giờ người bán - mua càng ít hơn. Số người bán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người mua cũng lác đác... đúng như tên gọi “chợ cóc”.

Người bán hàng ở chợ cóc làng tôi chủ yếu là mấy bà, mấy bác đã có tuổi. Người mớ rau vặt, người khay đậu phụ, vài túi dưa cà muối, vài quả trứng, hay mớ tôm cá của mấy người thuyền chài vừa đánh dưới sông mang lên... ấy thế mà thành chợ.

Ở chợ cóc, mấy o bán hàng như đã thuộc tên từng người mua. Nhưng hơn cả một địa điểm giao thương, chợ cóc làng tôi còn là “điểm hẹn” văn hóa, nơi trao đổi thông tin của người dân trong làng. Người ta hỏi han nhau, từ chuyện tổ chức hội làng sắp tới đến đám hiếu, đám hỉ, rồi nhà ai có người ốm đau, đi viện, đến rồi trao đổi chuyện mùa màng, phân tro cho ruộng cấy, thôi thì đủ cả.

...Chiều cuối tuần về nhà, mẹ nấu canh cá nhưng chợt nhớ ra thiếu mớ rau thì là nên tôi lại chạy ra chợ cóc. Trời chiều bảng lảng, những gánh hàng chợ cóc vẫn thật đơn sơ, những o bán hàng đon đả chào mời. Ngoài mớ rau thì là, tôi mua thêm vài thứ, chỉ chưa đến trăm nghìn mà như đã mang cả chợ cóc về nhà...

Minh Chi


Minh Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]