(vhds.baothanhhoa.vn) - Tấm bia bằng đá phiến đẹp quá, thành ra bọn con nít trong làng đứa nào cũng muốn ngồi lên một tí để thử cảm giác mát mát ở mông.

Bia đá thì mòn

Tấm bia bằng đá phiến đẹp quá, thành ra bọn con nít trong làng đứa nào cũng muốn ngồi lên một tí để thử cảm giác mát mát ở mông.

Bia đá thì mòn

Minh họa: Phạm Nam

Nếu so với các làng khác trong xã, thì làng tôi - cái làng không phải là bất kỳ cái làng nào khác mà quý vị từng biết, được coi là khang trang hơn cả với những tuyến đường bê tông phẳng phiu, những tường rào xanh rực sắc hoa và san sát những nhà cao tầng.

Làng tôi một thuở nghèo nhất xã, thậm chí nhất huyện. Nhưng người làng tôi có tiếng là bền chí lao động, học tập. Lớp lớp người làng thoát ly đi làm ăn và học tập từ độ tuổi thanh niên, rồi cứ thế bồi đắp tri thức và của cải về cho gia đình và cho xóm làng.

Nhưng góp của, góp công cho làng thì mỗi người mỗi cách.

Đấy, cái nhà thờ họ to như cái đình làng nằm ngay đầu làng tôi, là của nhà ông Phú Trọc – người được tiếng là giàu có nhất làng. Ông Phú Trọc ngày còn ở làng làm nghề hàng seo. Tiếng lợn bị chọc tiết mỗi tinh mơ vọng ra từ nhà ông Phú Trọc một thời, chính là tiếng kèn báo thức cả làng.

Theo làn sóng ly hương, ông Phú Trọc cũng dắt díu vợ con mang theo nghề hàng seo vào Nam lập nghiệp. Cứ chồng mổ, vợ bán ngày hai buổi chợ, lại làm thêm đám xá, chẳng mấy chốc mà vợ chồng ông Phú Trọc mua được đất, xây được nhà. Dần dà, vợ chồng ông Phú Trọc xây lò mổ, làm đầu mối cung cấp thịt gia súc, gia cầm cho các chợ. Hơn chục năm sau trở về quê, ông Phú Trọc đã trở thành một đại gia về bất động sản ở vùng đất mà ngày vợ chồng ông vào lập nghiệp tứ bề là ruộng rau muống, sau trở thành các khu đô thị mới.

Ngày khởi công xây dựng nhà thờ, ông Phú Trọc cũng đồng thời đề nghị với làng cho được tài trợ đổ bê tông tuyến đường trục chính của làng, vừa làm đẹp cho làng, vừa rộng rãi, phong quang cho mặt tiền nhà thờ.

Ngày khánh thành con đường, có lãnh đạo huyện, xã về dự, lại có cả phóng viên đài huyện về quay phim, chụp ảnh, đưa tin. Ấn tượng nhất là màn cắt băng khánh thành và rút tấm nhiễu đỏ phủ lên phiến đá dựng ở đầu đường, có khắc chữ: “Gia đình ông Phú Trọc tài trợ xây dựng. Ngày khởi công... Ngày khánh thành”. Không khí hồ hởi, phấn khởi còn kéo dài đến tận khuya với những mâm bát ê hề ở nhà văn hóa. Ai ai cũng ca ngợi sự phóng khoáng và nghĩa tình với làng xóm của gia đình ông Phú Trọc. Ai ai cũng khen tấm bia dựng bằng đá phiến, sáng bóng như gương là “hoành tráng, rất là tương xứng với công lao” của ông Phú Trọc.

Tấm bia bằng đá phiến đẹp quá, thành ra bọn con nít trong làng đứa nào cũng muốn ngồi lên một tí để thử cảm giác mát mát ở mông. Trâu bò đi ngang qua cũng phải ghé vào cọ cọ lưng vài cái. Mấy con chó chạy rông cứ phải vòng quanh hít hà một hồi rồi ghểnh chân đánh dấu lãnh thổ. Vào mùa thu hoạch, phiến đá trở thành cây rơm đến là đẹp mắt. Không chỉ đẹp, phiến đá còn rắn chắc, nên còn được người làng dùng làm đe để gõ lại lưỡi cuốc, lưỡi bừa; đôi khi làm chỗ mài dao, mài thuổng.

Lâu dần, chữ khắc trên phiến đá cũng mòn vẹt, sứt sẹo, bọn trẻ nít lớn lên sau này, đố mà đọc được tên cái người khắc trên đấy. Đường làng cũng thêm vài lần được chỉnh trang, mở rộng.

Chừng cùng thời điểm xây dựng đường làng, ngôi đình cổ của làng cũng được tu sửa. Để tu sửa được ngôi đình, phải mất nhiều thời gian lắm, từ lấy ý kiến người dân, cấp trên thẩm định, sao cho bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị nghệ thuật kiến trúc và không gian của đình. Cuối cùng mới là kinh phí. Khâu cuối cùng, nhưng quan trọng lắm, vì kinh phí hỗ trợ thì ít, mà nguồn xã hội hóa thì hạn hẹp.

Đúng lúc khó khăn nhất thì làng nhận được nguồn tài trợ, chỉ với yêu cầu không được công bố danh tính nhà tài trợ. Ngày khánh thành đình làng cũng là ngày làng mở hội, ai cũng lâng lâng tự hào bởi ngôi đình bề thế mà hiền hòa, uy nghiêm mà gần gũi. Tuy nhiên, đến tận hôm đó, người làng vẫn không biết danh tính người đã tài trợ trùng tu, tôn tạo đình làng.

Nhưng rồi một đồn mười, mười đồn trăm, người làng tôi tin rằng, gia đình ông giáo sư đã tài trợ cho làng. Ông giáo sư không sống ở làng, nhưng vẫn thường về hương khói ở căn nhà ba gian nhỏ hoặc thăm nom xóm giềng, động viên việc học hành của con cháu người làng. Con cái ông, ai cũng đều công thành danh toại, sống có nghĩa tình với bà con xóm giềng. Mỗi dịp hội làng, người làng lại kính nhường ông lên dâng hương trước. Con cháu ông về làng, thôi thì chật xe những thức quà quê “lấy thảo” của xóm giềng. Dĩ nhiên, làng tôi ai cũng biết tên ông giáo sư đáng kính ấy và cả con cháu của ông.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]