(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trước thềm cuộc chạy đua giành huy chương tại SEA Games 29, ngành Thể thao Indonesia đã gây sốc với cả khu vực khi tuyên bố một phần thưởng “đặc biệt” cho các VĐV giành huy chương tại SEA Games 29. “Nếu có “vàng”, VĐV sẽ được tạo điều kiện trở thành công nhân viên chức sau khi giải nghệ” - ông Imam Nahrawi, Bộ trưởng Bộ Thanh Niên và Thể Thao quốc gia này hồ hởi thông tin với báo giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện ‘biên chế’ của vận động viên và nỗi lo ‘hậu giải nghệ’

(VH&ĐS) Trước thềm cuộc chạy đua giành huy chương tại SEA Games 29, ngành Thể thao Indonesia đã gây sốc với cả khu vực khi tuyên bố một phần thưởng “đặc biệt” cho các VĐV giành huy chương tại SEA Games 29. “Nếu có “vàng”, VĐV sẽ được tạo điều kiện trở thành công nhân viên chức sau khi giải nghệ” - ông Imam Nahrawi, Bộ trưởng Bộ Thanh Niên và Thể Thao quốc gia này hồ hởi thông tin với báo giới.

Cần phải phân biệt rõ, ở Indonesia cũng như Việt Nam (và nhiều quốc gia khác) việc “vào biên chế” của vận động viên thể thao hoàn toàn khác với giới “quần đùi áo số”. Nếu như trên sân cỏ, chuyện một cầu thủ nhận mức lương vài nghìn USD cùng tiền “lót tay” vài tỉ đồng vốn “bình thường như cân đường hộp sữa” thì với các nội dung khác, “lương cao, thưởng lớn” là mang dáng dấp của một giấc mơ... giữa ban ngày.

Lấy ví dụ từ “hoa khôi đá cầu” Nguyễn Huyền Trang. Bảng thành tích của Huyền Trang (hàng loạt chiến tích trong và ngoài nước, đặc biệt là hai tấm HCV giải Vô địch thế giới 2005 và 2007) khiến người ta ngưỡng mộ bao nhiêu thì đãi ngộ ở đội tuyển quốc gia dành cho cô thật không tương xứng: Cô chỉ nhận được mức lương khoảng một triệu đồng mỗi tháng, ngoài ra không có bất cứ khoản hỗ trợ hay bảo hiểm y tế nào khác.

Theo quy định của ngành thể thao nước nhà thì chỉ khi vào biên chế hay được ký hợp đồng dài hạn, VĐV mới được mua bảo hiểm. Mà Trang cùng khoảng 90% VĐV chuyên nghiệp đều thuộc diện “có mơ cũng chẳng được biên chế. Mọi chuyện càng trở nên ám ảnh hơn khi sau giải nghệ, nhà cựu vô địch nội dung đá cầu vướng bạo bệnh mà tấm thẻ BHYT vẫn là “cánh chim cuối chân trời”. Đó cũng là ước mơ của “cô gái vàng điền kinh” Nguyễn Thị Huyền, người đã ba lần đứng trên bục cao nhất tại SEA Games 28.

Trở lại câu chuyện của thể thao Indonesia, có thể nói, việc sử dụng “biên chế” làm phần thưởng là bước đột phát trong tư duy, đồng thời đã “gãi đúng chỗ ngứa” của các VĐV. Nó có thể không hào nhoáng, “nóng hổi” như ngân khoản mà chúng ta hứa thưởng nhưng lại mang tính ổn định, bền vững; là “điểm tựa” cần thiết sau giải nghệ mà đa số những kẻ theo nghiệp thể thao đều mơ ước.

Vậy thì nên chăng, khi Indonesia đi tiên phong trong việc “mở cánh cửa biên chế” cho VĐV, thể thao Việt Nam cũng nhân đó mà có sự điều chỉnh trong đãi ngộ? Vẫn biết trong chủ trương tinh giản biên chế hiện nay, việc xét viên chức cho VĐV nói riêng và nhiều ngành nghề khác trong xã hội nói chung vẫn là câu chuyện không đơn giản. Thêm nữa, lượng VĐV ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác khá đông đảo (lên tới hàng nghìn). Số lượng HCV chúng ta giành được tại các kỳ Đại hội luôn ở mức dăm bảy chục tấm. Tính cả trường hợp một VĐV giành vài ba HCV thì số “ứng viên” đạt “chuẩn biên chế” (như quy định ở xứ Vạn đảo) vẫn khoảng vài chục trường hợp.

Trong bối cảnh SEA Games tổ chức định kỳ 2 năm một lần thì khó có thể áp “phần thưởng” của Thể thao Indonesia vào dải đất hình chữ S. Song như thế không có nghĩa các quan chức thể thao nước nhà cứ để mặc VĐV đổ mồ hôi trên sân tập và cũng “toát mồ hôi” khi nghĩ về một tương lai không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, lại thiếu ổn định trong công việc.

Một sự điều chỉnh về biên chế trong thể thao, giả dụ như xét viên chức cho VĐV đạt 2-3 HCV hoặc liên tiếp giành “vàng” tại 2 kỳ SEA Games xem ra đảm bảo được cả hai yếu tố. Vừa không khiến lượng lao động có biên chế đột ngột “phình to”, vừa giúp VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu, cởi bỏ những “lấn cấn” trong suy nghĩ “hậu giải nghệ” của cái nghiệp thể thao vốn “bạc như vôi”!

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]