(vhds.baothanhhoa.vn) - Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Trong miền ký ức: Cái máy xát gạo và bài học của ngoại

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời…

Trong miền ký ức: Cái máy xát gạo và bài học của ngoại

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ông ngoại đầu tư cho cậu út một cái máy xát gạo chạy bằng dầu diesel. Đó là cái máy xát đầu tiên của cả làng tôi. Hẳn mọi người vẫn nhớ, cái máy xát với cỗ động cơ giống cái đầu máy công nông đầu dọc, có một phễu để đổ lúa vào, một cửa cho gạo và một cửa cho trấu chạy ra. Mỗi lần máy chạy, dễ phải cả làng nghe thấy vì tiếng rền đinh tai nhức óc của nó.

Tôi được đứng phụ máy cho cậu. Oách lắm. Khoái nhất là mỗi lần có khách, cậu phải lấy hết sức bình sinh quay cái cần khởi động, tiếng nổ ban đầu lục bục lục bục rồi chừng nào kêu đành đạch đành đạch – tức đã đủ vòng tua, thì cậu hô tô “đóng”, thế là tôi thả cái cần xu-pap “đóng máy”. Sợi dây cu roa kéo cỗ máy rung lên bần bật và cứ thế réo ầm ĩ, lạch xạch tuôn gạo, tuôn trấu ra.

Làng tôi ngày xưa – như tôi kể nhiều lần ấy – nghèo lắm, có những xóm nghèo xác xơ ấy. Bà con đến xát gạo, có người trả bằng tiền, hầu hết trả bằng chính những bò (bơ – làm bằng vỏ hộp sữa Ông Thọ) gạo vừa xát, hoặc bằng ngô, khoai, số ít thì nợ. Gạo mà bà con trả công, hai cậu cháu đổ dồn vào một cái chum sành, thành ra trong cái chum ấy đủ các thứ gạo và mọi người hình dung khi nấu thành cơm sẽ thế nào rồi đấy.

Xát xong gạo thì phải vệ sinh qua máy và mỗi lần như vậy, tôi thường vét được đôi nhúm gạo nhỏ cho lũ gà. Rồi chính vì thế mà tôi nảy ra một… sáng kiến, đấy là sẽ canh đúng thời điểm những hạt lúa cuối cùng chảy xuống để tắt máy và đóng nắp cửa xả gạo lại. Mỗi lần như thế, tôi thu hoạch được chừng nửa bò gạo bị giữ lại trong vòi, và lấy làm thích thú lắm với… chiến tích của mình.

Dĩ nhiên là hầu hết khách không biết, vì số lượng gạo giữ lại chẳng đáng bao nhiêu. Một số người thì biết, nhưng tảng lờ đi vì nếu đi nơi khác xát gạo thì quãng đường xa lắm.

Hôm nào đông khách, số gạo tôi thu được phải đến mấy bò. Mọi người trong nhà chưa biết mánh khóe ấy, nên thỉnh thoảng lại khen cậu cháu “làm ăn tốt”. Khoái chí, tôi đem chuyện khoe với ngoại. Hí hửng tưởng được khen, dè đâu bị ngoại mắng. Ngoại bảo, dù một li một lai của người khác, cũng đừng nên phạm vào mà phải tội người ta. Chưa kể, “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt” – thành cái tật ăn cắp vặt thì xấu xa lắm.

Từ đấy tôi bỏ hẳn cái trò… nghịch dại ấy. Cái máy xát hoạt động được một thời gian thì ngừng, vì cậu vào miền Nam lập nghiệp. Ngoại cũng đi xa lâu lắm rồi nhưng những lời xưa cũ thì theo tôi đến tận hôm nay, thấm thía hơn, sâu sắc hơn. Rằng, tội lỗi sẽ nằm trong việc làm tổn thương người khác một cách không cần thiết!.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]