Cô học trò nỗ lực giữ gìn văn hóa dân tộc
Lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc Dao đến nhiều người hơn nữa, em Phùng Diệu Linh (lớp 12A6, Trường THPT Cẩm Thủy 1) bằng nỗ lực bản thân, thực hiện các đề án, chương trình góp sức trẻ giữ gìn văn hóa dân tộc.
Diệu Linh (hàng đầu, đội mũ) trong một hoạt động tình nguyện.
“Hình ảnh các bạn học sinh người Dao lộng lẫy trong bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc khi đến trường hoặc trong các buổi lễ hội luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong em. Từ ấn tượng đó, em bắt đầu đi sâu tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân tộc mình thì thấy có rất nhiều điều thú vị. Bởi vậy, em mong muốn các bạn trẻ là người dân tộc Dao như em hiểu sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc mình, từ đó chung tay giữ gìn những nét đẹp văn hóa đang dần bị mai một”. Đó cũng là lý do Phùng Diệu Linh trăn trở để rồi thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tết Nhảy của đồng bào dân tộc Dao” tham dự Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh THCS năm học 2023-2024. Đề tài đã vinh dự được nhà trường chọn dự thi cấp tỉnh và đạt giải khuyến khích. Tiếp nối thành công, cô và các bạn cùng trường triển khai thực hiện dự án “Lễ cấp sắc của đồng bào Dân tộc Dao” tham gia cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam” do Trung ương Đoàn phát động.
Theo Diệu Linh, văn hóa truyền thống dân tộc Dao được thể hiện trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Đó là tập quán sản xuất, cư trú, nếp sinh hoạt, trong các nghi thức của đám cưới, đám tang, lễ hội, tín ngưỡng... Trong đó, nét đẹp văn hóa dân tộc Dao nổi bật, thể hiện đậm đặc nhất là Tết Nhảy (hay múa Rùa) gắn với chuyện Bàn Hồ kể về lai lịch, sự hình thành các nhóm Dao và quá trình di cư của họ để tìm mảnh đất định cư lâu dài. Việc phát huy, bảo tồn nghệ thuật diễn xướng Tết Nhảy trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Dao là vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người Dao. Bởi vậy, đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tết Nhảy của đồng bào dân tộc Dao” mang khát vọng truyền bá vẻ đẹp dân tộc Dao đến đông đảo nhiều người hơn nữa, và mong muốn những người trẻ như Linh có ý thức bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.
Tết Nhảy nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện tinh binh để bảo vệ cuộc sống, sinh hoạt gia đình. Đồng thời là cách họ tưởng niệm về nguồn gốc và số phận lịch sử của dân tộc mình. Tết Nhảy cũng thường được tổ chức trong đám tang, do quan niệm của người Dao, chết tức là vĩnh biệt mọi người ở chốn trần gian để đến với tổ tiên ở thế giới bên kia. Vậy nên vào tối ngày thứ 2 của đám tang, thầy cúng sẽ cúng kể về nguồn gốc của người Dao, quá trình người Dao di cư đến Việt Nam. Ở đây, họ đã tìm được đất lành để an cư lạc nghiệp và mảnh đất yêu người này đã giữ chân họ, trở thành quê hương, nơi người già nằm xuống lại có lớp trẻ kế cận tiếp tục vun đắp cuộc sống.
Diệu Linh trong lễ tuyên dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Thực hiện đề tài, Diệu Linh tự mình nghiên cứu, tìm các nguồn tài liệu chính thống, đặc biệt là những nghệ nhân ưu tú, những người có uy tín trong cộng đồng – họ chính là những “pho sử sống” của người Dao về phong tục tập quán, văn hóa... Cô học trò nhỏ không quản ngại khó khăn, vất vả đến từng hộ gia đình nắm thông tin từ người dân “Qua khảo sát, nghiên cứu những thôn có đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn huyện Cẩm Thủy, em nhận thấy vấn đề nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tết Nhảy hiện nay chưa được chú trọng. Đa phần mọi người đều nhận thức được đây là nghi lễ quan trọng không thể thiếu đối với người Dao nhưng lại chưa nhận thức về vấn đề bảo tồn, phát huy ra cộng đồng”.
Tương tự, dự án “Lễ cấp sắc của đồng bào Dân tộc Dao” là cách mà Diệu Linh quảng bá nét đẹp đặc sắc của dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy của mình ra đông đảo mọi người.
Dự thi bằng các đề tài văn hóa, giải đạt có thể chưa cao nhưng tính lan tỏa, được nhiều người nhất là các bạn trẻ biết đến là chắc chắn. Đây cũng là một trong những mong muốn của Diệu Linh khi thực hiện các đề tài, dự án khoa học về văn hóa. Đồng thời, cũng là một trong những cách để em và những người bạn nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống ra cộng đồng.
Là cô gái trẻ có tình yêu văn hóa dân tộc, Diệu Linh còn là một học sinh xuất sắc, giỏi cả môn tự nhiên và xã hội, sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể qua các năm học: Giải Ba cuộc thi An toàn giao thông cấp Quốc gia, giải Nhì môn Lịch sử cấp tỉnh, giải Nhì cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa....
Cô Đào Thị Lan, giáo viên đồng hành với Diệu Linh trong quá trình học tập THPT chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng tự hào về cô học trò nhỏ bởi những nỗ lực trong giữ gìn, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa quê hương. Các em biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình để gìn giữ và giới thiệu nét văn hóa tại địa phương. Đó là một điều đáng quý ở thế hệ trẻ, cũng là tấm gương để những người bạn cùng trang lứa học tập, noi theo”.
Được biết, ước mơ của Linh là trở thành một nữ cảnh sát, tiếp nối truyền thống gia đình. Tuy nhiên, dù sắp tới ở môi trường mới, thì tình yêu văn hóa dân tộc trong Linh luôn nồng cháy, em bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục thực hiện những dự án, chương trình về văn hóa phong phú và đa dạng hơn nữa để ngày càng nhiều người biết và yêu mến văn hóa dân tộc Dao.
Bài và ảnh: Phan Vân
{name} - {time}
-
2024-11-22 08:36:00
Tiến sĩ Trần Bá Tân, người giữ chức Thượng thư của 6 bộ
-
2024-11-22 07:30:00
[WOW! THANH HÓA] Độc lạ 2 món bánh đầu tiên tại Thanh Hóa
-
2024-06-09 08:31:00
Thơ Văn Đắc – cái tôi trữ tình luôn mới mẻ
Tướng công Lê Liễu trên đất Bản Định
Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Dục - Rạng rỡ vùng đất Thiệu Thịnh
Tướng quân Nguyễn Bá Lệ và dòng họ Nguyễn ở Nga Hải
Thầy giáo hơn 20 lần hiến máu tình nguyện
Thầy giáo đam mê sáng tạo Bộ Flashcard 100 nhân vật lịch sử Việt Nam
Ước mơ của Sùng A Phềnh
Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến
Nữ trưởng thôn làm dân vận khéo