(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo án - thứ mang dấu ấn riêng của từng giáo viên ngày nay đang dần trở thành “món hàng” được bày bán tràn lan, công khai trên các trang mạng xã hội, báo động thực trạng đáng lo ngại của ngành giáo dục.

“Chợ” giáo án hoạt động nhộn nhịp mùa tựu trường

Giáo án - thứ mang dấu ấn riêng của từng giáo viên ngày nay đang dần trở thành “món hàng” được bày bán tràn lan, công khai trên các trang mạng xã hội, báo động thực trạng đáng lo ngại của ngành giáo dục.

"Đồng phục giáo án"...

Năm học 2023-2024 sắp đến, cũng là thời điểm các “chợ” buôn bán giáo án trực tuyến hoạt động nhộn nhịp. Gõ cụm từ “giáo án” trên công cụ tìm kiếm, nhận về hàng trăm, hàng nghìn kết quả đề xuất về các hội nhóm liên quan, từ chia sẻ miễn phí đến trao đổi, mua bán thu hút 10.000 - 30.000 người, có khi lên tới 40.000 người tham gia. Hầu hết, các bài viết trong hội nhóm, trang Facebook đều có những lời mời hấp dẫn, những quảng cáo “có cánh” như: “sát chương trình”, “độc quyền”, “sáng tạo” với đầy đủ các hình thức, từ giáo án word, giáo án trình chiếu PowerPoint, phiếu thu hoạch bài cuối tuần, chương trình tổng phụ trách,… cho thấy một bản giáo án ưu việt, thậm chí là chỉn chu, không tì vết mà không cần tốn thời gian “vắt óc suy nghĩ”.

“Chợ” giáo án hoạt động nhộn nhịp mùa tựu trườngHoạt động kinh doanh giáo án thu hút nhiều thành viên tham gia. Ảnh chụp màn hình.

Thâm nhập vào thị trường, trong vai “người mua”, phóng viên được mời chào cả một “menu” tha hồ lựa chọn cho các chương trình giáo dục trong năm học mới với giá giao động khoảng 300.000 đồng đến 700.000 đồng hoặc có thể đắt hơn tùy từng loại giáo án môn học. Đồng thời, giáo án và tài liệu phục vụ cho việc dạy và học rất phong phú, cung cấp đủ cho những ai có nhu cầu ở tất cả các môn học từ những tiết dạy chính khóa đến sinh hoạt chủ nhiệm, các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12; bên cạnh đó, còn có các tài liệu dạy thêm, thư viện kiểm tra và đề thi thử...

“Chợ” giáo án hoạt động nhộn nhịp mùa tựu trườngHỗ trợ nhưng người cần vẫn phải trả tiền. Ảnh chụp màn hình.

“Chợ” giáo án hoạt động nhộn nhịp mùa tựu trường “Miễn phí” nhưng lại công khai giá. Ảnh chụp màn hình.

Trên thực tế, tình trạng một bộ phận giáo viên sử dụng giáo án “chùa” diễn ra suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, các loại giáo án này phần lớn được tải miễn phí, nếu có mất phí cũng không đáng kể. Việc chuyển từ “chia sẻ” sang “kinh doanh buôn bán” chỉ mới chính thức bùng lên từ khi có Công văn 5512/BGDĐ-GDTRH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (kèm theo các phụ lục) về giáo án cho giáo viên; đòi hỏi, việc soạn giáo án phải thể hiện các bước: Xác định vấn đề; hình thành kiến thức mới; luyện tập; vận dụng;...

Riêng mỗi hoạt động phải đầy đủ mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện. Với yêu cầu của ngành như vậy dẫn đến “có cung ắt sẽ có cầu”, số lượng giáo án mà mỗi giáo viên phải chuẩn bị là khá nhiều cộng thêm nhiều đầu việc khác nhau, để “sở hữu” một bộ giáo án hoàn chỉnh, đòi hỏi giáo viên phải bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu soạn giáo án. Nắm bắt được nhu cầu, một số trung tâm hoặc tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng bắt “trend” tiến hành soạn và rao bán giáo án công khai trên các nền tảng MXH.

... và những trăn trở

Có thể thấy, việc mua giáo án phần nào đã giúp giáo viên giảm bớt gánh nặng trước sự thay đổi chương trình sách giáo khoa mới, có thể sẽ được cấp trên nhận xét tốt, đầy đủ các bước, kiến thức rõ, có cập nhật kiến thức mới, hình thức, trình bày sạch đẹp, theo đúng khuôn mẫu… Nhưng, liệu các giáo viên mua giáo án online có đang tự làm thui chột chuyên môn nghề nghiệp và khả năng sáng tạo của mình?!.

Khi soạn giáo án, nghiên cứu bài giảng vốn là một quá trình trình thể hiện tri thức và năng lực của từng giáo viên lại được “chào bán” như một món hàng ngoài chợ. Bất cập hơn, việc sao chép những mẫu giáo án có sẵn vô hình chung tạo nên sự lười biếng, thiếu sáng tạo đối với công tác giảng dạy. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục, đến chất lượng dạy và học tập, nó còn có thể vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Nghề giáo được tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý; nhưng một bộ phận thầy, cô không tự giác và tâm huyết với nghề từ việc soạn giáo án để “dạy thật”, thì làm sao đòi hỏi học sinh “học thật” và “thi thật”?.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]