(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm mua thẻ bảo hiểm y tế, đây là lần đầu tiên bác tôi sử dụng thẻ đi khám bệnh. Vậy nhưng buồn thay, cái lần đầu tiên ấy lại khiến bác tôi không khỏi bức xúc.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Sau nhiều năm mua thẻ bảo hiểm y tế, đây là lần đầu tiên bác tôi sử dụng thẻ đi khám bệnh. Vậy nhưng buồn thay, cái lần đầu tiên ấy lại khiến bác tôi không khỏi bức xúc.

Ai phải chịu trách nhiệm?

(Ảnh minh họa: Khánh Lộc).

Mấy ngày liền đau bụng, bác họ dưới quê nhắn nhờ tôi ngày mai đưa đến bệnh viện khám bệnh. Sáng hôm sau, dù đi từ sớm nhưng khi đến nơi cũng đã thấy đông người xếp hàng chờ. Hầu hết là người dân đi khám, chữa bệnh có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Cũng phải, đời sống vật chất ngày càng nâng cao, người dân cũng ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe của mình. Chưa kể, nếu chẳng may có vấn đề về sức khỏe, cần phải khám bệnh, nằm viện, thì việc có thẻ bảo hiểm y tế là “cứu cánh” cần thiết cho đa số người dân.

Ý thức được tầm quan trọng của thẻ bảo hiểm y tế, vì vậy, dù là lao động tự do, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng mấy năm gần đây, năm nào bác tôi cũng chủ động mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện. Tuy nhiên, như lời bác nói thì đây là lần đầu tiên đi khám bệnh bằng chiếc thẻ này. Bác bảo, cứ thấy sức khỏe ổn định, lại bận việc đồng áng nên cũng ít khi nghĩ đến việc đi khám sức khỏe định kỳ. Cũng may, lần này đi khám bệnh, có thẻ bảo hiểm y tế nên bác yên tâm hẳn…

Ngồi chờ một lát, cũng đến lượt bác tôi vào đăng ký khám bệnh. Vậy nhưng, nhân viên y tế sau hai, ba lượt đưa thẻ lên máy kiểm tra đã đưa trả lại thẻ cho bác, kèm giải thích thẻ bảo hiểm của bác hiện không sử dụng được.

Nghe vậy, bác tôi giật mình, bối rối: “Cháu kiểm tra lại giúp bác, chứ năm nào bác cũng đều đặn đóng tiền mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Năm nay còn đóng sớm hẳn 2 tháng, sao lại có chuyện thẻ không sử dụng được…”. Nhân viên bệnh viện nhận thẻ y tế từ tay bác tôi đưa lên máy kiểm tra lại lần nữa, rồi dứt khoát trả lại và nói, trên hệ thống vẫn báo thẻ này không sử dụng được.

Dìu bác ra hàng ghế chờ của bệnh viện, tôi hỏi lại bác có chắc là đã nộp tiền mua thẻ bảo hiểm y tế của năm nay không? Liệu có nhớ nhầm...

“Bác nhớ nhầm làm sao được, đợt vừa rồi bán xong lứa lợn là bác nộp tiền cho người phụ trách thu tiền ở thôn luôn mà, họ còn cấp cho bác cái thẻ mới đây. Đây cháu xem, thẻ mới cấp lại hồi tháng 5…”.

Chợt nhớ ra có cô em làm bên Bảo hiểm xã hội tỉnh, tôi gọi nhờ kiểm tra. Rất nhanh sau đó, em phản hồi: “Chính xác là thẻ này mới hết hạn và chưa được nộp tiền. Chị hỏi bác xem nộp tiền cho ai, có biên lai thu tiền đóng dấu không? Có thể người ta thu tiền của bác chị nhưng lại chưa nộp về tài khoản Bảo hiểm xã hội".

Tôi quay sang hỏi bác. “Hình như chỉ có cái phiếu thu ghi tay thôi chứ không có biên lai dấu đỏ gì hết. Cũng bởi người làng với nhau, họ nói được phân công thu tiền mua bảo hiểm y tế tự nguyện của người dân, nên bác và bà con cứ vậy mà nộp thôi. Chứ có thấy thông báo gì về việc phải có biên lai đóng dấu đâu, nay cháu nói bác mới biết… Sao người ta có thể làm việc vô lối như vậy được chứ”, bác tôi rầu rĩ.

Vừa nói xong, bác lại ôm bụng, gương mặt tái đi vì đau. Tôi đành đưa bác vào khám bệnh.

Trên đường về nhà, bác tôi chưa hết bức xúc: “Đấy cháu xem, không có thẻ bảo hiểm y tế, mới chỉ khám bệnh thôi đã đi gần 2 tạ thóc rồi. Lần này về, bác phải ra thôn, lên xã hỏi cho ra nhẽ mới được. Đâu thể có kiểu làm ăn gian dối, vô trách nhiệm như thế được. Cũng may chưa phải nằm viện, chứ không, có khi tốn cả tấn thóc ấy chứ…”.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]