(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực, từng bước phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững và phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cơ giới hóa trong nông nghiệp: Lợi ích nhưng chưa đồng bộ

Trong những năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa đã có chuyển biến tích cực, từng bước phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững và phát triển.

Cánh đồng lớn trong sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại huyện Thiệu Hóa.

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, riêng đất trồng lúa có trên 120.000 ha. Trong 5 năm qua, do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, với nhiều chính sách, cơ chế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao: tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 4%; sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 1,69 triệu tấn, chất lượng ngày càng tốt hơn; có nhiều mô hình sản xuất mới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác và thu nhập của nông dân...

Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Hằng năm, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng cơ giới trong khâu làm đất chiếm 91,46% diện tích, khâu gieo trồng 9,8%, khâu thu hoạch 57,6%... Đến nay, toàn tỉnh có 450 máy kéo cỡ lớn, 160 máy cấy lúa, 600 máy gặt đập liên hợp, 12.500 máy tuốt vò lúa, 5.220 máy nghiền thức ăn gia súc, 440 máy sấy nông sản, 15.567 máy chế biến lương thực, 6.405 máy chế biến gỗ, 4 máy thu hoạch mía, 1.749 máy bơm động cơ các loại đã chủ động tưới tiêu cho 75% diện tích lúa, 12,1% diện tích mía và 52% diện tích cây trồng hàng năm... Hiện toàn tỉnh có 545 tổ chức, cá nhân vay 178,320 tỷ đồng (trong đó, ngân hàng hỗ trợ lãi suất 18,644 tỷ đồng) để đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Có thể khẳng định, việc thực hiện cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, thay thế phương pháp sản xuất thủ công bằng các tiến bộ khoa học, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất; tăng nhanh nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và giải quyết áp lực về lao động thời vụ trong nông nghiệp. Thực tế ở huyện Thiệu Hóa và một số huyện lân cận, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đang được quan tâm và đầu tư đúng mức, đến nay cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 98%, trong khâu thu hoạch 80%, mạ khay máy cấy trên 15 đến 20% tổng diện tích. Theo đánh giá bước đầu của người dân, của cấp ủy, chính quyền cơ sở việc thực hiện các khâu cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp đã giảm được 10% chi phí, trong khi năng suất lại tăng 12%.

Không chỉ ở lĩnh vực trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại, gia trại ở các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín; sử dụng hệ thống máng ăn tự động; thiết bị núm uống nước tự động... Góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hóa quy mô trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn đánh giá việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, tiến độ cơ giới hóa ở một số khâu còn chậm, công nghệ cơ giới hóa thấp, chưa đồng bộ ở các khâu sản xuất.

Bà Đỗ Thị Loan - Phó phòng NN&PTNT huyện Thọ Xuân, cho biết: “Việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay trên địa bàn huyện mới chỉ tập trung ở khâu làm đất, đạt 85%; thu hoạch đạt hơn 50% diện tích; sử dụng máy cấy đang còn thấp chỉ đạt trên 5%. Mặc dù đã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa lần 2 nhưng diện tích của các hộ vẫn còn nhỏ, nên khó khăn trong việc áp dụng máy cấy vào sản xuất. Chính sách của tỉnh chỉ áp dụng cho máy gặt đập liên hoàn, còn các loại khác chưa có, trong khi kinh phí của huyện hạn chế nên chưa có chính sách riêng để khuyến khích bà con nông dân đầu tư mua máy móc. HTX và các hộ dân khó khăn nguồn vốn nên chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Nguyên nhân chính khiến cho việc đưa cơ giới vào sản xuất trên địa bàn tỉnh còn khó khăn là do thực trạng ruộng đất ở một số huyện còn manh mún, đời sống nông dân còn nghèo. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc dồn điền, đổi thửa nhưng kết quả thực hiện tại một số địa phương vẫn chưa cao. Vẫn còn nhiều thửa ruộng nhỏ lẻ, địa hình phức tạp, nhất là khu vực miền núi, khó đưa máy móc vào sản xuất. Trong khi đó đầu tư ban đầu cho cơ giới hóa lại khá cao, nhất là những máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài. Vì thế nhà nông và doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng bình quân đạt 2,9%/năm; sản lượng lương thực hàng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn trở lên, thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục đổi mới đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường đào tạo, tập huấn, tham quan học tập mô hình, thông tin tuyên truyền về cơ giới hóa; đẩy mạnh việc xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng các vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung. Các địa phương nên phát triển các cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]