(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay, TP Thanh Hóa đã phát triển được 27 sản phẩm OCOP 3 đến 4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao.

Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

Hiện nay, TP Thanh Hóa đã phát triển được 27 sản phẩm OCOP 3 đến 4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao.

Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOPSản phẩm tương ớt Phúc Lộc Thọ của Công ty TNHH Spicy Country (phường Hàm Rồng) tham gia phiên chợ Mai An Tiên tổ chức tại Trường Đại học Hồng Đức.

TP Thanh Hóa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, vì vậy có nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi của thành phố khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Nhận biết được điều đó, ngay khi tỉnh triển khai chương trình, TP Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn về Chương trình OCOP cho các phòng, ban, UBND các phường, xã và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng. Đồng thời, liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ thực hiện các thủ tục để đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tại đợt đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm thứ 2 của tỉnh (năm 2020), TP Thanh Hóa đã có 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm 4 sao là nước giặt Fuwa và nước lau sàn Fuwa 3E của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech, còn lại là các sản phẩm 3 sao. Sau khi được công nhận, các sản phẩm đã được đầu tư nâng cấp bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng và tham gia nhiều cuộc xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu. Anh Lê Duy Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech, cho biết: “Sau khi đạt chuẩn OCOP, công ty đã tăng cường quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và cả nước ngoài. Từ năm 2022, các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang một số nước như Hoa Kỳ, Malaysia, hiện đang làm thủ tục để xuất khẩu sang Canada và Trung Quốc”. Nhờ có tiêu chuẩn, chất lượng tốt nên mức tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Fuwa Biotech lớn, trung bình mỗi tháng công ty cung ứng cho thị trường khoảng 50.000 sản phẩm các loại.

Không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp, HTX phát triển sản phẩm OCOP, mà TP Thanh Hóa còn chú trọng “khơi gợi” sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân. Theo đó, nhiều sản phẩm truyền thống được các hộ sản xuất chủ động đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP, như: Hương truyền thống Quán Giò Trường Thi, bánh dẻo Thuận Nhàn, nem chua Tân Oanh, nem chua Sinh Tuyến... Từ “làn gió” của Chương trình OCOP "thổi' đến, các sản phẩm OCOP của thành phố đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, cũng như khẳng định tiêu chuẩn chất lượng để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ông Nguyễn Xuân Thủy, chủ cơ sở sản xuất hương truyền thống Quán Giò trên đường Bà Triệu, phường Trường Thi cho biết: “Với phương châm “chất lượng làm nên thương hiệu” nên khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 35 cơ sở hương bài truyền thống trên địa bàn phường Trường Thi đã tổ chức lại quy trình sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì để tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường. Bởi mùi thơm đặc trưng không lẫn với bất cứ loại hương nào khác nên sản phẩm hương truyền thống Quán Giò đang dần khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường”.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền TP Thanh Hóa, Chương trình OCOP đã lan tỏa rộng rãi trong Nhân dân và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2023, TP Thanh Hóa phát triển được 9 sản phẩm OCOP, vượt 12,5% so với kế hoạch tỉnh giao. Lũy kế đến nay, thành phố có 27 sản phẩm OCOP 3 đến 4 sao. Thực tế cho thấy, sau khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã chú trọng đầu tư nguồn kinh phí đáng kể cho việc thiết kế bao bì, nhãn mác. Không chỉ cung cấp các thông tin về cơ sở sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi tra cứu sản phẩm, mà đây còn là cơ hội để quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả. Để thúc đẩy tiêu thụ và khẳng định vị thế, chất lượng của sản phẩm OCOP, TP Thanh Hóa tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện để các sản phẩm được tham gia trưng bày, quảng bá tại nhiều sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, các chủ thể cũng chú trọng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, như: facebook, zalo, sendo.vn, lazada.vn, postmart.vn. Từ đó, các sản phẩm có thêm cơ hội tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và vươn ra nước ngoài.

Theo thống kê của TP Thanh Hóa, trong năm 2023, địa phương có 5 sản phẩm OCOP xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Malaysia và bán hàng trên kênh thương mại điện tử quốc tế Amazon. Qua đó, nâng số sản phẩm OCOP của thành phố xuất khẩu đi thị trường nước ngoài lên 7 sản phẩm. Tiếp tục nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP, năm 2024, TP Thanh Hóa phấn đấu phát triển mới 8 sản phẩm OCOP. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP TP Thanh Hóa trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Thụy Châu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]